Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Chữ nào cho đời?

 
Chữ nào cho đời?
Bạn tôi rủ rê tôi ghé qua phố Văn Miếu xin chữ, hắn hào hứng lắm nhưng lại bị tôi phang một câu phủ phàng: "Từ khi hết đại học, ông đọc được mấy cuốn sách?". Hắn ngập ngừng rồi thú nhận: "Cơm áo gạo tiền nó đeo vào đầu rồi, làm đếch gì còn thú đọc sách như hồi trẻ con". Thế là cuộc hẹn của tôi và hắn bị huỷ bỏ, hắn còn ới thêm "Tôi qua ông rồi làm tí cay cay cho đời thấy ngọt ngào". All right.
Cứ mỗi lần tết về, đi qua khu phố Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tôi lại nhớ đến bài thơ Ông Đồ của tác giả Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
«Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.»

Nhưng mỗi năm mỗi vắng.
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy.
Ngoài trời mưa bụi bay.

Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Trước tết, Hà Nội ra văn bản "quy hoạch" lại "phố Ông Đồ", người ta bắt các ông đồ đem lều chỏng, nghiêng bút vào ngồi trong khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám. Rộ được vài hôm, hẻo khách xin chữ, các ông đồ hiện đại lại dọn ra vỉa hè ngồi cho chữ. Những chữ ngoằn nghoèo, rồng rắn, long phượng, ngọ mùi cứ gọi là kỳ vĩ, ẩn dụ và nhuốm đầy khí kim tiền.
Ngày xưa, thời còn là xã hội phong kiến, nho học nổi lên như là một nét chính trong quản lý xã hội, nhiều người không được đi học chữ, một số ít người được đi học, thi đỗ đạt và làm quan, có địa vị trong xã hội. Đã đi học là phải có thầy dạy chữ. Xưa, học đâu có phải là Toán - Lý - Hoá - Sinh - Sử - Địa - ... như bây giờ mà chắc phải học mấy pho sách thánh hiền, viết chữ đẹp, gieo vần mấy câu đối, khai bút vài câu thơ, ngâm mấy bài vịnh, tính toán vài con số, dựng vài mưu đối nhân xử thế, kiến thức về luật pháp, lệ nước... Vậy là đỗ đạt, thế là thành quan. Thi mà làm thơ hợp ý vua quan thì đỗ đạt. Danh tiếng cả làng, cả họ.
Một vài người thầy dạy học trở thành Nhà Nho chứ không phải là thầy đồ. Thầy đồ chỉ là một phần rất nhỏ trong số lượng nhà nho/thầy giáo khi xưa. Những nhà nho được dân yêu mến, kính trọng là những người có trí tuệ, học thức, kiến thức cao. Họ có lối sống hợp với lòng dân, có đạo đức thanh sạch.
Xưa, mỗi độ xuân về, nhiều nhà mang con đến nhà thầy nho xin chữ. Cái chữ đi xin là chữ thể hiện ước vọng của bậc cha mẹ đặt hy vọng vào con cái. Xin được chữ rồi, lại được thầy giảng giải cho cái nghĩa, cái khí ẩn dụ trong chữ. Bộ chữ được viết ra có thể ẩn chứa trong đó cả cái lý, cái trí, cái nhân của người xưa. Không phải nhà nào đến xin thầy cũng cho chữ mà giai thoại với cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến là một hình mẫu về việc trọng người xin chữ.
Mấy năm trở lại đây, cứ dịp gần tết và đến hết rằm tháng Giêng, phố ông đồ ở Hà Nội lại đông nghẹt người đi mua chữ. Nhiều người coi đi mua chữ đầu năm là việc trọng đại, cần phải làm, mua được cái chữ là sung sướng lắm, lấy làm thoả chí rồi mang cái chữ về nhà, lồng khung kính đẹp trang trọng treo giữa phòng khách, ngắm nghía mãi không chán.
Không phải phần lớn những người đi xin chữ là theo trào lưu nhưng một bộ phận không nhỏ chẳng thể biết nghĩa của nét chữ mua được là gì. Quanh đi quẩn lại thì toàn chữ Lộc, Tài, Trí, Nhẫn, Phúc, Tâm...  Nay thì thêm cả thư pháp viết bằng tiếng Việt Quốc ngữ. Cứ nhìn vào chữ quốc ngữ theo kiểu thư pháp, vặn cổ nghiêng mình mãi mới đọc được. Hãi hết cả mắt. Cách đây độ bảy tám năm, hồi vợ tôi còn làm việc ở một hãng sản xuất máy in, một hôm vợ tôi hồ hỡi khoe "Anh thấy chưa, máy in công ty em giỏi cực, in được cả chữ thư pháp trên giấy dó". Tôi gật đầu, tài thật, tài thật. Mà đúng là cái máy in đó in được thật, nhìn xa cứ như viết ra bằng nét cọ bút lông.
Thời nay, có ai đi xin chữ mà biết gốc tích các ông đồ ngồi vỉa hè đấy chăng? Liệu rằng, người đang viết chữ kia có được trọng vọng, tài dày, đức cao, con cái gia đình thuận hoà như những bậc nho gia đời xưa. Liệu có ông đồ, bà đồ nào ở vỉa hè kia lại nỡ từ chối người mua chữ khi nhìn cái dáng, cái hình người mua chữ khó có thể xứng với nghĩa cái chữ sẽ viết ra. Tôi đã chứng kiến một ông đồ, khi tôi hỏi mua chữ Kiên thì ông phải lọ mọ tìm trên cái iPad mới cóng, một hồi sau lại bảo chữ Kiên này không có trong từ điển. Hình như, mỗi độ dứt đông xuân về, đoạn phố Văn Miếu Quốc Tử Giám lại trở thành cái chợ mua - bán cái chữ, thứ mà người ta hay vinh doanh nó là "một nét văn hoá đáng trân trọng của dân tộc". Cũng chả trách các ông đồ, bà đồ ngồi đó, với họ, chữ nghĩa thì cũng phải kiếm sống trước đã, đúng như câu "có thực mới vực được đạo".
Ngày xưa, cái chữ được thỉnh về nó chứa đầy ẩn ý, ước vọng và thành kính. Một tục lệ, một nét chấm phá cho mùa xuân càng thêm ý nghĩa. Nay, mấy câu thơ:
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy.
Ngoài trời mưa bụi bay.
Có lẽ, không còn hợp nữa. Già - trẻ - gái - trai - váy ngắn - chân dài cứ nườm nượp đòi mua chữ. Có đứa còn ngồi vắt vẻo trên xe máy, phì phèo thuốc lá, lôi trong túi cái xì mát phôn ra dí vào mặt ông đồ rồi thét "Lão viết cho chữ lày, lăm chục nhá". Vãi thật.

Không có nhận xét nào: