Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Một mai con lớn khôn

Một mai con lớn khôn
Không ê a đọc chữ
Nhưng con cần học giữ
Đọc cuộc đời qua tim
Qua những ánh mắt nhìn
Qua hình hài con chữ
Qua dáng mẹ tảo tần
Qua bóng cha lặng lẽ
Qua những điều mới mẻ
Của tuổi trẻ con đi
Của những gì có được
Là con đã lớn khôn
Con sẽ học vuông tròn
Để ấm êm yên ả
Con sẽ nhìn biển cả
Để thấy mình nhỏ nhoi
Con sẽ xuyên núi đồi
Để cho mình vững chãi

Định mức khuây khoả (Quantum of Solace): Giới hạn chịu đựng

Xin được lấy tựa để của bộ phim bom tấn về James Bond để đặt tiêu đề cho bài viết này. Cảm xúc của tôi khi đọc xong bài viết này trên báo Tuổi trẻ (http://tuoitre.vn/Giao-duc/585719/day%C2%A0doa%C2%A0tre-mam-non.html#ad-image-0http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/585764/xem-video-clip-day-doa-tre-mam-non.html)
Quả thực, tôi không dám xem hết đoạn phim do các phóng viên cung cấp. Có cái gì đó rờn rợn kinh khiếp trong cảm xúc của tôi. Tôi tự hỏi, các bảo mẫu trên có phải là người hay không nữa, họ hành động với trẻ em còn thua các con vật tồn tại trên trái đất.
Tôi thử tra google với câu lệnh "bảo hành trẻ em", nó cho kết quả là 1.110.000 (https://www.google.com.vn/#q=%22b%E1%BA%A1o+h%C3%A0nh+tr%E1%BA%BB+em%22). Đúng là nghẹt thở. Tim thắt và quắt ruột.
Còn nhớ vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ chăm trẻ bằng chân, Quản Thị Kim Hoa cho ăn bằng thước, tắm mát kiểu Trần Thị Phụng, chăm trẻ bằng cách nhốt vào thang máy dạng Trần Thị Xuân Nữ, dán băng keo vào mồn như Lê Thị Lê Vy. Cứ mỗi vụ xảy ra là xã hội dậy sóng, Còn bây giờ, hai bảo mẫu ác quỷ là Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý. Đáng tiếc, vụ sau lại nghẹt thở hơn vụ trước. Những người phụ nữ, đàn bà đã và đang hoặc sẽ làm mẹ? Họ nghĩ gì khi để cho ác thú trong tâm hồn mình trỗi dậy?
Hỡi các nhà quản lý, các địa phương, hãy làm gì đi chứ? Liệu rằng chúng ta cứ khởi tố mãi được không? Có giọt nước mắt của cha mẹ nào bằng giọt nước mắt uất nghẹn, bất lực khi biết con mình bị bạo hành bởi những hành động ác quỷ hơn loài quỷ của các bảo mẫu trên.
Người ta sẽ bàn đến chuyện trường công, trường tư, có phép hay không phép, có camera hay giám sát từ chính quyền địa phương....?! Tại sao những vụ bạo hành này lại xảy ra đối với con trẻ của những người công nhân tại các khu công nghiệp, các khu sản xuất với mức sống còn đang teo tóp? Chẳng lẽ, con trẻ, là da là thịt, là đồng bào mình, máu đỏ da vàng là vậy mà lại đối xử ác quỷ thế chăng? Hay là người nghèo thì được đối xử như vậy? Nơi chốn nào an toàn và nhiều niềm vui cho con trẻ?
Làm gì đi chứ, hỡi các nhà quản lý! Định mức khuây khoả dành cho các bảo mẫu đến vậy là được rồi. Hay là kết cục có một cái chết bi thương của người mình yêu như trong bộ phim  của James Bond?!
Sự chịu đựng của các bậc cha mẹ đã đến mức tới hạn. Cảm giác một hành động khẩn thiết của các nhà quản lý đang được người dân chờ đợi. Có điều gì đó đang trào ứ lên đến gan óc của các bậc cha mẹ về một giải pháp quản lý hệ thống giữ trẻ.
Lên tiếng và hành động đi hỡi các nhà quản lý. Làm được gì thì cứ làm đi. Khi người ta không thể khóc được nữa là lúc con người sẽ có những hành động đáp trả xứng đáng với hành vi bạo hành.
Đừng để nước ngập đến đầu rồi mới chạy.

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Qua những giấc mơ


Đêm qua, trong giấc mơ tôi mơ thấy mình chân trần, bé tí lon ton trên cánh đồng khô đầy gốc rạ sau mùa gặt. Đằng đẳng, cũng đã gần 20 năm xa nơi tuổi thơ và lớn lên. Đi xa, lang bạt kỳ hồ khắp chốn từ núi rừng thăm thẳm Trường Sơn cho đến những vùng biển xa xôi bên Đại Tây Dương nhưng tôi vẫn lặp lại những giấc mơ xưa cũ, bé thơ. Đi xa, chẳng nơi nào níu kéo tôi lại với những giấc mơ, chỉ là những ký ức mênh mang của tuổi trẻ, còn lại, vẫn là da diết nỗi nhớ quê nhà.
Bạn tôi ở Hà Nội, hắn hỏi, ở quê có chi mà mi hay về rứa? Tôi không trả lời được.
Tôi thích cảm giác sớm mai tinh mơ hít đầy lồng ngực hương vị mặn mòi của gió biển, tôi thích nghe tiếng gà gáy giục canh sớm, tôi ao ước được hít căng cánh mũi mùi lúa đến kỳ trổ đòng. Quê nhà, có ai không nhớ mùi sữa thơm nồng bên má chú bê con, có ai không nhớ tiếng ăng ẳng, rung rúc, rù rù của bọn cún con nhảy cẩng lên khi lâu ngày gặp lại người nhà. Tôi thích được ngắm chiếc bánh mặt trời nhô cao từ dưới mặt biển, rực hồng và đầy sức sống. Quê nhà, nhớ bà hàng xóm có món dưa môn mới muối đã mang sang cho hàng xóm một bát làm vui, nhớ vạt khói bếp chiều vương vấn quanh mái hiên nhà. Miền quê xa ngái, thăm thẳm là những nỗi nhớ chầm chậm len vào cuộc đời.
Quê nhà tôi đấy, nhớ dáng mẹ với vạt áo đẫm mồ hôi giữa mùi đông, nhớ tiếng cha thở nặng sau khi gánh khoai sắn về chiều muộn. Mấy năm rồi, mẹ rời xa dương gian tôi vẫn mơ thấy dáng mẹ bên hiên nhà từ thủa tôi còn bé. .
Sống giữa đô thì thành phố mà cứ nôn nao nhớ quê nhà. Quê, không khói bụi mịt mù, không ồn ào còi xe, không tiếng mắng chửi rộn ràng của mấy bà bán hàng chợ cóc. Quê, chẳng ai dè sẻn câu hỏi thăm hay nụ cười thân thiện. Bao lần, giữa vạn người lầm lũi mưu sinh nơi đô thị tôi tìm kiếm một ánh mắt sẽ chia hoặc một nụ cười tươi mới nhưng khó quá.

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Giao thông ở Mỹ: Cảnh sát về nhì

Bạn tôi, hắn "bị" định cư ở Mỹ khoảng 15 năm nay rồi, hắn bảo, ở tạm bên ni, khi mô lớn tuổi thì về nước "cho nó lành". Hắn làm phóng viên cho một tờ báo nhỏ, kiếm cũng kha khá, thi thoáng đánh hàng về Việt Nam kiếm tí tiền lời tỷ như áo quần, ví, kính mát, đồng hồ....Hắn nói, hàng xách tay xin, nhưng hầu hết, sản xuất tại Trung Quốc.
Hôm qua hắn online than: "Vừa bị cảnh sát giao thông níu, phạt mấy chục đô, nhưng, thằng bảo hiểm nó vừa thông báo charge thêm phí 15%. Ức không thể cãi được. Việt Nam mà làm thế này thì giao thông ngon hẳn lên cho mà coi". Tôi hiểu hắn, bởi tôi đã 2 lần đến Mỹ. Dù đến và loanh quanh trong khu cảng Los Angeles và Long Beach vài ngày.
Người Mỹ cũng như người nước khác trên thế giới, đôi khi họ nhờn luật. Cảnh sát ở Mỹ được cái là làm việc công minh, cấm có nề quen biết mà xin xỏ. Vi phạm, phạt. Cãi, phạt. Không chịu nộp phạt, phạt nặng hơn. Bạn tôi, có lần hắn đâm đơn kiện lên toà của thành phố LA để đòi 40 đô tiền phạt đậu xe không đúng vạch, hắn lý luận rằng, cái vạch quá nhỏ đối với cái xe của hắn. Hắn lên toà, hắn cãi lấy được, không luật sư, không trợ lý. Hắn bảo, nếu thế thì kẻ cái vạch rộng ra tí. Thế mà toà chấp thuận lý lẽ của hắn. Trả hắn 40 đô, bắt cảnh sát giao thông phải xin lỗi hắn.
Nước Mỹ, ra đường bị cảnh sát giao thông hụ còi và kiểm tra thì phải làm theo, cấm có từ chối mà bị phạt nặng hơn hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Bạn có thể chạy xe vượt đèn hoặc quá tốc độ, bạn bị phạt khoảng hơn 200 đô. Bạn OK, coi như rút kinh nghiệm.
Vậy nhưng, sau khi bạn đã bị trừ tiền trên tài khoản, các nhà bảo hiểm mới "trò chuyện" với bạn. Vụ này liên quan đến tiền túi của bạn. Mức phí bảo hiểm của bạn có thể bị tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 bởi hồ sơ của bạn đã "bị điểm danh". Nhà bảo hiểm đánh giá vào đạo đức và ý thức tuân thủ luật pháp của bạn.
Ở Mỹ, không có bảo hiểm là không có chi sất. Nhà bảo hiểm có đủ quyền để xử lý túi tiền của bạn. Cảnh sát họ chỉ phạt, không nhắc nhở, không đôi co. Còn lại, nhà bảo hiểm sẽ "chơi" với bạn cho đến ngày bạn chán ngán việc sở hữu chiếc xe hơi.
Mà ở Mỹ, bán cái xe hơi cũ cũng là một câu chuyện hay. Xin hầu chuyện trong thời gian tới về chủ đề này.
Ước chi, nhà bảo hiểm ở Việt Nam mình áp dụng được theo mô hình phạt của Mỹ, giao thông ở Việt Nam chắc đỡ khổ hơn nhiều.


Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Siêu bão và Lòng tham

Mấy ngày hôm rồi, con dân nước Việt bỗng dáo dác,  ngơ ngác hết cả. Đầu tiên, khi cơn bão số 14 (Haiyan) đang ở tít ngoài Thái Bình Dương thì đã có tin đổ bộ vào khu vực nam bộ. Một cuộc di dân đã rục rịch bắt đầu. Ngày 8/11/2013, dự báo vào Trung Trung bộ và Nam trung bộ, dân làng đang lay lắt với hậu quả của cơn bão trước nay đón thêm tin dữ bỗng nhói lòng, hui hắt giọt nước mắt rơi.
Một ngày sau, dự báo vào Bắc Trung Bộ, đồng bào lại nhốn nháo bởi hậu quả của 2 trận lũ liên tiếp đã đe doạ tính mạng của bà con. Họ lặng lẽ thu dọn tài sản, chằng chéo nhà cửa - mà còn gì nữa đâu mà giữ lại.
Đến 10/11/2013, chính thức bão số 14 đi vào vùng Đông Bắc Bộ, càn quyét Hải Phòng, Quảng Ninh. Bà con thấp thỏm và sẵn sàng đối phó với bão. Ai cũng lo, nhưng lòng người vẫn vững, bao đời nay, đồng bào đã đối mặt với hàng trăm, hàng nghìn cơn bão, bà con trở nên can trường, vững dạ.
Vậy nhưng, khi đối mặt với sự thật cuộc sống, với lòng tham vô đáy của một số người, đồng bào mình lại trở nên uất nghẹn, giọt nước mắt mặn chát như chính cơn sóng biển đục ngầu đang dội xuống cuộc đời.
1. Bố ở quê, sau cơn bão là hoang tàn nhà cửa, vườn tược. Mái tôn che nắng mưa bao đời nay bị cơn bão thổi tung bốc đi hàng chục mét.
Sau bão, bố cặm cụi gom góp để làm lại. Ra cửa hàng bán vật liệu xây dựng, sau khi nghe phát giá bán mấy tấm tôn, xi măng, gạch ngói, bố gọi cho tôi "Thôi con ạ, ra Giêng rồi làm, chừ đắt lắm, giá gấp 5 gấp 6 so với bình thường. Họ chém ác quá..."
2. Cơn bão 12, bạn tôi đi qua Nghệ An, vì ngập lụt nên không thể di chuyển, bạn phải mua gói mì tôm với giá 50.000 đồng/gói. Bạn buồn, bạn nghẹn ngào với giọt nước mắt đắng chát. May thay, đồng bào địa phương trong cơn khốn khó đã không bỏ nhau, họ đùm bọc và yêu thương. Tối đó, bạn gọi "Ở với bà con một đêm mà sướng hơn tiên mi ơi"
3. Sáng chủ nhật, ngày 10/11/2013, vợ tôi đi chợ, khi đi về, mang theo vẻ mặt hậm hực và bực tức. Vợ nói, đúng là dân buôn bán, ngày mưa bão là chém giá lấy được. Người đi mua cũng tranh nhau mua. Bình thường chê ỏng eo chừ lại lao vào dành nhau mua. Rõ khổ.
Lòng tham của con người sẽ được bộc phát trong cơn hoạn nạn.

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Bác về rồi

Bạn tôi, người con của Lệ Thuỷ, nhà bạn gần nhà Bác Giáp, sáng sớm tinh mơ đã gọi điện nức nở "Bác về quê rồi mi ơi...". Quê tôi, già trẻ lớn bé đều gọi đại tướng là Bác Giáp.
Gần một thế kỷ Bác đi biền biệt, rời quê để lại cảnh đơn sơ của mảnh đất hương hoả do cha ông xưa để lại. Người đi, dòng Kiến Giang cứ lặng buồn quanh quẩn làng quê. Quê nhà, chỉ mong được Bác về. Bác đã về, về với bà con, với dân quê mộc mạc. Bác về, như hơi ấm bếp than hồng trong kỳ giá rét.
Đằng đẳng cả đời của Bác đã ra đi để giành vinh quang cho Tổ quốc, giữ lấy tự hào cho Đất nước. Nay Bác về, Bác về với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi Bác đã lớn lên trong nỗi cay cực của đồng bào bị xâm lăng. Bác về rồi, quê tôi ấm áp lạ kỳ. Dù Bác về với vong linh của người thiên cổ nhưng bà con ở quê vẫn mong ngóng Bác về. Bác về, dân quê không ai gọi Bác là đại tướng, chỉ thân tình với Bác và chúng con. Người quê đã bao năm chờ đón Bác, mong ngóng đến nghẹn ngào. Bác về, về với quê nhà, bà con vỡ oà nức nở. Bao năm biền biệt xa quê, Bác về lại với rặng phi lao, tiếng rì rào vỗ về bờ cõi.
Ngày xưa, mệ nội tôi vẫn gọi ông là Bác Giáp, mệ tôi mất lúc103 tuổi, dù đã già nhưng mệ vẫn mong một ngày được gặp Bác. Mệ đi, thăm thẳm trong tôi là lời kể của mệ về một người chỉ huy vì chiến sỹ, vì đồng bào. Ông nội tôi theo du kích, trước ngày bị giặc Pháp bắn, ông vẫn tự hào là đội quân của chỉ huy Giáp.





Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Thuật ngữ Government shutdown: Đóng cửa Chính phủ

Thực chất của thuật ngữ này có thể hiểu là một số hoạt động công ích của chính phủ B. Obama sẽ ngừng hoạt động. Chính phủ không có tiền để duy trì công việc đối với các hoạt động như công viên công cộng, cấp thị thực, dịch vụ tàu điện ngầm, buýt, kê khai thuế, chính sách an sinh xã hội, một phần của cảnh sát, quân đội.
Mấu chốt của sự kiện này là việc Thượng viện Mỹ không chịu ký chấp thuận đề xuất của Chính phủ/Hạ viện đối với ngân sách hoạt động năm 2014. Sâu xa, chính là sự uýnh nhau giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà.
Khi B. Obama lên nắm quyền tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, lão đã áp dụng đạo luật chăm sóc sức khoẻ mới. Cụ thể là người dân Mỹ ai cũng phải có bảo hiểm sức khoẻ. Một phần ngân sách được chi cho chính sách chăm sóc sức khoẻ của dân Mỹ. Bên cạnh đó, còn có đạo luật chăm sóc y tế mới. Để có tiền chi, Chính phủ gào với lưỡng viện về việc tăng thuế và đánh thuế thu nhập của người giàu - những người có thu nhập từ 1.000.000 USD/năm.
Khi đụng đến túi tiền của người giàu, việc đầu tiên là họ kêu la thảm lắm. Tiếng thảm của họ thấu đến mấy lão đại cử tri của Thượng viện, mà cái thượng viện này do đảng Dân chủ nằm quyền biểu quyết. Mấy lão Thượng viện không chịu chi ngân sách, chính phủ của B. Obama không có tiền tiêu nên tạm ngừng hoạt động.
Âu cũng là hậu quả của tiền bạc. Chỉ tổ khổ người dân, đặc biệt là dân nghèo, ngơ ngác hết cả lên. Giá dầu rớt thảm, tỷ giá USD down loạn xạ, giá vàng nhảy tưng tưng rồi cắm đầu lao dốc. Mấy con tiền, vàng, dầu, kim loại quý,... tan tác xác vơ như quả bơ thối.
Dân buôn xèng ở Việt Nam mình giữa trưa bổng thốt lên "Thôi, bỏ mẹ, chết cha tôi rồi".



Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Chuyện nước Mỹ: Taper - thuật ngữ kinh tế mới

Một thời, truyền thông Việt đã phải đi giải thích thuật ngữ "Điểm phần trăm" khi FED công bố các mức lãi suất cho đồng bạc xanh của họ. Chuyện nước Mỹ, chính phủ của tổng thống không phải là người chủ thực sự của đồng USD là chuyện đương nhiên như cô tiên giữa ban ngày. FED mới là ông chủ của việc in tiền và phát hành, chính phủ là con nợ lớn nhất của FED. Chuyện FED "nghĩ - ra - cách - làm - ra - tiền" cũng là chuyện hay với bao thuật ngữ kinh tế mới.
Cái chuyện FED lâu lâu đẻ ra một khái niệm mới và trở thành học thuyết cũng kỳ lạ, tỷ như chuyện của các QE - Nới lỏng định lượng.
Trước đây, câu chuyện về Vách đã tài khoá đã rùm beng lên. Rồi nay đến chuyện "Đóng cửa chính phủ". Oái oăm thay, cả một chính phủ lại phục thuộc vào ngân sách do quốc hội phê duyệt mới hoạt động được. Đóng cửa ở đây không phải là đóng theo nghĩa đen của từ này. Đóng cửa và chỉ một số dịch vụ công do chính phủ quản lý là không được cung cấp. Người dân tha hồ kêu than và kiểu chi cũng có biểu tình ... trong khuôn khổ.
Mấy ngày nay, google được một trận đổ dồn khi lệnh tìm kiếm khái niệm từ Taper được phát ngôn bởi lão Ben Bernaker râu bạc và lắm trịch thượng. Thi thoảng trong các bài phát biểu lão lại dùng từ taper, taper, làm cho mấy đứa phóng viên cứ mắt tròn mắt dẹt. Có người ở Việt Nam nó lại vanh vánh cái từ này nhưng thiệt sự là nỏ - có - hiểu - chi - mô - răng - rứa - chi cả.
Vậy taper là cái chi chi?
1. Từ điển wikipedia tiếng anh có một phần nghĩa của từ này là "Vay tiền" và một nghĩa tương đương với "thời kỳ quá độ" (a period of rest before competition) mà các cụ ở ta hay nói.
2. Với FED, Taper có nghĩa khác, nghĩa mà Ben Bernaker muốn diễn tả là:
Các gói QE  đã được tung ra làm cho mức lãi của USD chạm về 0% nhưng nền kinh tế vẫn chưa sáng sủa lắm, thất nghiệp còn cao. Khi đó, FED chơi bài QE bằng cách mua lại trái phiếu, chứng khoán thế chấp dài hạn với số lượng tiền là 85 tỷ USD/tháng.
Rồi một ngày đẹp trời, lão Ben bảo, bơm xèng ra ít tí đi, thế là bộ sậu của lão bảo, chừ đang là 85 tỷ đô thì rút xuống còn 75 tỷ USD, bằng mấy điểm phần trăm nhằm kích thích tăng trưởng ổn định. Thế là lão nói "Good, taper!".
Taper- có nghĩa là số lượng tiền được bơm ra ít đi so với gói QE đang hiện hữu. Taper - chỉ là một hành động trong một giai đoạn ngắn hạn. Ví dụ: Lượng tiền qua OMO đang là 100.000 tỷ đồng, tuần này, thống đốc chỉ đạo chỉ bơm 70.000 tỷ. Phần lệch 30.000 tỷ là taper gap.

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Thuật ngữ mới mà quen: Ý định thư - Letter of Intent - LOI

Ý định thư - Letter of Intent (LOI) thông thường được dùng trên thị trường Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức. Đặc biệt là thị trường Bắc Mỹ thường hay sử dụng loại văn bản này.
Ở Việt Nam thì khác, khái niệm ý định thư hầu như không có trên giao dịch của thị trường. Phần lớn là thư chào hàng rồi đến là biên bản thoả thuận hoặc hợp đồng hợp tác.
LOI - đó là một văn bản trong đó người ký tên trên LOI đề xuất một giao dịch với người nhận LOI này. Người ký và nhận LOI có thể là bên bán hoặc bên mua. Trong mỗi tình huống LOI lại có ý nghĩa khác nhau hoàn toàn. Thông thường thị trường Hoa Kỳ dùng LOI khi thực hiện mua bán doanh nghiệp, tài sản của tổ chức.
LOI có nội dung là một tóm tắt cơ bản các điều khoản của hợp đồng ký kết sau này. LOI nêu rõ nội dung ý định, giá, các điều khoản ràng buộc mà người ký LOI muốn áp đặt với người nhận LOI. Bên cạnh đó, LOI cũng có thể là bản phác hoạ, nêu được lợi ích trong tương lại mà người ký LOI vẽ nên để người nhận LOI biết và chấp thuận nó. Những lợi ích này có thể là những kỳ vọng của hai bên hoặc bên ký LOI đang mong muốn tham gia vào một vấn đề kinh doanh nào đó của người nhận LOI.
Về cơ bản, LOI không phải là một văn bản có tính pháp lý mà đó chỉ là văn bản giới thiệu ý định của người ký gửi đến người nhận và mong muốn được người nhận chấp thuận. LOI chỉ có tính pháp lý khi một hợp đồng được ký và có dẫn chiếu những nội dung đã thoả thuận trên LOI.
Tuy không là một văn bản có hiệu lực pháp lý nhưng những rủi ro thương mại vẫn có thể xảy ra. Nó tương tự như những Biên bản thoả thuận hay là các hợp đồng hợp tác ở Việt Nam. Cứ nghĩ là vô thưởng vô phạt nhưng khi tiến hành hợp đồng, các văn bản này là cái cớ để hai bên/ các bên chơi nhau.
Ở Hoa Kỹ, LOI hay dùng để mua bán, thâu tóm cổ phiếu của doanh nghiệp. Tỷ như thương vụ Dell, Microsoft - Nokia, Google - Motorola. Hoặc đang có vụ ở Canada giữa RIM Blackberry và Fairfax Holdings



Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Tội đồ OTT - Over The Top

http://vneconomy.vn/20130826060255300P0C16/cuoc-3g-co-the-tang-vi-toi-do-ott.htm
http://baodautu.vn/news/vn/doanh-nghiep/dich-vu-ott-dap-v%E1%BB%A1-noi-com-nha-mang.html
http://mic.gov.vn/tintucsukien/tintonghop/Trang/D%E1%BB%8Bchv%E1%BB%A5OTTdoanhnghi%E1%BB%87pb%E1%BA%AFttayhayc%E1%BA%A1nhtranh.aspx

Các nhà mạng của Việt Nam mình đã qua thời canh tranh nhau bằng giá cước, số lượng thuê bao, băng thông khủng mà bỏ quên mất các dịch vụ tiện ích cho người tiêu dùng.
Hầu hết điện thoại di động hiện nay đều là smartphone, các chứng năng kết nối mạng internet là điều hiển nhiên có và các dịch vụ đi kèm thường được các nhà sản xuất "tặng" luôn cho khách hàng mua điện thoại. Một khi, các nhà mạng bị cướp mất miếng cơm ngon thị họ lại gào lên nhưng đang chết đến nơi rồi mà quên đi mình cần phải sáng tạo, cung cấp phần mền cho điện thoại để người tiêu dùng có thể sử dụng dịch vụ của nhà mạng cung cấp.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

"Mẹ là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời"

Mẹ mất đúng ngày trăng tròn vào ngày chớm đầu thu, nắng vẫn hanh hao và gió vẫn ấm nồng. Đã hai năm nay, cứ mỗi độ trăng tròn, tôi cứ giá như..., nếu mà....
Tôi ở xa mẹ hồi mời 16 tuổi, một mình sách vở theo học bởi mẹ muốn tôi học để đi ra ngoài. Hồi ở một mình, cứ có việc gì liên quan đến bếp núc là gọi điện hỏi mẹ. Có những món ăn, hỏi cách nấu nhiều lần quá mẹ lại chép cách nấu vào tờ giấy học trò, chờ cuối tuần tôi về rồi mang đi. Mẹ dạy tôi cách trồng bầu, bí, đậu, rau xanh. Mùa nào rau ấy, vườn nhà mẹ lúc nào cũng xanh mướt. Mẹ mất, tôi tự mày mò cũng có thể nấu được món cá kho, vẫn ngon, thơm và đậm đà vị quê nhà nhưng cảm thấy thiếu thiếu vị gì đó, rất khó gọi tên.
Hôm qua, gặp ông bạn hồi đại học, hắn dân Nghệ, ngồi một lúc, hắn bảo "Ăn uống cứ nhạt toẹt, cái vị mẹ tao nấu nó ấm nồng hơn, vợ nấu cũng được nhưng nó cứ .. thiếu thiếu vị của cuộc đời". Nói rồi, ngẫm lại, hắn nói đúng. Có đứa con trai nào mà không nhớ về món ăn mẹ nấu đâu, dù trang trí không bắt mắt hay nấu nướng cầu kỳ nhưng hương vị mẹ nấu thấm đượm tình yêu thương, che chở. Đàn ông, có lẽ, càng già đi, lại càng nhớ mẹ, nhớ những hoài niệm xưa cũ.  Nhớ mẹ, là nhớ những ký ức tuổi thơ, nhớ dáng lưng đẫm mồ hôi của mẹ, nhớ lọn tóc điểm sương được búi cao loà xoà dính bết lên trán bởi giọt mồ hôi chát mặn. Già đi, người đàn ông càng rất khó quan tâm đến kỷ niệm trước mắt mà chỉ chiêm nghiệm với những ký ức và hoài niệm xa ngái.
Hai năm rồi, mới đó mà mẹ đã về với đất, trở thành người thiên cổ, để lại cho tôi những hoài niệm yêu thương. Buồn vui với cuộc đời rồi sẽ vơi đi, có chăng, mùi mồ hôi ướt đẫm trên lưng áo của mẹ trong ngày đông giá vẫn phảng phất bên tôi.
Tôi càng già đi, càng cảm thấy mẹ là bến đời neo đậu, là nơi trở về cho những chuỗi ngày lang bạt xứ người. Về bên mẹ để thấy mình lớn lên, để học chắt chiu yêu thương và che chở.


Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Facebook có gì hay mà nôn nao đến thế?


Có nhiều người hỏi tôi một câu hỏi đơn giản: Ông có facebook không? Câu trả lời của tôi là: Tôi quá tuổi để mò lên đó. Họ hỏi lại: Ông làm một cái đi. Tôi trả lời: Tự dưng mắc vô một cái để rồi mình vướng với nó.
Tôi thích công nghệ, đặc biệt là các phần mềm và hệ điều hành liên quan đến mạng. Mạng đối với tôi như là một công cụ cho cuộc sống. Tôi thích Microsoft bởi đó là công cụ để làm việc, tôi yêu Blackberry bởi đó là một hệ điều hành tương thích với tôi. Tôi không mến Android bởi nó là cái chợ. Tôi đã từng xài iOS trên cái iPhone đời đầu và nhận ra rằng, nó chỉ là cái tôi của sở thích. Tôi thoả mãn với Google bởi nó có thể cho tôi công cụ để kết nối với những niềm yêu thích của tôi.
Tôi vẫn tự hỏi, Facebook (FB) là gì mà con người ta vướng vào nó. Tự nghĩ, đó cũng chỉ là một mạng xã hội, đã là xã hội thì nó có cái quy luật của xã hội. Xã hội, là tập hợp của con người đủ các sắc tộc, tôn giáo, văn hoá, lối sống, tính cách, trào lưu và … tâm lý đám đông.
Tôi biết FB, tôi thấy nó có lợi cho một vài mục đích đơn giản trong cuộc sống, nó trở nên là một công cụ giao tiếp và tiếp xúc với xã hội ảo dựa trên một tâm lý đơn giản của con người: Thích trò chuyện và biết chuyện khác ngoài con người của mình.
Tôi đã từng chứng kiến bạn bè và đồng nghiệp của tôi xài FB, họ đang làm những gì:
1.      Status:
Một dòng status ngắn ngủi cũng đủ để chia sẻ cùng mọi người về tâm lý, trạng thái, cảm xúc của mình. Yêu, ghé, giận, thương cũng chỉ trên một dùng ngắn này. Thói tò mò và hóng chuyện được khai thác tối đa qua status này.
Con người ta, khi ít giao tiếp trực tiếp thì lại thích cái gì đó rất ảo, rất cảm xúc tức thì. Tỷ như, một status đơn giản “Ước gì được xoã cùng người ấy….”. Đó là cảm xúc đủ để gây tò mò cho người khác bởi nội hàm và ngoại diên của câu nói được bộ lộ rõ rệt tâm lý của người đăng tin. Người đọc, chắc chắn sẻ tò mò bởi tâm lý bà 8, dưa lê đã ăn sâu vào tiềm thức. Âu – Á – Mỹ - Phi hay một châu lục nào đó thì cũng rơi vào trạng thái tò mò.
Một status thường xuất hiện là trạng thái thở than: Một người vợ giận chồng và viết lên FB rằng “Đồ chồng mắc dịch” hay một đôi yêu nhau giận hờn lại viết rằng “Thôi mình chia tay…” hoặc một nhân viên viết về người quản lý của mình “Sao nó giao mình nhiều việc thế?”. Những trạng thái thở than có thể giết chết cảm xúc và tinh thần của bạn ngay khi bạn vừa enter.
2.      Nút Like vô bổ:
Trên FB, bạn nhấn nút Like, nó tương tự như câu nói cảm ơn sáo rỗng ngoài đời khi bạn không cảm xúc. Bạn Like bởi vì bạn thích một câu nói hay một trạng thái nào đó, dù bạn không cảm nhận được khổ chủ có cần Like hay không.
Bạn Like, bởi bạn tin rằng, một ngày nào đó, mình viết điều gì đó mà không có ai Like thì bạn cảm thấy cô đơn, lạc lỏng trong thế giới ảo của FB. Còn ai chú ý, quan tâm đến bạn? Đây là câu hỏi thường trực trong ý nghĩ bạn. Tương tự như, bạn nói một câu với người thân của mình “Ôi, buồn quá, chán lắm cơ…” nhưng người thân không thèm đáp lại cảm xúc của bạn. Buồn hơn con chuồn đậu rồi bay, nhỉ?
3.      Đăng ảnh:
Con người, thói đời lại thích khoe, thích mọi người biết đến mình có gì. Bạn tôi ư? Ảnh món ăn, một phong cảnh, một bộ cánh mới, một nụ cười của bọn trẻ, hoặc một bức ảnh về một sự kiện hay hoàn cảnh nào đó. Họ lên cho lên FB, để làm gì? Trạng thái muốn người khác quan tâm đến việc của mình cũng chẳng khác nào tâm lý hóng chuyện bởi tò mò và đơn giản, khoe một tí.
Tôi thích một vài người bạn và đồng nghiệp, họ đăng ảnh bởi cảm xúc và tài năng của họ. Họ có thể biến bức ảnh của mình bằng tiền, bằng uy tín, bằng sự yêu mến của người khác. Tôi cũng đã từng đăng ảnh trên G+ của tôi với mục đích, tôi muốn lưu lại thông tin tôi biết được. Không cần ai vào, viết bình luận hay +1. Tôi xin miễn bàn bởi cảm xúc của tôi là của chính tôi. Tôi có cần chia sẻ không, có đấy, nhưng với người tôi yêu mến mà thôi.
Bạn đăng một bức ảnh khi bạn không có cảm xúc hay muốn đăng một món ăn bạn đang chuẩn bị chén nó? Đồng nghĩa với khoe hàng, nhỉ?
4.      Check in:
Cái việc này, tỷ như gửi status, người dùng FB luôn cập nhật nơi mà họ đến. Để làm gì, nó như là cảm giác của sự thành công hay tìm kiếm sự khen ngợi của người khác. Bạn leo lên đến đỉnh Everest ư, bạn check in để ai cũng biết rằng, bạn tuyệt vời đến nhường nào.
Check in, một vài người mong như là kỷ niệm đối với một nơi họ đến. Việc check in chỉ là việc bạn thể hiện cái tôi cho cái nơi bạn đặt chân đến. Việc này, đôi lúc là cơ hội cho kẻ xấu biết đến bạn. Ví dụ, bạn ở Sài Gòn, bạn đến Hà Nội làm việc, kẻ xấu tin chắc rằng, lúc chúng đến khoắng nhà bạn, sẽ không có bạn ở nhà.
Bạn đạt được gì khi bạn check in để người khác biết mình đang ở đâu? Bạn đang ở một nơi nào đó, bạn đang trải nghiệm và cảm nhận, bạn muốn chia sẻ. Tốt thôi, giống như status hay like hoặc comment, bạn đang trải nghiệm cảm xúc và bạn muốn người khác tò mò về bạn.
5.      Kết bạn:
Ngoài đời thực, bạn chỉ có vài người bạn mà bạn muốn sẻ chia cảm xúc bởi họ yêu mến và tin tưởng vào bạn. Trên mạng xã hội, bạn có thể kết bạn với một ai đó mà bạn muốn, miễn là họ chấp nhận bạn bằng một cú click. Ngoài đời, để kết bạn với một ai đó, quả thực rất khó khăn và đòi hỏi phải trải nghiệm qua thời gian.
Những người bạn xưa cũ của bạn có thể tìm bạn qua FB, miễn là họ có sự kiên nhẫn tìm kiếm. Bạn với nhau rồi, bạn luôn cảm thấy họ ở bên cạnh, họ có thể cảm nhận được cảm xúc của bạn và bạn cũng thế, bạn like họ, bạn comment với cảm xúc của họ.
Trên FB, bạn có thể nói lại những kỷ niệm ngày xưa. Những cảm xúc ngày xưa mà bạn kể lại trong hiện tại có sức hút ghê gớm đối với người bạn ngày xưa của bạn. Mạng ảo, có tạo nên cho bạn kỷ niệm không?
FB, bạn có thể đăng bức ảnh bạn đang cà phê một mình, bạn đang cần có người tâm giao, nhưng FB, không thể cho bạn một ánh mắt, một nụ cười, hay một cái bắt tay ấm áp. Tôi thích cà phê, tôi thích tụ tập bởi tôi thích nghe những lời đầy chân thật của bạn bè, của đồng nghiệp. Tôi thích được gặp người bạn thân, chỉ để uống tách cà phê nóng ấm trong một chiều đông lạnh buốt để rồi bắt tay tạm biệt với bàn tay ấm nồng. FB làm được chăng?
Bạn thích mối quan hệ ảo trên FB thì thế giới thật và cuộc sống thường ngày của bạn càng ít đi. Bạn có thể khoe một chiếc bánh nướng bạn vừa làm xong nhưng bạn ảo không cảm nhận được giọt mồ hôi trên trán bạn khi bạn nướng bánh. Bạn không cảm nhận được sự chân thật trong lời khen khi họ nhâm nhi miếng bánh bạn mời.
FB có thể kết nối bạn với những người ở xa, nhưng những người quanh bạn, họ có thật sự gần bạn hay họ cũng đang loay hoay tìm kiếm người bạn ở một chân trời xa lắc lơ và xưa cũ. Đừng để người xưa buồn khi có ai đó nhắc lại câu nói “nghĩa tử là nghĩa tận”. Phải chăng, cứ lên FB, rồi khi ai đó ra đi, bạn bè họ viết một status lên FB rằng “XYZ đã đi xa…”. Có ai cảm nhận được giọng nức nở hay giọt nước mắt mặn chát của người báo cho bạn biết.

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Tóc xanh ngày đó nay còn đâu

Tôi vẫn nhớ như ám ảnh hương vị hoa bưởi và bồ kết trong đám tóc đen của mẹ ngày nào. Thủa nhỏ, mẹ hay gội đầu bằng bồ kết, lá sả và hoa bưởi. Mỗi lần mẹ gội đầu, nhìn mẹ xoả tóc trong nắng mại là cả một hình ảnh nhẹ nhàng và ám ảnh suốt cuộc đời tôi. Có mẹ, là có cả ngạt ngào hương bưởi, có cả suối tóc mềm óng ả. Sau này, mẹ già, tóc điểm sương bạc trắng, thi thoảng, mẹ vẫn gội đầu bằng bồ kết. Nhà có cây bưởi vẫn ra hoa trắng muốt, mẹ cặm cụi phơi khô và đem cất để gội đầu. Mẹ bảo, gội đầu hoa bưởi cảm thấy đầu nhẹ nhàng, êm dịu hơn thứ dầu gội bán ngoài hàng.
Lớn lên, tôi lấy vợ. Ngày còn yêu thì còn được ngắm mái tóc dài, lấy về rồi thì chỉ còn được ngắm mái đầu cụt lủn tóc ngắn củn. Tôi khá bình đẳng và không bình luận, nhưng, ám ảnh trong tôi có cái gì đó mất đi không thể tìm lại được. Rồi một ngày, mái tóc vợ trở nên tóc nâu. Trước nghe cô ca sỹ Mỹ Tâm hát bài Hoạ mi tóc nâu vẫn không thể tưởng tượng được là cô gái có mái tóc nâu thế nào. Vậy nhưng, từ ngày vợ chuyển thành tóc nâu, ấy là ngày tôi chợt hiểu, những ánh tóc đen huyền ngày xưa đã không còn cơ hội về lại.
Ra đường, hầu như và phần lớn phụ nữ đều nhuộm tóc. Có người bảo, nhuốn vàng nắng, nâu đỏ, ... để trông trẻ trung, quyến rũ, xinh xắn. Hoặc tỉ như, thay đổi mái tóc để thay đổi cuộc đời. Tìm đâu ra mái tóc nhung huyền như trong những câu ca mẹ ru hay những chuyện cổ tích xưa cũ. Hình như, mái tóc của phụ nữ hiện đại nó gắn liền với mùi hoá chất làm tóc, với túi tiền mà họ có?
Mới đó, giờ đã sắp thành lão 40 tuổi. Vẫn mơ màng nhớ về những điều xưa cũ, vẫn miên man với những giấc mơ về mẹ để rồi thức giấc với những giọt nước mắt nhớ mẹ. Mẹ đi rồi, về với miền nắng gió hun hút cát trắng, mẹ để lại cho tôi những hoài niệm tuổi thơ, vẫn mái tóc xanh ngày nào của mẹ khi mẹ hong tóc khô bên thềm nhà trong nắng hiếm ban mai một ngày cuối đông.
Mái tóc đen dài, tựa như cổ tích, đã dần biến mất trong một xã hội hiện đại. Tôi thử lục lọi trí nhớ và những mối quen biết của mình để xem có cô, có bà, có mẹ nào tóc còn giữ lại nét đen dài và óng mượt như những ngày xưa của mẹ. Hết rồi, khó tìm quá.
Mái tóc, suy cho cùng, chẳng làm nên một tâm hồn và cốt cách của con người nhưng cái thằng tôi vẫn cứ đi tìm những gì ngày xưa còn sót lại, phải là đen huyền, dài, óng ả như suối chảy qua vai. Còn đâu. Chợt miên man, ngẩn người khi thấy đã mất đi điều gì đó đã ăn sâu trong tâm trí. Với tôi, mẹ cho tôi cả cuộc đời.
Tóc xanh mẹ đã xa rồi
Vương trôi giọt nắng, níu mành sương rơi





Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Marketing kiểu Arsenal: Hình ảnh đại diện cho một quốc gia

Sau sự kiện của Nick đến Việt Nam để trò chuyện về sự nỗ lực và niềm tin vào cuộc sống đã mang đến cho giới trẻ sự tò mò về một con người rất đặc biệt. Cả tháng nay, việc Arsenal đến Việt Nam đã khuấy động sự háo hức và tưng bừng đối với người Việt Nam. Arsenal đến, mang theo cái tươi mới cho một nền bóng đá đang vất vưởng tìm lối đi. Arsenal đến, mang đến sự hồ hởi cho giới trẻ. Họ chưa đến, cái ung nhọt về quản lý tài sản công và lợi ích của cộng đồng giữa đơn vị tổ chức và Ban Quản lý sân Mỹ Đình mới bung bét hết cả, đến nỗi, Phó Thủ tưởng chính phủ phải yêu cầu giải quyết để đảm bảo hình ảnh về Việt Nam trong con mắt truyền thông người nước ngoài.
1. Arsenal đến Việt Nam, với họ, cũng chỉ là cuộc chơi có tình toán đến kinh tế. Không trách ông HLV A. Wenger đã mang đến đội hình không toàn sao vì ông đã từng là một Giáo sư kinh tế. Cuộc chơi của ông cần gắn chặt với lợi ích kinh tế cho CLB và cổ đông của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, họ cần quảng bá hình anh CLB đối với một thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam.
Họ đến, chỉ cần thăm Chùa Một Cột và Chùa Trấn Quốc, 2 di sản văn hoá ngàn năm của dân tộc và họ đã làm được điều họ muốn. Tại sao họ chỉ chọn hai nơi đó mà không phải là Văn Miếu, Hồ Gươm, hay một nơi khác...? Phải chăng, họ đã chọn nơi mà hình ảnh của một kiến trúc và văn hoá đã trở thành một hình ảnh đặc trưng của đất nước. Họ đến, họ muốn hình ảnh của họ đến với thế giới thông qua sự kiện họ đặt chân đến Việt Nam, họ chứng mình rằng họ đã đến, đến với một đất nước có nền văn hoá và văn minh hàng ngàn năm. Với người Việt Nam, họ đến những nơi không thể ồn ào được, đó là nơi tĩnh lặng, dưỡng tâm trí cho một cuộc đấu ồn ào sắp diễn ra.
2. Arsenal đến Việt Nam, chắc cũng chỉ có vậy: Tiền và danh tiếng cho CLB. Nhưng, một sự kiện phát sinh và đã thể hiện được chất lượng quan hệ cộng động của HLV Wenger cũng như bộ sậu làm PR, đó là hình ảnh của Running Man. Truyền thông nước ngoài và trong nước sẽ nhanh chóng chộp lấy hình ảnh rất khác biệt này để xây dựng hình ảnh thân thiện, cởi mở, chia sẻ của Arsenal. Ông HLV đã rất tuyệt vời khi mời Running man lên xe bus, chụp hình, tặng lưu niệm và còn mời đến Anh xem Arsenal thi đấu. Hình ảnh một thanh niên bình thường như bao người khác với sự yêu mến Arsenal đã được tưởng thưởng xứng đáng cho sự yêu mến một cách chân thành như của anh. Arsenal biết điều đó và họ sử dụng hình ảnh của anh như là đại diện cho tư tưởng của CLB. Biết chăng, ngày nào đó, running man lại là đại diện thương mại của Arsenal tại Việt Nam.
Một CLB biết bắn thần công khi cần thiết.
3. Nhìn lại hình ảnh của các cầu thủ Arsenal qua các phương tiện truyền thông trong nước, hình ảnh nước Việt còn đọng lại là chiếc nón lá. Chiếc nón là từ bắc đến nam ở đâu cũng có, miền trung lại càng nhiều. Chiếc nón đã gắn liền với hình ảnh nôn thôn Việt Nam, đặc biệt với người phụ nữ Việt Nam.
Hình ảnh những chàng trai đầy thể lực của Arsenal đội chiếc nón lá với niềm vui khác lạ đã mang lại cho Việt Nam cơ hội quảng bá hình ảnh của đất nước.
Thẩn nghĩ, tìm đâu xa những nét khác biệt của dân tộc, những vật dụng hay văn hoá ngàn xưa của dân tộc cũng có thể là hình ảnh cho một đất nước.
4. Vừa rồi, Hà Nội ra luật, hình ảnh của thủ đô là Khuê văn các của Văn Miếu. Sao lại lấy một vật thể kiến trúc nhỏ trong một tổng thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc tử giám để làm hình ảnh đại diện cho một thủ đô nhỉ? Một hình ảnh khó có thể dùng để làm truyền thông đối với ngành du lịch và kinh doanh thương mại. Khách du lịch trong và ngoài nước họ đến, họ muốn nghe kể về tư tưởng của một dân tộc chứ chưa chắc họ muốn lắng nghe về thành tích khoa bảng của các cụ tiến sỹ xưa.

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Nỗi lo xưa cũ

1. Chị gái thứ hai ở quê gọi điện "...Con là con của chị nhưng là cháu của cậu, cậu xem có nơi mô kiếm cho nó cái việc làm, chừ kiếm việc ở quê khó lắm cậu ơi...". Đứa cháu lớn nhất trong các đứa cháu của tôi đã tốt nghiệp tốt nghiệp đại học. Nó đang đối mặt với thất nghiệp.


Chị cả, gọi điện giọng lo lắng "... Cậu coi tư vấn cho cháu nó thi trường mô thì hợp thời, anh chị nỏ biết trường mô cả, với lại, đại nào cũng là đại học cả, miễn chi là chính quy. Sau ni còn kiếm cái việc câu cơm chứ ở quê, không học là không ổn cậu ơi...". Mấy hôm rồi, mẹ con đi thi vở Vinh, cháu nó làm bài tạm ổn, ước được 6,5 điểm/môn. Cháu đi thi, cả họ nội ngoại đều nơm nớp, lo lắng. Cha mẹ thì ... còn hết hồn.

Chị dâu gọi, bảo "Chị mong cho mấy đứa lớn tê thi đậu hết để thằng cu Bin noi gương, cứ theo chú là .. ổn hết, chú hè".... Một nỗi lo tiềm ẩn.

Đêm qua, gọi cho bố, bố nói mấy hôm nay không ngủ được, cứ lo lo đứa cháu thi cử. Chẳng hiểu sao cứ bồn chồn cả ngày.

Đứa cháu thi ở Vinh, thi xong môn đầu tiên, ra khỏi phòng thi nó gọi ngay cho tôi để thông báo "khoảng được hơn 6 điểm cậu à, trừ hao đi là chắc 6 điểm, giọng nó buồn buồn". Tôi cười, động viên nó và "dụ dỗ" nó thực hiện theo chiến thuật làm bài đã trao đổi với nó. Toán 6 điểm, Lý 6 điểm, Anh 8 điểm: Kiểu chi cũng đỗ đại học. Cháu cười, nụ cười lo lắng, tự dưng tôi thấy mình đang gây áp lực lên nó. Cháu bảo “Ước chi khỏi phải thi, cứ như bên Tây họ mần lại hay”. Quái lạ, đứa teen teen lại biết chuyện thi cử bên tây?!

Sáng nay đi làm, trên đường Trương Định, thấy mấy cô cậu sinh viên tình nguyện cứ chạy xe từ đầu phố đến cuối phố rồi vòng trở lại, tôi hỏi một cậu, cậu trả lời "tụi cháu đứng đây từ 5h sáng chú ạ, đi tuần để xem có trường hợp nào đi thi đại học cần hỗ trợ không thì giúp người ta ngay". Cậu cười, nụ cười tươi mới, tự tin và hãnh diện.

Mấy hôm trước, xem tivi, thấy Bộ đội tăng thiết giáp còn lấy cả thiết giáp lội nước ra để phục vụ thí sinh đi thi đại học ở Thái Nguyên. Đọc báo, thấy Cảnh sát giao thông Hà Nội còn tình nguyện làm xe ôm chở thí sinh đến điểm thi trong khi đang làm nhiệm vụ, ngay cả phòng ở của chiến sỹ cũng thu xếp cho thí sinh ở nhờ không mất phí. Ở Sài Gòn, năm nào cũng vậy, mấy quán cơm thiện nguyện lại nô nức mở hàng để đón thí sinh ăn cơm, nếu có lấy tiền thì cũng chỉ 2-5 ngàn một suất. Còn bữa ăn đô thị nào rẻ hơn chăng? Còn nhiều hành động thiện nguyện trên cả nước để phục vụ cho thời vụ thi cử hàng năm.

Hàng năm, cứ đến tháng 7, nắng cồn cào, gần hai triệu thí sinh đổ về các đô thị tại các khu vực để dự thi. Một kỳ thì đã tồn tại mấy chục năm nay, ít thay đổi về hình thức. Hình như, càng ngày càng áp lực lên thí sinh học trò và cả người thân. Mà phải, thi cử đại học chứ chơi đâu nên một bộ máy khổng lồ phải được vận hành theo thi cử. Cha mẹ, có khoảng gần hai triệu người cha - mẹ đang lo lắng với tương lai của con mình. Nỗi lo thấp thỏm theo nét mặt của con khi ra khỏi phòng thi. Tôi bổng dưng thẩn người nhẩm tính, cứ một người đi thi tiêu tốn hết 500.000 đồng thì 2 triệu thí sinh đi thi sẽ chuyển vào chi tiêu đúng 1.000 tỷ đồng. Ôi chao, có khoản tiêu dùng nào trải rộng cả nước lớn như vậy không? Các nhà lập chính sách kích cầu âm thầm cảm ơn thi đại học.

Thẩn nghĩ, sao đời người cứ cơ cực với các cuộc thi thế nhỉ? Tại sao không thay đổi cách tuyển sinh theo một cách khác?

2. Cái việc thi cử âu cũng là bắt nguồn từ lịch sử của dân tộc Việt Nam. Hơn 2000 năm trước, các cụ gọi là Khoa bảng. Cái thời mà Nho học được đẩy lên làm chân trí tuệ, nhân cách cho con người. Gần một nghìn năm thi cử Nho bảng, triều đình của các triều đại thường tổ chức để chọn người làm quan. Ai đỗ đạt thì cho vào Khoa cử, được làm quan to, hầu hạ vương triều, kiến tạo đất nước. Ngày xưa, thi hương, thi hội, thi đình là những kỳ thi danh giá. Ai đỗ đạt thì rạng danh gia tộc, làng xã.

Lịch sử ghi chép rằng, thời nhà Lý, triều Lý Nhân Thông (ất mão, 1075) đã tổ chức thi Tam trường đầu tiên để chọn người tài. Thủ khoa Lê Văn Thịnh là người đỗ cao nhất, sau này được bổ vào chức Thái sư ở triều đình. Tuy nhiên, vị Thái sư này có một cuộc đời cay nhục mà đến nay, sử sách cũng chưa rõ tường vụ án Lê Văn Thịnh phản nghịch triều đình?!

Về sau, các triều vua Lý cho lập Quốc Tử Giám là nơi đào tạo người làm quan, thờ Khổng Tử và Chu Văn An. Văn Miếu Quốc Tử Giám ghi danh sử sách các vị tiến sỹ qua các thời kỳ trên bia đá.

Học cách làm của người xưa, một thời có mấy vị tiến sỹ hò nhau lập nơi ghi danh các tiến sỹ thời hiện đại. Nỡm ạ, cứ học theo các cụ ngày xưa, khó vạn lần. Các cụ xưa uyên thâm lắm, đừng nhìn thấy cái hiển hiện trước mắt mà bắt chước. Nhầm đấy.

Đến triều vua Khải Đinh (1919) chấm dứt thi khoa bảng. Triều phong kiến dần lụi tàn.

Xưa kia, cụ Ngô Tất Tố đã viết trong tác phẩm Lều Chõng "Ngày nay nghe đến hai từ "lều chõng", có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ vì những từ ấy từ biệt chúng ta mà đi tới chỗ mất tích đã gần ba chục năm nay. Nhưng mà trước hơn hai chục năm đi ngược trở lên, cho đến hơn một nghìn năm, "lều", "chõng" đã làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta tán khoe là "bốn nghìn năm văn hiến". Những ông ngồi trong miếu đường làm rường cột cho nhà nước, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám "lều chõng" mà ra. Lều chõng với nước Việt Nam chẳng khác một đôi tạo vật đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hay vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa. Rồi lại chúng nó đã đưa nước Việt Nam đến chỗ diệt vong. Với chúng, nước Việt Nam trong một thời kỳ rất dài kinh qua nhiều cảnh tượng kỳ quái, khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rụng rời hồn vía. (Ngô Tất Tố, Thời vụ số 109 ra ngày 10-3-1939)"

3. Cái thời, tài năng của một con người được tính bằng khoa bảng, đỗ đạt qua các kỳ thi đã từng làm nên nét văn nước Việt. Văn học, văn hoá, đời sống tinh thần người Việt dường như có cái gì đó xưa cũ. Kinh thành, đô thị Việt xưa được phát triển lên từ làng, hoặc kẻ chợ. Người đến, người đi cũng từ làng xã mà ra. Đau đáu trong tâm hồn Việt là hình ảnh làng quê với luỹ tre, dòng sông, tiếng gà gáy và khói bếp lam chiều. Khoa bảng rồi vào làm quan nhưng tư tưởng làng, văn hoá làng vẫn giữ lại. Người xưa, trầm tư trước phát triển của đô thị, chợt thấy mất nhiều thứ, buồn man mác buồn vì cái cũ kỹ nay còn đâu.

Người xưa thi, đỗ đạt, ắt hẵn được cắt cử làm quan, người xưa trọng dụng hiền tài lắm. Người nay, cả triệu người đi thi để thoả ước mong của các đấng sinh thành, mấy nhóc đi thi chắc gì đã ước mơ cháy bỏng với một tương lai tươi sáng.

Thi thời nay, để lựa chọn người tài hay để lọc bỏ người học kém? Thi thời nay, là một mớ kiến thức sách vở tích tụ suốt 12 năm miệt mài, cuộc thì nào hướng đến trí tuệ cảm xúc của con người? Cái nhạy cảm, cái tư duy hay cái tươi mới của con người có được đem vào bài thi ư? Sau một cuộc thi đại học, sẽ có khoảng 1,4 triệu người tham gia lao động trực tiếp, còn lại, 600.000 người tiếp tục miệt mài bài vở tại các trường đại học, cao đẳng. Cái sức trẻ của đất nước được nén vào mấy năm học. Mong chăng, với sức vóc của các bạn, những người trẻ đang dần bước vào cuộc đời sẽ đầy hy vọng, tràn trề, mỗi người một nghề và tiếp bước dấn thân để trải nghiệm.

Thi cử, cứ đến tháng 7 hàng năm, nỗi lo xưa cũ lại ùa về. Những vỡ oà hạnh phúc, những giọt nước mắt tiếc nuối, những “nếu mà …” lại xảy ra. Những bước chân nặng nề của bậc sinh thành cùng thì sinh lên đường về lại miền quê xa ngái trong chiều hạ muộn, giông gió sắp về.

Ngày xưa tôi đi thi, bố bảo đúng 1 câu “Thi đậu thì tiếp tục học làm người, không thì đi làm, con tự kiếm sống được.”. Còn mẹ, ngày tiễn tôi lên đường nhập học, mẹ dặn “Chí thú học con nhé, đừng quậy quá làm mẹ mệt”. Tôi nhớ mãi giọt nước mắt lăn dài trên gò má rạm nắng của mẹ, ánh mắt long lanh, tự hào.

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Ngày xưa mẹ gọi "Tháng bảy về rồi con nhé"

Tôi hay đi, nhiều khi đi cả năm mới về. Về vài ngày lại đi, có những cái tết xa nhà vời vợi trên đại dương. Quê tôi, tháng 7 về, nắng vẫn hầm hập nóng. Tụi học trò lên đường đi thi đại học ở nam ngoài bắc cả trung. Ai cũng vội vàng, hồi hộp, lo lắng. Ngày trước, tôi đi thi đại học, mẹ gọi tôi về, mẹ bảo "Trước khi con đi, ra mộ thắp hương viếng chú". Nhà tôi, có người chú là liệt sỹ. Tôi đi thi, bà nội 95 tuổi vẫn lầm rầm trước một chú khấn mong chú phù hộ độ trì cho cháu đi thi đỗ đạt.
Tháng 7 về, quê tôi nắng rát bàn chân, nhiều người lính nay đã già vẫn đi về viếng mộ đồng đội. Có những người mẹ già đôi mắt ngấn lệ ngồi thì thầm bên phần mộ của con với tràn yêu thương và trắc ẩn. Tôi đã từng chứng kiến người lính già đứng giữa nghĩa trang Trường Sơn gọi tên từng đồng đội rồi nấc lên "Đồng đội tôi đâu hết rồi, bỏ tôi đi hết rồi sao?".
Quê tôi, tháng 7 về, mẹ làm lễ viếng liệt sỹ, bố trầm ngâm lẩm nhẩm những bài ca cách mạng. Thi thoảng, một vài người lính năm xưa ghé thăm, trò chuyện đến khuya. Hồi bà nội còn sống, những ngày này, đồng đội của chú lại về thăm, gọi bà nội là Mẹ. Bà khóc, nước mắt đã cạn rồi, chỉ còn lại khoé mắt đầy vết chân chim. Những người lính năm nào đã vào sinh ra tử về bên Mẹ, tíu tít gọi Mẹ như những ngày ấu thơ.
Tháng 7 về, mùa của tri ân và thức tỉnh tâm hồn.

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Canh chua

Hồi còn mẹ, mẹ biết tôi chỉ thích ăn canh chua mẹ nấu. Mỗi lần về quê là mẹ lại đi chợ sớm để mua cá biển tươi về nấu canh chua. Quê tôi, chẳng có người mẹ nào mà không biết nấu canh chua cả, ngay cả đứa cháu mới học lớp 9 thôi mà nấu canh chua ngon tuyệt. Mẹ, chị gái, chị dâu, mấy anh em trong nhà đều có thể nấu món canh chua cá biển ngon khó nơi nào khác sánh được.
Tôi khó tính trong việc ăn uống. Đó là thực tế. Ngày trước, mẹ hay nói "Quê mình chỉ khi lụt lội mới mua thịt" nên quanh năm chỉ ăn cá biển tươi mới đánh lên từ sáng sớm mai. Tôi đi nhiều, đi xa, vẫn nhớ hương vị món canh chua mẹ nấu. Thoang thoảng vị chua cay và mặn mòi của biển, hơn tất cả, là cả yêu thương của mẹ dành cho gia đình, mẹ đem yêu thương vào cả món ăn hàng ngày.
Tôi đi học xa, ở một mình, mẹ hay bày cho tôi cách nấu các món ăn, mà lạ, tôi chỉ nhớ mỗi cách nấu món canh chua. Về sau, lớn lên đi công tác, hay nhậu nên học được món canh chua cá lóc của người miền Nam, còn canh chua miền Bắc, ừm, cái vị nó không hợp với tôi.
Còn mẹ, là còn cả hương vị quê nhà, còn thương yêu và che chở. Với tôi, món mẹ nấu vẫn là nhất. Đi khắp nơi mọi chốn vẫn nhớ món ăn của mẹ, nhớ từng vị chua, cay, mặn, ngọt.
Tôi trở nên khó tính với các món ăn vì đã ăn nhiều món mẹ nấu. Cách mẹ nấu chẳng có gì là phức tạp hay nghệ thuật nấu nước, chỉ đơn giản thôi, mẹ đem yêu thương vào cả món ăn hàng ngày.

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Những giấc mơ ấm áp

Từ ngày mẹ mất, cũng đã gần 2 năm, tôi hay mơ thấy mẹ, những giấc mơ ngắn và ấm áp. Để rồi, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang khóc. Những giấc mơ cứ lặp lại. Phải chăng, ẩn khuất trong tôi là nỗi nhớ mẹ cồn cào. Từ ngày mẹ mất, mỗi khi nghĩ đến mẹ là tôi cảm thấy ngấn lệ đôi mắt. Tôi cứ nhớ về những ngày xưa cũ, rộn ràng và ấm áp khi bên mẹ.
Đêm qua, tôi mơ thấy bố, bố đứng bên tôi khi tôi đang mếu máo vì nhớ mẹ. Tôi nói với bố "Con sợ lắm, một ngày nào đó bố lại đi theo mẹ, còn lại con một mình không nơi bấu víu khi vui buồn". Bố bảo "Ai già đi mà chẳng về với đất, phận người ai cũng buồn vui. Mai này con già đi thì con của con cũng nhớ con".
Với bố, bố là người cha lặng lẽ bên con, luôn dõi theo con trên những chặng đường gập gềnh nắng gió. Ông vẫn là người mà luôn cho phép tôi nhậu đến say lăn quay và trở về nhà. Tôi sợ, sợ một ngày nào đó, không còn ông trên cõi đời này.
Những ngày thơ bé, mẹ hay bảo "Con giống bố, ương ngạnh và khó chiều", còn bố thì bảo "Mày giống mẹ y chóc, kỹ tính và gọn gàng". Bé thơ, cả một thời trẻ con tôi gần mẹ hơn bố, bố mãi bôn ba với núi rừng để kiếm tiền nuôi con, bố vẫn đi về hàng tháng từ cánh rừng già đại ngàn Trường Sơn.

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Ầu ơ cánh võng: Đâu rồi tiếng ru

Tôi nhớ mãi năm 2002, trong một chuyến vận chuyển hàng siêu trọng đến một vùng quê huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Hôm đó, tôi được giao nhiệm vụ đi tiền trạm về tuyến đường để phục vụ cho chuyến vận tải hạng nặng đi qua khu vực nông thôn. Đó là một đêm mùa hè nóng nực.
Để thiết bị được đi qua, tuyến đường đi bị vướng nhiều dây diện dân dụng nên buộc phải cắt điện toàn lưới điện của cả một huyện trong khoảng thời gian 1 tiếng. Chúng tôi đi trong đêm giữa cái nóng hầm hập lúc 12h đêm, khi đến gần giữa làng, chợt nghe tiếng trẻ nhỏ khóc, chúng tôi đi bộ nhẹ nhàng để tránh tiếng động làm mất giấc ngủ của người dân. Một lúc sau, chợt nghe tiếng ... "ầu ơi, con ngủ đi con, Kiến Giang nước chảy về đông miệt mài...". Chỉ một lúc là tiếng trẻ hết khóc. Ai trong chúng tôi, những thằng thanh niên đã từng lội biển, ngủ rừng, ... chợt lặng người đứng nghe tiếng hát ru của người mẹ. Tên nào cùng chợt nhớ mẹ, nhớ tuổi thơ mình đầy tiếng hát ru.
Bà nội tôi, bà không biết chữ, nhưng thuộc rất nhiều bài hát ru. Thủa nhỏ, tôi được bà hát ru và nằm võng. Mẹ tôi, chẳng thể biết bà học khi nào, mỗi tối trước khi đi ngủ hay là ban trưa nóng nực, mẹ vẫn hát ru. Những bài hát có cánh đồng, có con cò, dòng sông. Lời ca có lòng yêu thương và trắc ẩn, từ tâm và đôi lúc buồn. Cha tôi, ông hát ru cháu duy nhất đúng 2 bài, vậy mà mấy đứa cháu đứa nào cũng đòi được ông hát ru cho nghe.
Tôi, có 2 cậu nhóc, hò hét ầm ào cả ngày, chí chéo dành nhau nằm cạnh bố để được nghe bố hát ru. Nhiều bài hát ru trong đó do tôi tự chế, vậy mà chúng vẫn thích. Có hôm chúng đòi hát lại bài hôm trước, thế là chịu.

...còn tiếp...

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Đĩa than: Tiếng của thời gian

Công nghệ ghi âm thanh trên đĩa than có từ gần 100 năm trước. Hơn 30 năm trước tôi đã có cơ hội nghe tiếng nhạc ghi trên đĩa than phát ra từ chiếc loa kèn cũ nát của ông lão già hàng xóm. Tôi nhớ mãi thứ âm thanh kỳ bí đó cho đến ngày nay. Có lần, được dịp vào Nhà hát lớn tại Hà Nội, tôi cảm nhận lại được thứ âm thanh quyến rũ này.
Phải công nhận, vướng vào thứ âm thanh này đòi hỏi nhiều "kỳ công" và "kiên nhẫn". Mỗi một việc lau chùi, hút bụi thôi cũng đã là một công đoạn "cực kỳ quan trọng" để có được âm thanh mộc, nguyên bản ghi. Cha tôi, hôm rồi rời miền Trung nắng rát ra Hà Nội, chỉ mới nhìn qua ông đã bảo "Chết chết, nghe cái ni một hồi là nghiện không rứt ra được". Bố vợ thì chắc đang âm thầm sung sướng bởi đã tìm được "truyền nhân" để cùng ông thoả lòng đam mê âm nhạc Nga.
Âm thanh - mớ nhạc cụ "hỗn độn" này - tôi chẳng hiểu tí mô tê gì cả, chỉ biết rằng, giai điệu và âm thanh phát ra từ cái đĩa than cũ kỹ kia có sức hút kỳ lạ. Nghe CD, dường như ban nhạc hay nhạc công chơi nhạc theo nhịp hát của ca sỹ, còn đĩa than, dường như ca sỹ thể hiện bài hát theo tiết tấu của nhạc công. Tiếng hát của ca sỹ có khả năng trùm lên tiếng nhạc - nghe rất thật giọng. Tiếng nhạc trên CD như một người phụ nữ đã được tỉa tót, dao kéo, phấn son cho nhan sắc của mình - họ xinh đẹp khi bạn ngắm thoáng qua, khi bạn xem đó là thứ bổ sung cho cuộc sống vốn ham muốn của bạn. Còn đĩa than, như người phụ nữ, người mẹ, người vợ chung tình, mộc mạc và nồng nàn - họ đẹp trong con tim của bạn, nhan sắc của họ có thể già đi theo năm tháng nhưng tình yêu của họ dành cho bạn (và cả bạn dành cho họ) thì càng tăng lên theo năm tháng của cuộc đời.
Âm nhạc - cơ bản là sự hoà trộn của những nhạc cụ với nhau để có được một giai điệu của một bản nhạc. Những bản nhạc cổ điển mang tính kinh điển bác học hay những bản nhạc tự chế khi ôm đàn của người nghệ sỹ cũng chỉ nằm gọn trong mấy nốt nhạc Đồ - Rê - Mi - Fa - La - Sol - Si, tương đương với 7 cung thể âm nhạc.
Hiện có nhiều người chơi âm thanh và có rất ít người biết nghe nhạc. Chơi âm thanh là một thú chơi sành sỏi và tốn rất nhiều công - sức - tiền, đó là một thú chơi cầu kỳ (không hoặc chưa đến mức xa xỉ). Để theo được thú chơi âm thanh, nhiều tiền, tỷ mẩn chưa chắc đã chơi được vì còn phụ thuộc vào "mức - độ - nhạy - của tai". Bên cạnh đó, còn phải sắm cho mình "mớ" xúc cảm đặc biệt đối với những bản nhạc cụ thể. Thế mới khó.
Người chơi âm thanh nghiệp dư - nói chung - có đam mê - nhưng đam mê thường ngắn. Nhiều người chơi theo phong trào, theo mốt hoặc thấy người khác có mình cũng sắm một bộ cho nó hoành. Những tay chơi có tiếng thường có đam mê, có am hiểu về âm thanh và một chút âm nhạc. Bằng không, được vài tháng lại chán ngấy, rồi lại than thở.
Audiophile, hi-end, hi-fi, stereo hay cái từ thuật ngữ gì đó cũng chỉ là cách gọi tên cho mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn của công nghệ âm thanh. Một bộ thiết bị âm thanh tốt sẽ cho ra thứ âm thanh thực chất đúng như khi đang trình diễn trước mặt. Bộ âm thanh tốt (tuỳ vào từng người) chưa chắc là một bộ đắt tiền (mà thường thì đắt tiền lại rất hay) và một bộ đắt tiền chưa chắc đã tốt với vài bản nhạc nào đó.
Khi sắm một bộ âm thanh để thưởng thức âm nhạc, nhiều người lại rơi vào tình trạng "săm soi đặc tính kỹ thuật của thiết bị". Hừm, đó chỉ là các thuật từ do người bán hàng dựng lên bên tai người mua. Một vài người bán hàng rất am hiểu về âm thanh, âm nhạc và công nghệ âm thanh sẽ tư vấn tốt nhất cho người mua với một bộ âm thanh hợp lý. Rất nhiều người bán hàng đã nói với tôi những từ như "con này gấu lắm, tiếng bass cực gấu", "tiếng trung trong vắt", "tép thanh mảnh", "chân jack loa mạ vàng", "củ loa hoành lắm". Thực chất, người mua sẽ không phân biệt được các thuật ngữ đó như thế nào cả, đặc biệt, khi họ vào phòng nghe hoặc phòng trưng bày của người bán để nghe những bản nhạc đã thửa riêng. Tôi đã nhiều lần hỏi lại người bán hàng "gấu là thế nào? tép thanh là sao?" họ chịu - những người bán hàng thiếu am hiểu về sản phẩm.
Để sắm cho mình một bộ âm thanh phù hợp, những bản nhạc yêu thích thì người mua bên sắm cho mình trước một vài thông tin cơ bản về như âm vực, trường độ, cao độ, nhịp độ, và cao hơn có thể là tẩu pháp.
Hãy lắng nghe con tim và cảm xúc của mình, bạn có thể chỉ yêu thích một thể loại nhạc nào đó mà thôi (như tôi - khó có thể nghe được rock hoặc sắc - xô - phôn vì cái tai tôi nó không hợp với thể loại đó).
Nghe nhạc, cần lắng nghe giai điệu của bản nhạc để nhận ra cảm xúc của người nghệ sỹ, của tác giả bản nhạc đó. Sau cùng, hãy thưởng thức bộ thiết bị âm thanh của bạn khi nó tái tạo lại tiếng của những nhạc cụ và giọng của người ca sỹ.
Nếu bạn chưa một lần đến rạp hát để nghe và xem trình tấu nhạc giao hưởng hoặc thể loại nhạc cổ điển thì bạn khó có thể nghe được nhạc cổ điển. Không tin ư, thiệt đó. Vì bạn không nhận thấy được sự phân bổ âm thanh của dàn nhạc trong một rạp hát, bạn không cảm nhận được cảm xúc của nghệ sỹ hát opera khi bạn chưa bao giờ nhìn thấy cảm xúc của họ trên sân khấu.
Có một thứ âm thanh, âm nhạc trung thực, analog 100%, chả khác gì nhà hát cả: Tiếng nhạc của ban hầu đồng. Tiếng chũm choẹ, tiếng trống, tiếng nhị, sáo, mõ...mỗi thứ lại rộn ràng, réo rắt, nỉ non ĩ ôi theo nhịp hầu giá đồng.



Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Đu dây điện với lạm phát

Trước hay sau: Lạm phát hay Lãi suất

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Ảo giác tiền tệ: Góc nhìn từ tăng lương cơ bản

Khái niệm Ảo giác tiền tệ là một lý luận của nhà kinh tế học Jonh M. Keynes trong việc chứng minh giá trị của đồng đô la và các loại đồng tiền khác. Lý luận cho rằng, chủ thể kinh tế khó có thể hoặc không thể nhận thức được giá trị thực của đồng tiền, sự tăng lên hay giảm xuống giá trị của tiền là một biến số "ẩn" khó xác định. Hầu hết các chủ thể kinh tế có khuynh hướng nhận thức được giá trị danh nghĩa của tiền mà quên đi rằng, giá trị thực tế của nó mới là quan trọng.
Trong thời lạm phát tăng cao, nhanh, người tiêu dùng cá nhân hay chủ thể kinh tế nhận thức được sự tăng lên của giá cả. Nếu người sử dụng lao động giảm tiền công một chút % nào đó trong điều kiện giá cả không thay đổi thì người làm công sẽ nhận thấy ngay. Và hậu quả của việc này sẽ đòi tăng lương. Số tiền công được trả xem như là tiền danh nghĩa.
Tuy nhiên, khi thực tế nền kinh tế có chỉ số lạm phát tăng cao, giá cả liên tục điều chỉnh tăng thì nếu tăng tiền công cho người làm công ở mức x% nào đó thì người làm công không nhận thức được giá trị thực của tiền công. Họ tin rằng, mình có nhiều tiền hơn để tiêu dùng, do vậy, họ chi tiêu mạnh tay hơn. Điều này dẫn đến lạm phát lại tăng lên. Như vậy, điều chỉnh tăng lên tiền công danh nghĩa trong thời kỳ lạm phát sẽ là tác động kích thích thêm lạm phát của nền kinh tế.
Lý luận của Keynes cho rằng, Ảo giác tiền tệ là nguyên nhân làm cho các quyết định của chủ thể kinh tế trở nên không chính xác và hành vi kinh tế của họ bị làm cho méo mó, khi đó, giá cả trở nên không linh hoạt. Cùng với lạm phát, ảo giác tiền tệ làm cho nền kinh tế rơi vào trạng thái mất cân bằng và thiếu hiệu quả.
Nhìn lại số liệu các lần tăng lương cơ bản/lương tối thiểu của Việt Nam có thể nhận thấy lý luận Ảo giác tiền tệ đã phát huy tác dụng của nó. Cả khoảng thời gian dài từ từ 1997 của thế kỷ 20 và đến 2013 của thế kỷ 21, các lần tăng lương đều rơi vào thời điểm lạm phát đã bùng phát, đặc biệt thập kỷ từ 1997 - 2006. Đó là thời kỳ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế kéo theo chi tiêu tăng, giá cả phi mã, tiền lương thực tế không hoặc chưa đáp ứng được tiêu dùng cơ bản của người lao động. Các nhà hoạch định chính sách đã cùng với Quốc hội triển khai chính sách lương cơ bản đối với người lao động. Chính sách tiền lương cơ bản đã đáp ứng tốt mong mỏi của người lao động và là thành công tốt đẹp của chính phủ lẫn Quốc hội. Tuy vậy, đó chỉ là tiền công danh nghĩa, còn tiền công thực tế chưa chắc tăng được là bao khi so sánh với chỉ số CPI.
Nhìn lại số liệu lịch sử để thấy rằng, nếu triền miên tăng tiền công thì khó có thể đáp ứng được yêu cầu của người lao động. Năm 1997 - 1998, khủng hoảng tiền tệ Châu Á đã kéo đến hệ luỵ cho Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của năm 1998 chỉ đạt 4,8%. Phải đến 2004, 8 năm sau kể từ bão tiền tệ Châu Á, nền kinh tế Việt Nam mới bước vào vụ mùa, tốc độ tăng trưởng 7,7%, CPI đạt 6,5%. Năm 2004, chính phủ không tăng lương tối thiểu.
Nhìn từ 2007 đến nay, hơn 6 năm vật lộn với chính sách tài khoá - tiền tệ để ổn định nền kinh tế, chính phủ đã có nhiều lần điều chỉnh lương cơ bản, và đã kéo theo lạm phát "kinh hãi". Đến giai đoạn 2012 - 2013, cơ bản lạm phát đã ổn định và nằm trong khoảng cân bằng cho phép, vậy chăng, nên tạo ra một Ảo giác tiền tệ mới cho nền kinh tế.
Nên chú ý rằng, chính sách tiền tệ đã cơ bản làm đúng vai trò của nó là Kiềm chế lạm phát, ổn định đồng nội tệ và kích thích tăng trường. Bây giờ là thời kỳ vàng son của Chính sách tài khoá.