Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Định mức khuây khoả (Quantum of Solace): Giới hạn chịu đựng

Xin được lấy tựa để của bộ phim bom tấn về James Bond để đặt tiêu đề cho bài viết này. Cảm xúc của tôi khi đọc xong bài viết này trên báo Tuổi trẻ (http://tuoitre.vn/Giao-duc/585719/day%C2%A0doa%C2%A0tre-mam-non.html#ad-image-0http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/585764/xem-video-clip-day-doa-tre-mam-non.html)
Quả thực, tôi không dám xem hết đoạn phim do các phóng viên cung cấp. Có cái gì đó rờn rợn kinh khiếp trong cảm xúc của tôi. Tôi tự hỏi, các bảo mẫu trên có phải là người hay không nữa, họ hành động với trẻ em còn thua các con vật tồn tại trên trái đất.
Tôi thử tra google với câu lệnh "bảo hành trẻ em", nó cho kết quả là 1.110.000 (https://www.google.com.vn/#q=%22b%E1%BA%A1o+h%C3%A0nh+tr%E1%BA%BB+em%22). Đúng là nghẹt thở. Tim thắt và quắt ruột.
Còn nhớ vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ chăm trẻ bằng chân, Quản Thị Kim Hoa cho ăn bằng thước, tắm mát kiểu Trần Thị Phụng, chăm trẻ bằng cách nhốt vào thang máy dạng Trần Thị Xuân Nữ, dán băng keo vào mồn như Lê Thị Lê Vy. Cứ mỗi vụ xảy ra là xã hội dậy sóng, Còn bây giờ, hai bảo mẫu ác quỷ là Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý. Đáng tiếc, vụ sau lại nghẹt thở hơn vụ trước. Những người phụ nữ, đàn bà đã và đang hoặc sẽ làm mẹ? Họ nghĩ gì khi để cho ác thú trong tâm hồn mình trỗi dậy?
Hỡi các nhà quản lý, các địa phương, hãy làm gì đi chứ? Liệu rằng chúng ta cứ khởi tố mãi được không? Có giọt nước mắt của cha mẹ nào bằng giọt nước mắt uất nghẹn, bất lực khi biết con mình bị bạo hành bởi những hành động ác quỷ hơn loài quỷ của các bảo mẫu trên.
Người ta sẽ bàn đến chuyện trường công, trường tư, có phép hay không phép, có camera hay giám sát từ chính quyền địa phương....?! Tại sao những vụ bạo hành này lại xảy ra đối với con trẻ của những người công nhân tại các khu công nghiệp, các khu sản xuất với mức sống còn đang teo tóp? Chẳng lẽ, con trẻ, là da là thịt, là đồng bào mình, máu đỏ da vàng là vậy mà lại đối xử ác quỷ thế chăng? Hay là người nghèo thì được đối xử như vậy? Nơi chốn nào an toàn và nhiều niềm vui cho con trẻ?
Làm gì đi chứ, hỡi các nhà quản lý! Định mức khuây khoả dành cho các bảo mẫu đến vậy là được rồi. Hay là kết cục có một cái chết bi thương của người mình yêu như trong bộ phim  của James Bond?!
Sự chịu đựng của các bậc cha mẹ đã đến mức tới hạn. Cảm giác một hành động khẩn thiết của các nhà quản lý đang được người dân chờ đợi. Có điều gì đó đang trào ứ lên đến gan óc của các bậc cha mẹ về một giải pháp quản lý hệ thống giữ trẻ.
Lên tiếng và hành động đi hỡi các nhà quản lý. Làm được gì thì cứ làm đi. Khi người ta không thể khóc được nữa là lúc con người sẽ có những hành động đáp trả xứng đáng với hành vi bạo hành.
Đừng để nước ngập đến đầu rồi mới chạy.

Không có nhận xét nào: