Với khách hàng có sử dụng thẻ tín dụng quốc tế, Uber là một phương thức thanh toán mới để phục vụ cho nhu cầu đi lại. Ngoài việc sử dụng dịch vụ và thanh toán qua POS, internet, giao dịch MOTO thì sử dụng Uber tạo thêm cơ hội thuận lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, có nhiều rủi ro chưa lường trước được đối với phương thức này.
Với Uber, đây là một công cụ "môi giới" dịch vụ đứng giữa người có nhu cầu đi lại và người có xe hơi. Thay vì phải gọi đến hãng taxi, người có điện thoại thông mình hoặc các thiết bị kết nối mạng khác, đăng ký một user trên Uber và điều kiện cần có là thông tin về thẻ tín dụng. Khi muốn đi lại, chỉ cần đăng ký điểm đi, điểm đến, Uber sẽ tự động liên kết với "tài xế" gần nhất, tính cước và quãng đường cần thiết. Tiền cước phí sẽ được thanh toán tự động qua thẻ tín dụng quốc tế, tài xế hưởng lợi từ thu phí, Uber hưởng hoa hồng môi giới.
Trên thế giới, Uber phát triển rất nhanh, trở thành một phương thức vận tải mới cạnh tranh trực tiếp đến quyền lợi của các hãng taxi. Nhiều quốc gia đã chấp nhận hình thức kinh doanh này nhưng cũng có nhiều nước, đang lưỡng lự trước sự phát triển ồ ạt của Uber. Thực chất, khi hình thức này về đến Việt Nam, nhiều người cứ nghĩ đó là hình thức thanh toán cước dịch vụ taxi nên còn nhiều tranh cãi và vướng các thủ tục pháp lý. Song, theo tôi, Uber là hình thức môi giới trong kinh doanh, là một hình thức vận tải mới tại các đô thị, nó hoàn toàn không chỉ là áp dụng đối với hình thức taxi, tỷ như một dạng thức của forwarder mới trong dịch vụ vận tải.
Nhiều người cho rằng nó trái luật vì chưa có quy định để quản lý. Song, dưới góc nhìn của hình thức lập pháp hiện hành, luật chỉ cấm những gì không được làm, nếu không có trong danh mục cấm, sẽ được làm. Với góc nhìn pháp lý theo hình thức vận tải hành khách thì phương thức uber có nhiều vấn đề pháp lý cần làm rõ, song, như Bộ trưởng Bộ GTVT đã phát biểu " “Rõ ràng là loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông
thường, người dân thấy lợi nhờ sử dụng dịch vụ này. Trên thế giới người
ta đã ứng dụng rồi, vậy tại sao ta không làm”
Với góc độ ngân hàng, đây là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khá thuận tiện và hiện đại đối với người sử dụng thẻ tín dụng. Với một thị trường có có thói quen truyền thống khi sử dụng tiền mặt trong thanh toán thì việc không dùng tiền mặt sẽ tốt hơn. Vấn đề ở chỗ, ngân hàng phát hành thẻ tín dụng sẽ phải tính phí dịch vụ "công cụ thanh toán" đối với Uber như thế nào?
Rõ ràng, Uber đang là một phương thức thanh toán mới có mức phí rẻ hơn dịch vụ taxi hiện có trên thị trường, người dân cảm thấy có lợi hơn. Nên chăng, sớm có hành lang pháp lý cho dịch vụ này và sớm có quy định cụ thể để tạo điều kiện cho cạnh tranh trên thị trường, tránh trường hợp, chưa rõ, chưa biết, chưa có quy định thì cấm. Thực trạng gần đây, một số tin đồn cho rằng, sẽ cấm bán hàng qua mạng vì không đăng ký giao dịch thương mại điện tử. Cấm vậy, nhưng, nhiều giao dịch vẫn nhan nhản trên mạng. Hay như các phần mềm OTT trên mạng di động, trước mới ra, các nhà mạng vô cùng phản đối, cuối cùng, buộc phải chấp nhận một sự thật tồn tại của dịch vụ OTT và phải nhanh chóng đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra nhiều tiện ích hơn cho khách hàng. Đó mới là cạnh tranh.
Vậy nên, các nhà làm luật, nhà quản lý cần sớm có quy định rõ ràng về Uber. Chúng ta, không chỉ cạnh tranh ở trong nước mà chúng ta đang đối mặt với sự cạnh tranh trên toàn cầu bởi thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn, rộng hơn, và thị trường ngày càng hẹp hơn với các dịch vụ mang tính "hơi hướng độc quyền".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét