Có nhiều người hỏi tôi một câu hỏi
đơn giản: Ông có facebook không? Câu trả lời của tôi là: Tôi quá tuổi để mò lên
đó. Họ hỏi lại: Ông làm một cái đi. Tôi trả lời: Tự dưng mắc vô một cái để rồi
mình vướng với nó.
Tôi thích công nghệ, đặc biệt là
các phần mềm và hệ điều hành liên quan đến mạng. Mạng đối với tôi như là một
công cụ cho cuộc sống. Tôi thích Microsoft bởi đó là công cụ để làm việc, tôi
yêu Blackberry bởi đó là một hệ điều hành tương thích với tôi. Tôi không mến
Android bởi nó là cái chợ. Tôi đã từng xài iOS trên cái iPhone đời đầu và nhận
ra rằng, nó chỉ là cái tôi của sở thích. Tôi thoả mãn với Google bởi nó có thể
cho tôi công cụ để kết nối với những niềm yêu thích của tôi.
Tôi vẫn tự hỏi, Facebook (FB) là
gì mà con người ta vướng vào nó. Tự nghĩ, đó cũng chỉ là một mạng xã hội, đã là
xã hội thì nó có cái quy luật của xã hội. Xã hội, là tập hợp của con người đủ
các sắc tộc, tôn giáo, văn hoá, lối sống, tính cách, trào lưu và … tâm lý đám
đông.
Tôi biết FB, tôi thấy nó có lợi
cho một vài mục đích đơn giản trong cuộc sống, nó trở nên là một công cụ giao
tiếp và tiếp xúc với xã hội ảo dựa trên một tâm lý đơn giản của con người:
Thích trò chuyện và biết chuyện khác ngoài con người của mình.
Tôi đã từng chứng kiến bạn bè và
đồng nghiệp của tôi xài FB, họ đang làm những gì:
1.
Status:
Một dòng status
ngắn ngủi cũng đủ để chia sẻ cùng mọi người về tâm lý, trạng thái, cảm xúc của
mình. Yêu, ghé, giận, thương cũng chỉ trên một dùng ngắn này. Thói tò mò và
hóng chuyện được khai thác tối đa qua status này.
Con người ta,
khi ít giao tiếp trực tiếp thì lại thích cái gì đó rất ảo, rất cảm xúc tức thì.
Tỷ như, một status đơn giản “Ước gì được xoã cùng người ấy….”. Đó là cảm xúc đủ
để gây tò mò cho người khác bởi nội hàm và ngoại diên của câu nói được bộ lộ rõ
rệt tâm lý của người đăng tin. Người đọc, chắc chắn sẻ tò mò bởi tâm lý bà 8,
dưa lê đã ăn sâu vào tiềm thức. Âu – Á – Mỹ - Phi hay một châu lục nào đó thì
cũng rơi vào trạng thái tò mò.
Một status thường
xuất hiện là trạng thái thở than: Một người vợ giận chồng và viết lên FB rằng “Đồ
chồng mắc dịch” hay một đôi yêu nhau giận hờn lại viết rằng “Thôi mình chia tay…”
hoặc một nhân viên viết về người quản lý của mình “Sao nó giao mình nhiều việc
thế?”. Những trạng thái thở than có thể giết chết cảm xúc và tinh thần của bạn
ngay khi bạn vừa enter.
2.
Nút Like vô bổ:
Trên FB, bạn nhấn
nút Like, nó tương tự như câu nói cảm ơn sáo rỗng ngoài đời khi bạn không cảm
xúc. Bạn Like bởi vì bạn thích một câu nói hay một trạng thái nào đó, dù bạn
không cảm nhận được khổ chủ có cần Like hay không.
Bạn Like, bởi bạn
tin rằng, một ngày nào đó, mình viết điều gì đó mà không có ai Like thì bạn cảm
thấy cô đơn, lạc lỏng trong thế giới ảo của FB. Còn ai chú ý, quan tâm đến bạn?
Đây là câu hỏi thường trực trong ý nghĩ bạn. Tương tự như, bạn nói một câu với
người thân của mình “Ôi, buồn quá, chán lắm cơ…” nhưng người thân không thèm
đáp lại cảm xúc của bạn. Buồn hơn con chuồn đậu rồi bay, nhỉ?
3.
Đăng ảnh:
Con người, thói
đời lại thích khoe, thích mọi người biết đến mình có gì. Bạn tôi ư? Ảnh món ăn,
một phong cảnh, một bộ cánh mới, một nụ cười của bọn trẻ, hoặc một bức ảnh về một
sự kiện hay hoàn cảnh nào đó. Họ lên cho lên FB, để làm gì? Trạng thái muốn người
khác quan tâm đến việc của mình cũng chẳng khác nào tâm lý hóng chuyện bởi tò
mò và đơn giản, khoe một tí.
Tôi thích một
vài người bạn và đồng nghiệp, họ đăng ảnh bởi cảm xúc và tài năng của họ. Họ có
thể biến bức ảnh của mình bằng tiền, bằng uy tín, bằng sự yêu mến của người
khác. Tôi cũng đã từng đăng ảnh trên G+ của tôi với mục đích, tôi muốn lưu lại
thông tin tôi biết được. Không cần ai vào, viết bình luận hay +1. Tôi xin miễn
bàn bởi cảm xúc của tôi là của chính tôi. Tôi có cần chia sẻ không, có đấy,
nhưng với người tôi yêu mến mà thôi.
Bạn đăng một bức
ảnh khi bạn không có cảm xúc hay muốn đăng một món ăn bạn đang chuẩn bị chén
nó? Đồng nghĩa với khoe hàng, nhỉ?
4.
Check in:
Cái việc này, tỷ
như gửi status, người dùng FB luôn cập nhật nơi mà họ đến. Để làm gì, nó như là
cảm giác của sự thành công hay tìm kiếm sự khen ngợi của người khác. Bạn leo
lên đến đỉnh Everest ư, bạn check in để ai cũng biết rằng, bạn tuyệt vời đến
nhường nào.
Check in, một
vài người mong như là kỷ niệm đối với một nơi họ đến. Việc check in chỉ là việc
bạn thể hiện cái tôi cho cái nơi bạn đặt chân đến. Việc này, đôi lúc là cơ hội
cho kẻ xấu biết đến bạn. Ví dụ, bạn ở Sài Gòn, bạn đến Hà Nội làm việc, kẻ xấu
tin chắc rằng, lúc chúng đến khoắng nhà bạn, sẽ không có bạn ở nhà.
Bạn đạt được gì
khi bạn check in để người khác biết mình đang ở đâu? Bạn đang ở một nơi nào đó,
bạn đang trải nghiệm và cảm nhận, bạn muốn chia sẻ. Tốt thôi, giống như status
hay like hoặc comment, bạn đang trải nghiệm cảm xúc và bạn muốn người khác tò
mò về bạn.
5.
Kết bạn:
Ngoài đời thực,
bạn chỉ có vài người bạn mà bạn muốn sẻ chia cảm xúc bởi họ yêu mến và tin tưởng
vào bạn. Trên mạng xã hội, bạn có thể kết bạn với một ai đó mà bạn muốn, miễn
là họ chấp nhận bạn bằng một cú click. Ngoài đời, để kết bạn với một ai đó, quả
thực rất khó khăn và đòi hỏi phải trải nghiệm qua thời gian.
Những người bạn
xưa cũ của bạn có thể tìm bạn qua FB, miễn là họ có sự kiên nhẫn tìm kiếm. Bạn
với nhau rồi, bạn luôn cảm thấy họ ở bên cạnh, họ có thể cảm nhận được cảm xúc
của bạn và bạn cũng thế, bạn like họ, bạn comment với cảm xúc của họ.
Trên FB, bạn có
thể nói lại những kỷ niệm ngày xưa. Những cảm xúc ngày xưa mà bạn kể lại trong
hiện tại có sức hút ghê gớm đối với người bạn ngày xưa của bạn. Mạng ảo, có tạo
nên cho bạn kỷ niệm không?
FB, bạn có thể
đăng bức ảnh bạn đang cà phê một mình, bạn đang cần có người tâm giao, nhưng
FB, không thể cho bạn một ánh mắt, một nụ cười, hay một cái bắt tay ấm áp. Tôi
thích cà phê, tôi thích tụ tập bởi tôi thích nghe những lời đầy chân thật của bạn
bè, của đồng nghiệp. Tôi thích được gặp người bạn thân, chỉ để uống tách cà phê
nóng ấm trong một chiều đông lạnh buốt để rồi bắt tay tạm biệt với bàn tay ấm nồng.
FB làm được chăng?
Bạn thích mối
quan hệ ảo trên FB thì thế giới thật và cuộc sống thường ngày của bạn càng ít
đi. Bạn có thể khoe một chiếc bánh nướng bạn vừa làm xong nhưng bạn ảo không cảm
nhận được giọt mồ hôi trên trán bạn khi bạn nướng bánh. Bạn không cảm nhận được
sự chân thật trong lời khen khi họ nhâm nhi miếng bánh bạn mời.
FB có thể kết nối
bạn với những người ở xa, nhưng những người quanh bạn, họ có thật sự gần bạn
hay họ cũng đang loay hoay tìm kiếm người bạn ở một chân trời xa lắc lơ và xưa
cũ. Đừng để người xưa buồn khi có ai đó nhắc lại câu nói “nghĩa tử là nghĩa tận”.
Phải chăng, cứ lên FB, rồi khi ai đó ra đi, bạn bè họ viết một status lên FB rằng
“XYZ đã đi xa…”. Có ai cảm nhận được giọng nức nở hay giọt nước mắt mặn chát của
người báo cho bạn biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét