Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Uber: Một góc nhìn từ ngân hàng

Với khách hàng có sử dụng thẻ tín dụng quốc tế, Uber là một phương thức thanh toán mới để phục vụ cho nhu cầu đi lại. Ngoài việc sử dụng dịch vụ và thanh toán qua POS, internet, giao dịch MOTO thì sử dụng Uber tạo thêm cơ hội thuận lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, có nhiều rủi ro chưa lường trước được đối với phương thức này.
Với Uber, đây là một công cụ "môi giới" dịch vụ đứng giữa người có nhu cầu đi lại và người có xe hơi. Thay vì phải gọi đến hãng taxi, người có điện thoại thông mình hoặc các thiết bị kết nối mạng khác, đăng ký một user trên Uber và điều kiện cần có là thông tin về thẻ tín dụng. Khi muốn đi lại, chỉ cần đăng ký điểm đi, điểm đến, Uber sẽ tự động liên kết với "tài xế" gần nhất, tính cước và quãng đường cần thiết. Tiền cước phí sẽ được thanh toán tự động qua thẻ tín dụng quốc tế, tài xế hưởng lợi từ thu phí, Uber hưởng hoa hồng môi giới.
Trên thế giới, Uber phát triển rất nhanh, trở thành một phương thức vận tải mới cạnh tranh trực tiếp đến quyền lợi của các hãng taxi. Nhiều quốc gia đã chấp nhận hình thức kinh doanh này nhưng cũng có nhiều nước, đang lưỡng lự trước sự phát triển ồ ạt của Uber. Thực chất, khi hình thức này về đến Việt Nam, nhiều người cứ nghĩ đó là hình thức thanh toán cước dịch vụ taxi nên còn nhiều tranh cãi và vướng các thủ tục pháp lý. Song, theo tôi, Uber là hình thức môi giới trong kinh doanh, là một hình thức vận tải mới tại các đô thị, nó hoàn toàn không chỉ là áp dụng đối với hình thức taxi, tỷ như một dạng thức của forwarder mới trong dịch vụ vận tải.
Nhiều người cho rằng nó trái luật vì chưa có quy định để quản lý. Song, dưới góc nhìn của hình thức lập pháp hiện hành, luật chỉ cấm những gì không được làm, nếu không có trong danh mục cấm, sẽ được làm. Với góc nhìn pháp lý theo hình thức vận tải hành khách thì phương thức uber có nhiều vấn đề pháp lý cần làm rõ, song, như Bộ trưởng Bộ GTVT đã phát biểu " “Rõ ràng là loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường, người dân thấy lợi nhờ sử dụng dịch vụ này. Trên thế giới người ta đã ứng dụng rồi, vậy tại sao ta không làm”
Với góc độ ngân hàng, đây là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khá thuận tiện và hiện đại đối với người sử dụng thẻ tín dụng. Với một thị trường có có thói quen truyền thống khi sử dụng tiền mặt trong thanh toán thì việc không dùng tiền mặt sẽ tốt hơn. Vấn đề ở chỗ, ngân hàng phát hành thẻ tín dụng sẽ phải tính phí dịch vụ "công cụ thanh toán" đối với Uber như thế nào?
Rõ ràng, Uber đang là một phương thức thanh toán mới có mức phí rẻ hơn dịch vụ taxi hiện có trên thị trường, người dân cảm thấy có lợi hơn. Nên chăng, sớm có hành lang pháp lý cho dịch vụ này và sớm có quy định cụ thể để tạo điều kiện cho cạnh tranh trên thị trường, tránh trường hợp, chưa rõ, chưa biết, chưa có quy định thì cấm. Thực trạng gần đây, một số tin đồn cho rằng, sẽ cấm bán hàng qua mạng vì không đăng ký giao dịch thương mại điện tử. Cấm vậy, nhưng, nhiều giao dịch vẫn nhan nhản trên mạng. Hay như các phần mềm OTT trên mạng di động, trước mới ra, các nhà mạng vô cùng phản đối, cuối cùng, buộc phải chấp nhận một sự thật tồn tại của dịch vụ OTT và phải nhanh chóng đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra nhiều tiện ích hơn cho khách hàng. Đó mới là cạnh tranh.
 Vậy nên, các nhà làm luật, nhà quản lý cần sớm có quy định rõ ràng về Uber. Chúng ta, không chỉ cạnh tranh ở trong nước mà chúng ta đang đối mặt với sự cạnh tranh trên toàn cầu bởi thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn, rộng hơn, và thị trường ngày càng hẹp hơn với các dịch vụ mang tính "hơi hướng độc quyền".




Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Cuộc đời café


Trên thế giới, có một loại thức uống có thể được chấp nhận tương đương với nước lọc hàng ngày, không một loại nước uống nào có thể thay thế. Dù bạn có đi đến muôn phương trời, café mang lại cho bạn nhiều cảm nhận tích cực và sẵn sàng năng lượng cho bạn khám phá bản thân cũng như cảm nhận hương vị của vùng đất mới.
Café, mỗi địa điểm trên thế giới có cách pha chế và thưởng thức riêng của nó, có những hãng kinh doanh café nổi tiếng toàn cầu bởi họ đã thổi hồn văn hoá cho thứ nước uống được thêm chút café. Với Việt Nam tôi, café có thể đã xuất hiện từ thời kỳ Pháp xâm chiếm nước nam, nghe đâu, họ mang giống cây này từ tít tận Phi Châu về trồng trên mảnh đất nhiệt đới, sử sách cũng có chép lại rằng, ban đầu, cây café chỉ được trồng trong vườn nhà thờ của khu vực Bắc Kỳ, được canh phòng cẩn mật lắm.
Mãi sau này, cùng với sự phát triển của đất nước ngành nông nghiệp trồng café của nước nhà vươn lên làm gã khổng lồ về sản lượng café xuất khẩu ra thế giới, đứng thứ 2 sau Brazil, mỗi năm xuất hơn triệu tấn. Vậy mà, đời người nông dân vẫn nghèo, cơ cực như đời café mùa hạn nắng.
Con người, không thể chọn café mà chỉ có café mới chọn người. Café không phải chỉ dành cho một nhóm người nào đó, hầu hết, ai cũng có thể uống café, chỉ trừ khi, con người không bản sắc thì khó có thể ngồi với café.
Đi dọc nước Việt mình, đến với café là coi như ngồi café. Không như xứ Âu, Mỹ, sáng vội vàng ghé hàng café, mua một hộp to có kèm theo cái ống hút, thế là vừa đi vừa uống, vị café cứ nhàn nhạt. Xứ mình, café là với bạn, với người thân, với đối tác, với đồng nghiệp và nhiều người uống café với chính mình – những người được xếp nhóm là nghiền café.
Với café, những ai rộn ràng tươi mới với cuộc đời thường có nhiều bè bạn, họ rộn ràng trò chuyện, chia sẻ và đến với café như cái cớ để gặp mặt. Những người luôn vội vàng khi đến với café thường trở nên trầm lặng và thấp thỏm chờ đợi. Có ai đó đã nói với tôi rằng, nghiện café là khó từ bỏ nhất.
Đã nhiều lần tôi đi xa, lênh đênh trên chuyến hải hành xuyên đại dương, tôi khát khao được nhấp môi vị nồng nàn của café buổi sớm mai. Nhớ café là nhớ về nơi mà mình đã đi qua, đã thưởng thức hương vị café của nơi đó. Café, có vị thơm nồng để quyến rũ đời người, có vị thanh chua để đầu môi không bị chán ngậy, có mùi của đất để ta cảm nhận được qua bao thăng trầm mới gột nên được vị thơm mới. Café thứ nước màu nâu đen của nó chứa đựng cả bao bí ẩn và kỷ niệm của con người.
Café, như đời người. Mỗi tách café có đủ vị thơm ngọt để thưởng thức, thụ hưởng yêu thương; có vị đắng chát để ngẫm lại những nỗi buồn và lo toan của cuộc sống; có vị chua mặn để lưu lại những thất bại và giọt nước mắt muộn màng; có vị say say bay bay để ta bồng bềnh với những mộng mơ và ước vọng.
Café, có đủ vị của cuộc đời, chỉ có mình là ai mới có thể cảm nhận được hương vị của café.


Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Cafe Sài Gòn

Tôi nhớ mãi lần đầu tiên đến Sài Gòn, tôi đến Sài Gòn bằng cách đến từ biển vào sông, ngắm Sài Gòn từ sông thấy mênh mộng rộng mở, mơn man gió lộng và ồn ả tiếng còi tàu hụ vang vang.
Đến Sài Gòn, việc đầu tiên là ra ngồi cà phê cóc góc phố bên cạnh nhà thờ Đức Bà, bác bán cafe lại hỏi câu quen thuộc "Mới vô hở mậy?". Tôi dạ giòn tan và nhận lấy cốc cafe đầy đá.
Đó là lần đầu tiên, tôi uống cafe với một cốc đầy đá, đá được đập hoặc xay nhỏ, đổ đầy cốc và rót chút xíu cafe vào. Thế là một cốc đen đá hoàn thành. Đồng nghiệp tôi, hắn thích cafe sữa đá, hắn luôn nói vậy mới là Sài Gòn - trong cái đen đẫm kia có cả thơm ngọt đấy ông?!
Lạ một điều, người sống ở Sài Gòn thích uống cafe buổi sáng. Một ngày mới bắt đầu bằng ban mai rộng mở, không khí trong lành đang dần đánh thức thành phố tỉnh dậy sau giấc ngủ vùi. Người Sài Gòn uống cafe như thể bắt đầu một ngày mới bằng cách nạp vào cơ thể mình thêm năng lượng. Bình mình lên, từ bác xe ôm, anh lái taxi, chị lao công hay người công chức đang vội đến sở làm, đều ghé lại một hàng cafe quen nào đó rồi nhâm nhi ly cafe đẫm lạnh hoặc một tách nóng thơm ngậy mùi cafe. Người Sài Gòn, thích uống cafe dưới những tán cây ven đường, hoặc trên những vỉa hè rộng trong buổi sáng sớm. Cafe là cứ thế, ngồi xuống, thảnh thơi và ngắm nhìn con phố bắt đồng ồn ả bởi tiếng động cơ xe máy và tiếng người bắt đầu ồn ào.Họ uống, rồi nhanh chóng hoà mình vào dòng người đang vội vàng trên những con phố quen. Có lẽ, cái năng động của thành phố này cũng được bắt đầu từ cafe ban sớm.
Trước tôi làm hay đi lại mấy cái cảng, mấy người công nhân làm ca đêm trong sớm mai gặp tôi đã hỏi "Cafe không?" Người Sài Gòn, hình như, cái giao tiếp thể hiện như đã thân thiện từ lâu rồi, dẫu mới gặp có trong chốc lát. Đồng nghiệp tôi người miền Trung, hắn bảo, vô trong này, sướng nhất là cafe sáng, tự do và trong lành.



Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Bàn tay năm ngón đã thôi ấm mềm

Mẹ tôi tóc đã bạc màu
Bàn chân nay đã nhuộm màu khói sương
Vấn vương một thủa chân tròn
Để tôi nhớ mẹ trên hòn mây cao

Gió qua đồi, sóng xôn xao
Miền quê triền cát là nơi mẹ nằm
Mênh mông với cõi đất cằn
Nắng mưa mẹ đã một đời tóc xanh

Tóc xanh nay đã bạc rồi
Bàn tay năm ngón đã thôi ấm mềm
Đã khuất tiếng hát trong đêm
Bóng trăng thôi đổ xuông thềm mái tranh

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Đi qua mùa Vu Lan

"Tôi biết tôi mất mẹ
Là mất cả bầu trời"

Xưa, đến mùa Vu Lan tháng 7, nhiều lần, tôi nhìn thấy mẹ đứng lặng yên bên bàn thờ nức nở khóc. Mẹ tôi lớn lên trong vòng tay của cha, mệ ngoại mất khi mẹ tôi mới 5 tuổi, ông ngoại lặn lội chiến khu Việt Bắc rồi tham gia xuyên Trường Sơn vào nam. Mẹ lớn lên với làng quê, với ruộng đồng và nấm mộ của mệ ngoại bên nhà.
Xưa, mẹ hay tủi phận, mỗi khi nhìn nhà ai có mẹ, bên cạnh đàn con vây quanh, mẹ lại khóc. Nỗi buồn không giải thoát. Nỗi đau mang theo từ thủa ấu thơ.
Khi mẹ mất, tôi mới cảm nhận nỗi thèm khát cất tiếng gọi Mẹ ơi!
Xưa, mẹ hay ngủ ở phòng ngoài, gần cửa sổ. Mẹ bảo, ngủ gần đó để đêm khua con về, gọi cửa mẹ vẫn nghe thấy đầu tiên. Tôi lớn lên, bạt xứ từ thủa lớp 10, đi xa lâu lâu rồi về. Những chuyến hải hành lênh đênh đại dương tôi thường dấu mẹ, bới biết rằng, đi biển là mang theo nỗi buồn cho mẹ. Mỗi lần về, chỉ cần gọi khẽ, Mẹ ơi! Chỉ thế thôi, ánh đèn đã rạng. Dáng mẹ loà xoà trong bóng đêm. Có đứa con nào như tôi, nhớ dai dẵng hình bóng mẹ trong đêm, leng keng chùm chìa khoá ra mở cổng. Nhiều lần, mẹ chỉ cần ngửi thấy mùi áo quần là mẹ biết tôi vừa biển về. Mẹ khóc, lại thoắt lên bàn thời thắp hương tạ ơn trời phật, tổ tiên, ông bà đã độ trì cho con trai mẹ đựoc bình yên trở về. Ai đó, cứ về vùng biển mà xem, cứ ngắm nhìn ánh mắt trẻ thơ đã hiện nguyên nỗi lo mơ hồ với người cha đi biển. Mẹ tôi lo là thế.
Vu Lan này, mẹ đã đi rồi. Tôi không cài hoa trắng bởi mẹ vẫn còn trong tôi, gần lắm, trong những giấc mơ mẹ vẫn đi về. Mẹ chợt đến, chợt đi như sương sớm mai trên ngọn cỏ. Hoa trắng, trắng như đời mẹ đã đắp đổi cho cuộc đời con, để cho con có được bông hồng đỏ, đỏ như máu của mẹ, hồng như tấm lòng mẹ đã dành cho con.

"Con đi đâu con về đâu
Cuộc đời của mẹ là câu trả lời
Cho con nổi nhớ không rời
Cho con ấm cả chân trời nắng lên
Ngày về tóc mẹ bạc thêm
Mong con chân cứng đá mềm vươn xa
Đôi khi nhìn rạng chiều tà
Chừng như thấp thoáng quê nhà nhớ thương
Nhớ thương xin dược hát thầm
Lời ru của mẹ ngàn năm mãi còn."

Giảm lãi suất cho vay, có kích cầu và tăng trưởng?


Đã qua hơn nửa năm 2014, thị trường và tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn như dự báo, các dấu hiệu quan trọng để báo hiệu một sức cầu mới chưa xuất hiện. Nhìn chung, tình hình kinh tế chỉ mới ở điểm “có dấu hiệu phục hồi”. Đến hết tháng 7/2014, số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố, chỉ số tăng trưởng tín dụng đạt 3,68% so với cuối 2013, còn khá xa so với mục tiêu tăng 12% - 14% của năm 2014 (http://vneconomy.vn/tai-chinh/tang-truong-tin-dung-7-thang-moi-duoc-368-20140812045554206.htm)
Bên cạnh sự nỗ lực điều hành của NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã và đang tích cực tìm kiếm cơ hội cho vay, nhiều ngân hàng đã giảm mức lãi suất cho vay ưu đãi về 5% - 8%/năm đối với các khoản vay mới trong thời gian ưu đãi nhằm kích thích nhu cầu vay vốn của khách hàng. Tuy nhiên, thị trường tín dụng vẫn đang loay hoay tìm kiếm phương án gỡ nút thắt “tắc đầu ra” của thị trường. Một câu hỏi mà các NHTM luôn đặt ra: Ai vay, vay để làm gì, cho vay thế nào, liệu có an toàn không?
Cho nên, quả bóng trách nhiệm đảm bảo tăng trưởng kinh tế đang được dồn lên vai của NHNN, mà, trực tiếp là các NHTM, cầu nối giữa người có tiền và người cần vay tiền.
Nền kinh tế chỉ có thể tăng trưởng được sử dụng nhịp nhàng chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. 2 chính sách này được đưa ra tuỳ thuộc vào tình hình thị trường và mục tiêu của chính phủ. Câu hỏi đặt ra, giảm lãi suất cho vay, tăng cung tiền tác động thế nào đến lạm phát và có thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế?
Thoạt kỳ thuỷ, lạm phát lại thường dính dáng đến tiền. Một lượng cung tiền không phù hợp sẽ gây nên lạm phát. Milton Friedman đã từng nói "Lạm phát là luôn luôn có và ở khắp mọi nơi là một hiện tượng tiền tệ”. Dù có theo trường phái Keynes thì lạm phát lại xuất hiện ở Chi phí đẩy và Cầu kéo hay tệ hơn như vụ bàn tăng lương sẽ xuất hiện Lạm phát kỳ vọng. Một điểm nhất đáng nhấn nhất của nền kinh tế Việt Nam từ khi đổi mới đến nay là lạm phát luôn có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Lạm phát cao hay chỉ số CPI cao chưa chắc phản ánh đầy đủ hình hài đường tổng cầu nền kinh tế.
Nhìn chung, hiện trạng nền kinh tế chưa thể khởi phát ngay được, tăng trưởng vẫn loanh quanh 5% như kỳ vọng của chính phủ, chỉ số CPI hàng tháng nằm trong khung kiểm soát. Nhiều nhà quản lý lại nhìn vào CPI để điều chỉnh các chính sách vĩ mô. Họ tin rằng, tổng cầu của nền kinh tế đang bị bóp nghẹt bởi thiếu lượng cung tiền tiếp sức. Một mặt, nhiều nhà quản lý cho rằng, nền kinh tế yếu kém hiện tại là việc yếu về tổng cung, lượng tiền trên thị trường không đủ kích thích tiêu dùng và khuyến khích đầu tư.
Vậy nên, nhiều người kêu, đòi Tăng cung tiền thông qua việc hạ lãi suất. Việc nhiều nhà phân tích vĩ mô cho rằng CPI thấp là do cầu yếu?! Quan điểm này có một phần đúng nhưng nó không đúng tất cả. Lạm phát có hai tiêu chí để đánh giá, lạm phát cơ bản và lạm phát. Lạm phát cơ bản là lạm phát khi đã trừ đi giá năng lượng và thực phẩm thiết yếu, vì hai hàng hoá này có khả năng đột biến giá ngay tức thì trong trường hợp có thiên tai, dịch bệnh. 
Việc nới lỏng chính sách tiền tệ, trước mắt, có thể kích thích được tổng cầu ở mức kỳ vọng. Tuy nhiên, nới lỏng tiền tệ bằng biện pháp hạ lãi suất không phải là giải pháp lưỡng tiện cho nền kinh tế. Việc tăng cung tiền có thể kích thích doanh nghiệp đầu tư mới hoặc mở rộng để tăng nguồn cung; cá nhân sẽ được kích thích chi tiêu, làm cho cầu tiền tệ tăng lên và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy vậy, với một nền kinh tế/thị trường ngân hàng thương mại đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn tiền gửi của dân chúng và doanh nghiệp thì việc hạ lãi suất lại phương hại đến lợi ích của người gửi tiền. Khi một chính sách lãi suất thấp, buộc người có tiền liên tưởng đến vàng và đồng ngoại tệ mạnh, găm giữ như một tài sản tích luỹ lâu dài và cơ bản, đảm bảo không bị lạm phát gặm nhấm (cá nhân họ tin vậy)
Bên cạnh việc tác động đến lãi suất của người gửi tiền, với nền kinh tế biến động nhanh như Việt Nam mình,  việc tăng cung tiền sẽ kích thích nhập khẩu và nới rộng khoảng cách thâm hụt thương mại của XNK. Thực tế, rất nhiều hàng hoá cơ bản của Việt Nam được nhập khẩu một cách nhanh chóng khi chính sách thương mại quốc tế được nới lỏng hoặc khuyến khích. Việc vay vốn và đầu tư sản xuất của các DN trong nước chưa thể "một phát ăn ngay" được mà phụ thuộc vào thời gian thi công. 
Do đó, quan điểm CPI thấp và cần nới lỏng tiền tệ nên cần cân nhắc. Việc tái nới lỏng tiền tệ có thể là nguồn cơn của sóng lạm phát bùng nổ vào cuối năm và dịp tết nguyên đán.


Còn tiếp....

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Món ngon mẹ nấu

Xưa, mẹ cặm cụi lặt rau, làm cá, xay lúa, bổ củi. Cứ cặm cụi suốt sáng sớm cho đến đêm khuya. Hỏi mẹ, mẹ bảo, bây có muốn ăn ngon không mà cứ hỏi mãi.
Món mẹ nấu, cũng chẳng có chi nhiều. Xưa, nhà nghèo lắm, xơ xác như vùng quê đầy nắng gió mùa hạ, đói run cầm cập như giá buốt mùa đông. Ngô khoai sắn thay cơm vẫn tìm về trong giấc mơ của tôi mỗi khi nhớ về mẹ. Khó thế, nhưng những món mẹ nấu, cứ thấm đến đầu môi, cuối lưỡi. Để cùng tháng năm, in đậm trong tâm hồn.
Món ngon của mẹ chỉ là bát canh chua nồng nàn thơm ngậy giữa mùa hạ. Tụi tôi, những đứa nhóc gầy đét, đen nhẻm, suốt ngày lội ao lội ruộng mò cá, đắp bờ. Hồi đó, may mà còn nhiều tôm cá nên cứ ra đồng là có cái ăn. Tụi tôi, lớn lên với đồng ruộng, với hương gió đồng khen khét, với man mát nồng hơi đất sau cơn mưa dông mùa hạ.
Món của mẹ, có khi chỉ là miếng cá khô, hũ mắm giữa mùa đông ngập lụt. Tụi tôi, cứ vào mùa ngập lụt là rệu rạo nhai cá khô thay cơm. Đồng ngập một màu trắng đục, nhấp nhoáng ánh trăng le lói giữa đêm khuya cứ rờn rợn. Tụi tôi, lại giăng lưới giữa buốt giá đêm đông, những ngọn đèn dầu leo lét cháy dang dỡ như cuộc đời cơ cực của cha mẹ.
Món ngon, chỉ có thể là mớ rau sống hái vội trong vườn, là bát canh nấu rau tập tàng loanh quanh trong ngõ.
Tôi, thằng con áp út, phiêu bạt bao nơi, đi bao chốn, thi thoảng trở về bên mẹ. Mẹ không bao giờ hỏi ăn gì để mẹ nấu mà chỉ cần nhìn con thôi. Thế là cả món ngon đầy bữa. Bố hay bảo, thằng này rách trời lọt xuống nên toàn đòi ăn ngon, toàn khoai với ngô mà lớn lên thôi.
Mẹ đi, xai ngái một đời, về với miền gió và cát, mênh mang trong tôi là hương vị món ngon mẹ nấu. Từ bé đến giờ, tôi chẳng thèm món gì. Giờ, buồn vui lẫn lộn, chống chếnh nhớ mẹ, chỉ thèm một món do bàn tay mẹ làm.
Biết vậy thôi, chừ khó lắm rồi.



Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

FDI khủng: "Được voi đòi cả quản tượng"

Câu chuyện đề xuất thành lập đặc khu kinh tế của Formosa bổng trở nên "trên trời" đối với chính phủ Việt Nam và đối với hành lang pháp lý về đầu tư, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp của hệ thống pháp luật Việt Nam. Với đề xuất "lạ đời" của Formosa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẳng thừng "Không cần thiết". Đấy là câu trả lời mạnh mẽ và nhất quán. Bên cạnh đề xuất này vượt khung pháp lý thì những đề xuất tương tự là "chưa có tiền lệ và không cần thiết".
Xưa, trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói với chúa Nguyễn Hoàng rằng "Hoành sơn nhất đái, Vạn đại dung thân" để nói lên vị trí chiến lược trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của xứ Đàng Trong. Giữ được dãy Hoành Sơn là bảo vệ được an nguy của dân tộc, đó là địa linh. Dãy Hoành Sơn là một nhánh lớn tách từ Đại Trường Sơn chạy từ tây về giáp biển đông. Vì là địa linh, là đôi mắt nhìn ra Vịnh Bắc Bộ nên nó trở nên quan trọng trong an ninh quốc phòng. Những ngày tháng 10/2013, người con vĩ đại của đất nước, đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã chọn Mũi Rồng, núi Thọ Sơn để hoá linh. Nơi người an nghỉ đầu gối Hoành Sơn, mắt hướng về biển đông dõi về biển Đông muôn đời sóng vỗ.
Trở lại với câu chuyện các dự án FDI khủng: Trước, Samsung đã đặt nhiều điều kiện cho việc mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Chính phủ và địa phương đã rốt ráo hỗ trợ để giúp Samsung phát triển. Một thời, họ cũng đã đòi hỏi nhiều ưu đãi về chính sách thuế, chính sách sử dụng đất, sử dụng vốn, nhân công, công nghệ,... Tuy nhiên, đến nay, đầu tư của Samsung cũng là mô hình cho Việt Nam học hỏi, hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu của Samsung chiếm tỷ trọng không nhỏ trong giao dịch thương mại quốc tế của Việt Nam.
Với Formosa, tự dưng họ lại đề xuất thành lập một đặc khu kinh tế riêng biệt. Nhìn lại lịch sử của dự án, họ đã nhận được quá nhiều ưu đãi, nhiều đòi hỏi đã được đáp ứng từ phía địa phương và chính phủ. Vậy mà, họ leo thang đòi hỏi thêm vô lý. Họ tạo ra tiền lệ cho những kiến nghị tương tự và buộc chính phủ phải đi quản lý riêng rẻ từng dự án. Việc này, tương tự như câu châm ngôn hiện đại Đã được voi rồi còn đòi cả quản tượng.
Dự án thép Formosa, không cẩn thận lại biến Việt Nam mình thành một nơi chứa phế liệu khổng lồ.





Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Tác động của chính sách đối với giá hàng hoá

"Giá thực phẩm có xu hướng tăng trở lại trong 4 tháng gần đây. Giá thực phẩm bị đội giá do việc chính phủ kiểm soát chặt tải trọng vận chuyển của các phương tiện được coi là một nguyên nhân khiến thực phẩm tăng giá". (Nguồn: http://vneconomy.vn/20140624091813505P0C9920/lam-phat-6-thang-thap-nhat-trong-13-nam.htm)
http://hoptrandinh.blogspot.com/2014/05/chuyen-can-trong-tai-xe-va-nganh.html
 Xin nhắc lại: Việc cân trọng tải và kiểm soát trọng tải của phương tiện vận tải đường bộ là việc CẦN LÀM NGAY để chấn chỉnh tình trạng giao thông quốc gia và hạn chế việc chở hàng - phá đường đã diễn ra lâu nay.
Tuy nhiên, việc thực thi chính sách này sẽ tác động rất nhanh đến giá cả hàng hoá.


Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Bao năm tôi đã rời xa mẹ
Nắng gió bên đời nhẹ tựa mây
Bao năm mẹ đã về bên ấy
Xào xạc lá khô trẩy bên chiều

 

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Chuyện cân trọng tải xe và ngành logistics của Việt Nam mình

Chưa bao giờ chuyện giá cước vận tải đường bộ lại đột biến tăng mấy trăm phần trăm như giai đoạn tháng 3 - 4/2014. Cước vận tải hàng hoá đột ngột tăng trước sự ngỡ ngàng của các doanh nghiệp sản xuất cũng như các chủ doanh nghiệp vận tải. Tăng giá cước vận chuyển: Đây là giải pháp cuối cùng trong việc bảo toàn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải.
Tôi không bình luận việc cân xe là vì "xe chở quá tải cày nát mặt đường" vì việc này là của Bộ GTVT. Tuy vậy, thị trường luôn nhạy cảm với các chính sách quản lý nhà nước, khi các chính sách đó có thể tác động ngay lập tức đến nguồn thu của nhà vận tải. Việc đưa hoạt động quản lý trọng tải phương tiện vận chuyển là việc đúng, cần làm ngay. Tuy vậy, biến động thị trường do một chính sách kiểm soát cần được đánh giá đầy đủ, chi tiết và cẩn trọng.
Vận tải, nhà vận chuyển là đối tác có mặt hầu như vào các giai đoạn sản xuất của doanh nghiệp sản xuất. Các hoạt động logistics của doanh nghiệp hay của cả nền kinh tế thường có nhà vận tải tham gia. Vận tải tham gia đầy đủ vào các giai đoạn của logistics inbound và logistics outbound đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, trong hoạt động của mình, doanh nghiệp luôn quan tâm đến đối tác vận chuyển của họ.
Song, trên thực tế, với một doanh nghiệp, vận tải là một công đoạn của logistics. Nhà vận tải là đối tác logistics của doanh nghiệp. Phải coi việc vận tải là một phần quan trong trong chuỗi tạo ra giá trị của doanh nghiệp. Tương tự, một nền kinh tế, phải coi vận tải là đối tác của quá trình cung cấp giá trị cho chuỗi giá trị sản xuất của nền kinh tế.
Một tác động đột ngột lên cước vận tải sẽ kéo theo hệ luỵ là giá cả hàng hoá sẽ tăng lên bởi giá cước vận chuyển sẽ được nhà sản xuất tính vào giá bán sản phẩm. Qua đó, trực tiếp tác động đến các chỉ số kinh tế và sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Đã qua rồi thời kỳ của nhà vận tải door to door. Giờ là thời của JIT (Just in time). Vận tải được coi là chuỗi cung cấp giá trị tạo nên giá trị hàng hoá đối với người tiêu dùng.
Việc buộc các phương tiện vận tải/xe tải có trọng lượng lớn phải đi qua các trạm cân tại các địa phương có tuyến đường đi qua thì ... quá trình Just in time của doanh nghiệp sẽ bị tác động. Ví dụ, một xe chở container từ điểm bắt đầu quốc lộ 1A (Hữu nghị quan, Lạng Sơn) về đến thị trấn Năm Căn, Cà Mau thì phải đi qua 31 tỉnh thành trên cả nước. Với mỗi trạm cân, xe phải dừng lại ít nhất 10 phút thì tổng thời gian xe phải dừng để qua 31 trạm cân là 310 phút, tương đương với 5 tiếng, 17 phút. Đây là một khoảng thời gian hơn 1 buổi làm việc của doanh nghiệp. Việc chậm trễ này ai bị tác động?
Việc cân trọng tải xe sẽ tác động đến một ngành rất lớn của nền kinh tế nước mình, ngành logistics. Tác động này không chỉ là nội địa mà còn tác động đến vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà Việt Nam mình là một công đoạn.







Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Chữ nào cho đời?

 
Chữ nào cho đời?
Bạn tôi rủ rê tôi ghé qua phố Văn Miếu xin chữ, hắn hào hứng lắm nhưng lại bị tôi phang một câu phủ phàng: "Từ khi hết đại học, ông đọc được mấy cuốn sách?". Hắn ngập ngừng rồi thú nhận: "Cơm áo gạo tiền nó đeo vào đầu rồi, làm đếch gì còn thú đọc sách như hồi trẻ con". Thế là cuộc hẹn của tôi và hắn bị huỷ bỏ, hắn còn ới thêm "Tôi qua ông rồi làm tí cay cay cho đời thấy ngọt ngào". All right.
Cứ mỗi lần tết về, đi qua khu phố Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tôi lại nhớ đến bài thơ Ông Đồ của tác giả Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
«Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.»

Nhưng mỗi năm mỗi vắng.
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy.
Ngoài trời mưa bụi bay.

Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Trước tết, Hà Nội ra văn bản "quy hoạch" lại "phố Ông Đồ", người ta bắt các ông đồ đem lều chỏng, nghiêng bút vào ngồi trong khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám. Rộ được vài hôm, hẻo khách xin chữ, các ông đồ hiện đại lại dọn ra vỉa hè ngồi cho chữ. Những chữ ngoằn nghoèo, rồng rắn, long phượng, ngọ mùi cứ gọi là kỳ vĩ, ẩn dụ và nhuốm đầy khí kim tiền.
Ngày xưa, thời còn là xã hội phong kiến, nho học nổi lên như là một nét chính trong quản lý xã hội, nhiều người không được đi học chữ, một số ít người được đi học, thi đỗ đạt và làm quan, có địa vị trong xã hội. Đã đi học là phải có thầy dạy chữ. Xưa, học đâu có phải là Toán - Lý - Hoá - Sinh - Sử - Địa - ... như bây giờ mà chắc phải học mấy pho sách thánh hiền, viết chữ đẹp, gieo vần mấy câu đối, khai bút vài câu thơ, ngâm mấy bài vịnh, tính toán vài con số, dựng vài mưu đối nhân xử thế, kiến thức về luật pháp, lệ nước... Vậy là đỗ đạt, thế là thành quan. Thi mà làm thơ hợp ý vua quan thì đỗ đạt. Danh tiếng cả làng, cả họ.
Một vài người thầy dạy học trở thành Nhà Nho chứ không phải là thầy đồ. Thầy đồ chỉ là một phần rất nhỏ trong số lượng nhà nho/thầy giáo khi xưa. Những nhà nho được dân yêu mến, kính trọng là những người có trí tuệ, học thức, kiến thức cao. Họ có lối sống hợp với lòng dân, có đạo đức thanh sạch.
Xưa, mỗi độ xuân về, nhiều nhà mang con đến nhà thầy nho xin chữ. Cái chữ đi xin là chữ thể hiện ước vọng của bậc cha mẹ đặt hy vọng vào con cái. Xin được chữ rồi, lại được thầy giảng giải cho cái nghĩa, cái khí ẩn dụ trong chữ. Bộ chữ được viết ra có thể ẩn chứa trong đó cả cái lý, cái trí, cái nhân của người xưa. Không phải nhà nào đến xin thầy cũng cho chữ mà giai thoại với cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến là một hình mẫu về việc trọng người xin chữ.
Mấy năm trở lại đây, cứ dịp gần tết và đến hết rằm tháng Giêng, phố ông đồ ở Hà Nội lại đông nghẹt người đi mua chữ. Nhiều người coi đi mua chữ đầu năm là việc trọng đại, cần phải làm, mua được cái chữ là sung sướng lắm, lấy làm thoả chí rồi mang cái chữ về nhà, lồng khung kính đẹp trang trọng treo giữa phòng khách, ngắm nghía mãi không chán.
Không phải phần lớn những người đi xin chữ là theo trào lưu nhưng một bộ phận không nhỏ chẳng thể biết nghĩa của nét chữ mua được là gì. Quanh đi quẩn lại thì toàn chữ Lộc, Tài, Trí, Nhẫn, Phúc, Tâm...  Nay thì thêm cả thư pháp viết bằng tiếng Việt Quốc ngữ. Cứ nhìn vào chữ quốc ngữ theo kiểu thư pháp, vặn cổ nghiêng mình mãi mới đọc được. Hãi hết cả mắt. Cách đây độ bảy tám năm, hồi vợ tôi còn làm việc ở một hãng sản xuất máy in, một hôm vợ tôi hồ hỡi khoe "Anh thấy chưa, máy in công ty em giỏi cực, in được cả chữ thư pháp trên giấy dó". Tôi gật đầu, tài thật, tài thật. Mà đúng là cái máy in đó in được thật, nhìn xa cứ như viết ra bằng nét cọ bút lông.
Thời nay, có ai đi xin chữ mà biết gốc tích các ông đồ ngồi vỉa hè đấy chăng? Liệu rằng, người đang viết chữ kia có được trọng vọng, tài dày, đức cao, con cái gia đình thuận hoà như những bậc nho gia đời xưa. Liệu có ông đồ, bà đồ nào ở vỉa hè kia lại nỡ từ chối người mua chữ khi nhìn cái dáng, cái hình người mua chữ khó có thể xứng với nghĩa cái chữ sẽ viết ra. Tôi đã chứng kiến một ông đồ, khi tôi hỏi mua chữ Kiên thì ông phải lọ mọ tìm trên cái iPad mới cóng, một hồi sau lại bảo chữ Kiên này không có trong từ điển. Hình như, mỗi độ dứt đông xuân về, đoạn phố Văn Miếu Quốc Tử Giám lại trở thành cái chợ mua - bán cái chữ, thứ mà người ta hay vinh doanh nó là "một nét văn hoá đáng trân trọng của dân tộc". Cũng chả trách các ông đồ, bà đồ ngồi đó, với họ, chữ nghĩa thì cũng phải kiếm sống trước đã, đúng như câu "có thực mới vực được đạo".
Ngày xưa, cái chữ được thỉnh về nó chứa đầy ẩn ý, ước vọng và thành kính. Một tục lệ, một nét chấm phá cho mùa xuân càng thêm ý nghĩa. Nay, mấy câu thơ:
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy.
Ngoài trời mưa bụi bay.
Có lẽ, không còn hợp nữa. Già - trẻ - gái - trai - váy ngắn - chân dài cứ nườm nượp đòi mua chữ. Có đứa còn ngồi vắt vẻo trên xe máy, phì phèo thuốc lá, lôi trong túi cái xì mát phôn ra dí vào mặt ông đồ rồi thét "Lão viết cho chữ lày, lăm chục nhá". Vãi thật.

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Những con đường của Tết


Tôi gần bốn mươi, cái tuổi của phảng phất hoài ước cổ và nhăm nhe thay đổi trước bao biến đổi của cuộc đời. Cả phần tuổi thơ tôi gắn liền với những cái tết ở miền quê, những cái tết vẫn còn đọng lại trong ký ức và vẫn đi qua trong những giấc mơ.
Nhiều người vẫn tự vấn và thốt lên rằng, tết nay chán quá, buồn quá, không như ngày xưa nữa. Họ buồn, họ vấn vương cho những gì đã mất và sắp đi qua cuộc đời họ bởi, nhiều người không còn giữ được chút hồn quê nhà, không còn hương vị tết xưa cũ. Đừng hỏi bọn trẻ tại sao lại coi cái tết như một kỳ nghỉ bởi chính cha mẹ bọn trẻ đã sớm rũ bỏ đi hồn cốt của chính mình. Ai đời, người lớn lên từ quê lại không thể gói được cái bánh chưng để dâng lên tiên tổ; họ không làm nổi một hũ dưa hành để tạo nên một món ăn đoàn tụ. Tết với họ, là ra đi, là nghỉ ngơi và tận hưởng. Họ đã thế và con trẻ sẽ làm theo cách của họ. Tôi đã đọc được đâu đó rằng, trẻ con, chúng chẳng bao giờ nghe lời người lớn nói mà chỉ làm theo những gì người lớn làm.
Tết quê, khi đám cải ngoài vườn bắt đầu trổ hoa, mẹ lại tất tảo đi về. Nhiều khi mẹ cứ lẩm bẩm, "răng mà nhanh rứa hè, chạp lại về rồi". Đó là những ngày bọn trẻ chúng tôi chuẩn bị đón tết. Tết với chúng tôi, chẳng phải là tấm áo mới hay miếng ăn ngon mà là tết của những trò chơi, của những lễ tục mà chúng tôi được tham gia.
Cứ sau rằm tháng chạp, người quê lại bắt đầu dựng cổng chào đầu ngõ. Cái cổng chào bằng mấy cây gỗ và được trang trí bằng rơm, lá thông, lá bạch đàn, có khi còn là lá dương xỉ. Tụi trẻ bọn tôi được tham gia hái lá, leo trèo, đứa nào đứa nấy hò hét ầm ĩ cả đường quê. Sau cổng chào là làm lại đường làng, quyét vôi các gốc cây, ngõ nhà, bờ rào. Chỉ sao một ngày, cả làng quê trở nên thơm mới lạ thường, con đường làng cả năm nhão nhoét thế mà trở nên cứng cáp, láng mịn tinh tươm. Tụi trẻ chúng tôi cứ ước chi khi lớn lên sẽ đổ nhựa con đường làng để đi học không bị trơn trượt.
Người quê hay chờ tết, chứ không phải đón tết. Họ dọn vén đường, ngõ, làm cổng làng để chờ tết, đó là cả một cuộc chờ đợi dài nhất trong năm. Chờ đợi của niềm hy vọng, của sự sẽ chia, của đoàn tụ và sum vầy. Những người con xa quê, dù có bộn bề đến đâu cũng vội vã trở về cho kịp bữa cơm chiều ba mươi. Tôi lớn lên, đi làm ở một doanh nghiệp vận tải, có năm, cái rét căm căm cuối chạp vẫn lao theo những chuyến hàng, những chuyến tàu biển cho kịp tiến độ. Đó là chiều ba mươi tôi được chờ đón. Những chuyến thiết bị cuối năm được giao xong đó là lúc tiếng gà rúc về chuồng, bọn chúng tôi ào ào dẫn cả đoàn xe đầu kéo về nhà để đón chiều cuối năm. Lúc đó cũng đã chẳng là chiều, đó là gần khuya 10 giờ tối. Bọn tôi cả gần trăm người lao về nhà, trong đêm tối qua ánh đèn pha, tôi thấy hình bóng của mẹ đứng cầm chiếc đèn pin đứng chờ ở trước ngõ. Tôi về, mẹ khóc. Mẹ thương chúng tôi vất vả cả năm nên vẫn chờ con về. Con về, kéo theo cả đàn con đồng nghiệp. Đó là một bữa tất niên, đó là một đêm giao thừa không thể quên. Đêm giao thừa của những đứa con xa nhà, đêm của đoàn tụ ngắn ngủi để chuẩn bị cho ra đi đón chào năm mới. Năm đó, chúng tôi trắng đêm trên bến cảng, trên công trường.
Chờ tết không chỉ chờ mong người dương gian mà còn chờ đón những người đã khuất. Quê nhà, cứ bận sau ông công ông táo là lại ra nghĩa trang, nghĩa địa vun vén lại mộ phần, dâng mấy tâm nhang gửi cho những người đã khuất. Ai cũng mong muốn mời được người thân đã mất sớm về nhà đón tết. Con đường từ một phần về nhà là con đường thân thuộc. Ba mươi tết, đó là ngày vĩ đại nhất mà tôi từng thấy trên cuộc đời này. Bữa cơm chiều ba mươi tràn ngập yêu thương và yên bình. Đó là ngày đoàn tụ, ngày chuẩn bị cho lễ Giao thừa - lễ lúc âm dương giao hoà, trời đất giao thời. Chiều ba mươi, quê tôi vẫn thi thoảng nghe tiếng mẹ già nhà ai đó nức nỡ xót xa, cánh cổng nhà vẫn mở và dáng mẹ gầy ngồi bên bậu cửa ngón con về. Con của các mẹ chẳng đi xa nhưng cũng chẳng gần, các con ở trong con tim của mẹ, họ là những người lính đã hy sinh trong cuộc chiến giữ đất cho dân tộc. Họ đã ra đi, đi mãi, họ trở về với đất của làng quê, về bên các mẹ nhưng cứ xa vời vợi. Xưa, bà nội tôi hay khóc trong chiều ba mươi, bà nức nở đến nghẹn ngào. Cứ thấy đứa con cháu nào về là bà lại nhớ, nỗi nhớ xót xa và ngóng đợi. Đêm ba mươi, bà không bao giờ ngủ, chỉ ngồi cửa ngóng đợi con về. Có người mẹ nào như bà nội tôi, gần 70 năm vẫn cứ đợi con về. Chú tôi, mang tên mình là liệt sỹ.
Tết giờ đã khác, ai không nhớ hai con đường trở về thì tết chẳng còn, sẽ là bơ vơ và không tìm thấy con đường trở về cho chính cuộc đời mình.

Món dưa cà hồn quê

Đi từ nam chí bắc của đất nước mình, ở đâu bà con đồng bào cũng có món dưa muối ngon miệng. Bà con muối đủ thứ như cà, cải bẹ, dưa chuột, củ cải, cà rốt, su hào, giá đỗ, bắp cải... Hầu như, các mẹ các chị ở quê ai cũng biết làm món dưa muối. Quê tôi, miền trung nắng gió, cứ mùa hè về là có món dưa hấu xanh muối ngon tuyệt. Người quê, không phải ai cũng muối dưa cà ngon, có người mát tay tốt vía thì ang/vại dưa cà đủ ngon và thơm đượm. Những người xấu vía, ác đức thì muối vại dưa muối trở nên khắm khú, kể cả họ cho tay vào lấy ra cũng làm cho cả vại trở nên hỏng. Quê nhà, cứ tết về là mẹ lại muối vại dưa cả vàng ruộm, chua chua mằn mặn để nấu canh chua hoặc dầm với tỏi, ớt, gừng, hạt tiêu, nước mắm lại trở thành món ăn đơn giản nhưng lại khó quên. Tôi đi nhiều, xa nhà lâu nhưng trong giấc mơ vẫn mơ về nồi canh chua mẹ nấu. Mà lạ, quê nhà, giữa mùa hè nóng nực mà ai cũng thích được húp bát canh chua nóng sốt. Bố hay bảo, làm bát canh của mẹ lại tỉnh cả người, mát cả bụng.
Tết này, bạn tôi biếu lọ dưa của kiệu muối. Mà năm nào hắn cũng chuẩn bị cho tôi một hũ. Hắn bảo, ăn đi, ăn dần để hồn quê còn mãi, để vấn vương đất nhà cằn khô nhưng đẫm tình người. Tết về quê, đến nhà bạn cũ, vợ bạn cứ bảo chồng, anh giữ bạn lại ăn bát cơm với canh chua cho ấm bụng rồi về. Chợt vui buồn lẫn lộn, vời vợi nhớ bát canh chua của mẹ.
Hà Nội mênh mông người với những đại siêu thị và minimart, gần tết, nhiều cô nhiều bà ào ra siêu thì hộc tốc mua vài hộp kim chi của xứ Triều Tiên, ăn vào xuýt xoa khen ngon tuyệt. Cũng lạ, xứ họ có mỗi của cải và bắp cải muối rồi cho thêm tí ớt vào nữa là thành đặc sản. Họ tài, họ làm thương hiệu Kim chi ra cả toàn cầu. Mấy bà, mấy cô ở thành phố nước mình, cứ tấm tắc khen ngon, nước mắt nước mũi dàn dụi khi vừa ăn kim chi vừa xem phim tình cảm dài tập của Hàn Quốc phát trên ti vi kênh dành cho các bà nội trợ và giúp việc. Chả biết họ chảy mũi vì cay hay vì thương cảm cho thân phận cuộc đời trên phim?!
Tết này, nhà đã vắng đi hũ dưa hành của kiệu, thiếu đĩa dưa cà muối mà thay vào đó là mấy hộp kim chi ngầy ngậy, đỏ áu và mùi vị thì khắm khú dị thường. Cái tủ lạnh đã bắt đầu bốc mùi kim chi khú lên rồi.
Tết về, mênh mang, man mác nỗi nhớ phong vị quê nhà, hương vị tết của dân tộc. Tết về, dơm dớp mùi bia nhập khẩu, rượu tây có mười mấy năm tuổi, đĩa trái cây xuất xứ từ âu mỹ và đĩa kim chi. Tết còn đâu vị quê hương, vị bản địa nơi đất ở.
Các bà, các mẹ hỡi ơi, bên cạnh đầu tư cho con gái nhiều kiến thức, bằng cấp thì cầm tay, chỉ việc cho các con giữ lấy nét xưa của dân tộc. Một hũ dưa cà muối cũng đủ níu kéo hồn cốt con cái trở về với mái nhà đầm ấm.
Các cô, các chị, hãy đừng vì địa vị, làm giàu hay tốn thời gian cho thẩm mỹ viện để làm đẹp mà quên đi cách muối một hũ dưa cà. Nồng đượm của hạnh phúc gia đình, sự đoàn tụ của các con và chồng chỉ có thể ở mâm cơm ngày tết, trong tiết háo hức của bữa cơm tất niên chiều ba mươi.

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Có cha bên đời

Hôm qua bố gọi điện, thông báo mấy việc linh tinh liên quan đến đám cưới cu em và cả chuyện chuẩn bị cho cái tết. Một hồi, bố trầm ngâm rồi nói "Rứa mà cũng đã 3 cái tết rồi". Có điều gì đó trong tôi vỡ oà theo những giọt nước mắt. Bố như người bạn lớn của tôi, từ bé đến lớn, bố và tôi lúc nào cũng sinh sống cách nhau một khoảng không gian khá xa nhưng ông luôn là người để tôi trò chuyện.
Ngày đầu đi biển, ông dặn "Lớn rồi, đi ra biển để thấy mình bé nhỏ và vững chãi hơn".