Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Đàn bà là ai?


Đàn bà là gì? Đàn bà là ai? Họ từ đâu đến? Tại sao đàn ông cần có đàn bà?
Ngoài những vẻ đẹp tựa hằng nga trăng sao, như hoa hồng hoa huệ, như tuyết như châu, như gương như hồ, sánh với tuyết, so với ngọc, như liễu như mây, ... mà các văn hào đã mô tả. Tỷ như thằng Romeo yêu cuồng say nàng Juliet - của đại văn hào William Shakespeare quê gốc nước Anh thế kỷ 15 – cuối cùng cả hai cùng tự sát mà chết. Một tình yêu dẫn đến chết chóc thế mà sách văn học nước nhà dạy cho bọn nhóc teen teen tình yêu kiểu đó là tình yêu đẹp, một tình yêu kinh điển, dám chấp nhận và đòi thay đổi quan điểm nam – nữ của xã hội độc tài nước Ý.
Lạy chúa lòng lành, tình yêu mà có tí chết chóc là đẹp? Chúa tha tội cho con, cả thời trẻ trai của con yêu loạn xạ thế mà có đứa nào chết đâu. Bọn con gái quả là … cao cường.
Đến thời Đại thi hào Nguyễn Du, thời thế kỷ 18, cụ có làm thiên thơ thể lục bát gồm 3254 câu bằng chữ Nôm. Ngày này học sinh phổ thông ngâm nga đọc “Đầu lòng hai ả Tố Nga, Thuý Kiều là chị em là Thuý Vân”. Bộ Truyện kiều này cho đến nay vẫn được coi là truyện thơ kinh điển của Văn học Việt Nam. Thơ mô tả chị em nhà Kiều đẹp “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Khủng khiếp thay, thằng Kim Trọng vừa nhác thấy chị em Kiều trong tiết thanh minh đã trúng ngay tiếng sét ái tình, ngất luôn, về nhà dốc toàn ngân kim đi thuê cái lều cạnh nhà họ Vương. Truyện thơ kể cuộc đời của Kiều chị, đẹp long lanh, nhưng tài mệnh đá nhau, Kiều phải đi làm lẽ, làm gái bao lầu xanh, đòi tự tử, làm cho thằng Từ Hải chết đứng, gặp gã sở khanh Thúc Sinh đến nổi thằng này có vợ là Hoạn Thư, con nhà quan, giầu có, vẫn đem lòng yêu Kiều (đến nay vẫn có nhiều thằng đem lòng yêu cave đòi lấy về làm vợ), cô vợ Hoạn Thư biết được, cao thủ trừng trị tình yêu chớm nở chết yểu . Còn cô em Thuý Vân thì ung dung sống với Kim Trọng, hai đứa sau này có cuộc sống thế nào thì sách không dẫn. Chắc là thằng Kim Trọng cũng sống trong cảnh bi ai mà thôi vì có đoạn mô tả Trọng đi tìm Kiều như thế này:
Vật mình vẫy gió tuôn mưa,
Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai.
Đau đòi đoạn ngất đòi thôi,
Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê
Có tin đồn cho rằng, sau khi Trọng đi, cô em phát hiện được nên đuổi thằng Trọng ra khỏi nhà, Vân ôm con về nhà ngoại ở, bán căn nhà mặt phố được kha khá nên đem đến toà chuộc cha và em trai về.
Những câu hỏi miên viễn không lời giải đáp. Giỏi như Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu cũng đủ trình giải được Bổ đề cơ bản Langlands nhưng Giáo sư cũng đã có vợ và con gái. Siêu thi sĩ như cụ Tú Xương đã từng thốt lên
“Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà”.
Theo ý của cụ, đàn bà là một trong ba thứ lăng nhăng?! Quả là khủng khiếp.
Lần lại sách cũ của bậc thánh nhân, tiên nho, đại sư, thánh kinh thì cũng tìm được mấy bài kinh điển về đàn bà, tuyệt nhiên, toàn do đàn ông chấp bút viết ra.
Trong tập Văn Hư Lục của Thiền sư Hoàng đế Trần Nhân Tông, ngài có bài kệ trong phần Văn giới sắc:
Má trắng môi son điểm phấn hồng,
Nhìn rồi đưa mắt ý mơ mòng.
Chẳng qua một túi da nhơ bẩn,
Cắt đứt ruột người chẳng tốn công.
(Tai nhược mai hương kiển nhị đào,
Kiến chỉ mục tống ý đao đao.
Đô lô nhất đại cơ bì xú,
Ám đoạn nhân trường bất dụng đao).
Ngài còn giảng thêm “Ôi! Lưng ong tóc mượt, hay khiến tính hoặc tâm mê. Sắc én mày ngài, đưa đến hồn phiêu phách lạc. Mắt đưa đẩy con dao không liếc ai chẳng nát lòng, lưỡi rung rinh một ống sáo diều, hết đều ngây ngất. Kẻ mê say đoạn nghĩa thày bạn; người tham đắm đức mất đạo tan. Trên mà phong giáo chẳng còn, dướt tất khuê môn rối loạn. ...... Người chẳng đắm được 5 thần thông, kẻ đam trước mất phần giới hạnh.”
Cứ xem lời giảng của ngài mà thấy kinh khiếp đàn bà, ngài dùng toàn tính từ nặng như doping “tâm mê, hồn phiêu phách lạc, nát lòng, ngây ngất, đoạn nghĩa, đạo tan, phấn hồng, mơ mòng, da nhơ bẩn, tốn công…”. Quả là xứng tầm bậc chân tu. Đàn ông thời nay ít người thoát được mấy tính từ ngài đã dạy. Hỡi ôi.
Theo Sách Sáng thế của kinh thánh thì đàn bà được tạo nên bởi mẫu xương sườn của tên Adam. Tên này được chúa sinh ra, chơi một mình nên buồn quá, kêu la dữ tợn kiểu như công tử bột thời nay đòi tiền bố mẹ để mua quà cho gái nhân dịp 8/3, chúa chiều quý tử nên tạo nên nàng Eva (nghe cái tên đã sếch xờ xi rồi). Hai đứa này mắt không mở được, mò mẫm chơi trong vườn táo, gặp ngay con rắn nghịch ngợm, nó xui ăn quả táo và được mở mắt. Mở ra, hai đứa thấy mình trần như nhộng, chạy toán loạn. Chúa biết được, sai bắt hai đứa phải đau khổ vì yêu nhau, có đoạn phán của chúa thế này “Ta sẽ làm cho mày chịu nhiều đau khổ lúc thai nghén. Mày sẽ phải đau đớn khi sinh con, mày sẽ phải quỵ luỵ chồng mày và chồng mày sẽ làm chủ mày”.
Đến kinh thánh còn kỳ thị đàn bà ghê đến thế huống hồ chi đàn ông thời nay. Chúa đúng là vĩ đại, anh minh. Ngài ở trên cao thế mà vẫn phát hiện được nàng Eva ăn vặt trong giờ học.
Hết Tây Ta kim cổ rồi, đọc sánh thánh hiền, tiên nho xưa của Thánh Khổng Tử tiên nhân, sách Luận ngữ - Thiên Dương Hoá có dẫn “đàn bà nan dưỡng”, dịch nôm na là “đàn bà khó dạy. Nguyên văn thế này: “Duy nữ tử dữ tiểu nhân, vị nan dưỡng dã. Cận chi tắc bất tốn, viễn dữ tắc oán”. Nhiều nhà hán học, nho học, … cao thủ dịch thuật dịch phiên tiếng quốc ngữ là “Đàn bà với tiểu nhân là khó nuôi dưỡng lắm. Ở gần thì họ khinh nhờn, ở xa thì họ oán hận”.
May cho đức Khổng Tử, thời đó, phong kiến hủ tục, đàn bà con gái không được đi học nên khi giảng bài này, toàn bọn nam sinh ngồi nghe. Bọn này lít nhít tập yêu, có đứa rồi sẽ như thằng Romeo, như thằng Trọng của cụ Nguyễn Du, như thằng Từ Hải vì yêu cô Kiều rồi chết đứng mà thôi, chí ít thì cũng có cuộc đời bi hài như tên Adam của chúa trời. Nay, cụ Khổng nếu còn sống, nếu mà giảng thế, tụi đàn bà con gái lại nhao nhao phê phán là "trọng nam khinh nữ".
Đại văn hào Victo Hugo đã viết rằng: “Ai cũng có thể tin, cái gì cũng có thể tin, trừ đàn bà. Khi đàn bà là thiên thần thì họ là người tuyệt vời nhất, hấp dẫn nhất. Nhưng khi đàn bà là quỷ dữ thì họ trở nên nguy hiểm nhất". Khủng khiếp thật.
Dẫn sách kim cổ cũng chỉ để trả lời câu hỏi đàn bà là gì? Các bậc tài nhân xưa nay, cứ viết về đàn bà là có cái kết bi tráng dã man, chuyện nào chuyện nấy đều để lại huyền thoại, cổ tích, áng văn cho đời sau học tập, nghiên cứu, tìm hiểu. Quả là tiền bối ưu minh vô đối. Ngoại trừ thiền sư Trần Nhân Tông và đức Khổng Tử nói về đàn bà chung chung, không rõ tuổi nào, còn văn hào W. Shakespeare mô tả Juliet đang độ tuổi chớm yêu cùng tuổi thằng Romeo, đại thi hào Nguyễn Du mô tả chị em nhà Kiều cũng tầm tuổi đó, còn Kinh thánh thì cho rằng, gã Adam và nàng Eva chỉ tầm mức khoảng 16 – 18 tuổi. Nhóm yêu này khi yêu nhau thì thật là khủng khiếp, người lớn bảo luôn không chịu nghe. Cha mẹ dạy “Cá không ăn muối cá ươn” thì chúng bảo “Con cho đông cứng trong ngăn đá rồi”. Đúng là thế hệ nay sống sung túc thật. Đặc biệt là bọn con gái, yêu đương trao cả mãnh liệt, khi lỡ mang bầu thì âm thầm đi thẳng vào phòng khám tư, nơi có treo cái bảng tổ chảng “Nạo hút thai”.
Tình yêu của đàn bà thời cổ kim luôn đẫm đầy nước mắt nhưng tuyệt hay, thiên hạ ngày đêm học, có khi còn đem vào cả đề thi đại học cấp quốc gia dành cho bọn teen teen mới xong tú tài.
Trở lại câu hỏi, đàn bà là gì?
Nước Việt mình có vẻ văn minh hơn, tình yêu lại nhân văn đẫm đầy nghĩa tình hơn kiểu như Tiên Dung – Chử Đồng Tử. Trong “Tứ bất tử” của văn hoá Việt, có đến 2 thánh là nữ giới, gồm Tiên Dung – Chử Đồng Từ và Thánh mẫu Liễu Hạnh (còn gọi là Mẫu Thượng Thiên). Xa xua, phụ nữ nước Việt đẫm đầy nhân ái, tảo tần, bao dung, yêu thương đồng bào… nên được người đời phong Thánh.
Về nàng Tiên Dung, tương truyền cổ tích kể rằng: đời vua Hùng thứ 18, thời Hùng Duệ Vương, có nàng công chúa dung nhan đẹp như tiên, hiếu thảo nết na, dịu dàng e lệ nên được gọi tên là Tiên Dung. Nàng Tiên Dung suốt ngày chơi trong cung cấm nên đòi ra ngoài thành chơi. Ngày nọ, đi đến một bãi sông, quân lính theo hầu không can được nàng lội ra doi cát bên sông chơi, bất ngờ gặp ngay chàng Chử Đồng Tử. Chàng họ Chử không bản quán, nghèo rớt mùng tơi, có mỗi chiếc khố cha để lại làm hồi môn.  Hôm đó đang trần như nhộng đánh cá ven sông thì gặp ngay công chúa, vội vàng lẫn ngay vào trong cát, vùi mình dưới cát để trốn.
Lại nói về công chúa Tiên Dung, khi rong chơi cùng đội thị nữ, thấy xa làng mạc, vắng người liền kêu lính quây màn để tắm. Đang tắm, nước dội dần cát, lộ ra chàng Chử, trần truồng y chang nàng Tiên Dung. Hai người e then ngỡ ngàng bàng hoàng nao núng với hoàn cảnh trớ trêu. May sao, nàng Tiên Dung con dòng dõi vua chúa nên mau ý lấy chiếc khăn cho chàng Chử quấn mình. Hai người yêu nhau từ đó. Quả là tình yêu cao cả, siêu thoát cõi trần.
Ngày nay, nhiều bọn con gái cứ chụp ảnh trần truồng tắm, không cần che chắn gì, tung lên mạng toàn cầu cho thiên hạ rửa mắt. Đúng là một bọn … tham khoe, chả chịu học hỏi gì từ truyền thuyết cổ tích. Ẩu thế không biết nữa?! Lại còn lu loa mà rằng đó là nuy để bảo vệ động vật, để yêu biển, yêu thiên nhiên, yêu ngựa. Lạy giời.
Truyện này còn dài, li kỳ lắm nhưng có đoạn vua cha cấm công chúa yêu chàng trai nghèo khó, vua cha quyết từ mặt đuổi công chúa ra khỏi cung cấm, nàng Tiên Dung kiên quyết yêu, bảo đó là ý Trời. Quả là mãnh liệt. Con gái ngày xưa yêu nhau khiếp. Sau này hai người sống hạnh phúc, làm nghề thầy thuốc, đi khắp nơi chuẩn bệnh. Tương truyền, sau này chàng họ Chử lấy thêm vợ hai.
Có một chuyện tình nữa cũng liên quan đến con cái nhà dòng vua Hùng. Vua Hùng Vương thứ 18, có nàng Mỵ Nương (gộp chuyện Tiên Dung Chử Đồng Tử với chuyện này thì vua Hùng thứ 18 có 2 con gái là Mỵ Nương và Tiên Dung?). Đến tuổi cập kê lấy chồng, vua cha cho kén rể. Sơn Tinh và Thuỷ Tinh tranh nhau đòi hỏi cưới, uýnh nhau loạn xị ngậu, núi dâng, lũ lụt,... dân gian chết khiếp. Sau Sơn Tinh thắng, được làm rể.
Thời xua, nước Việt mình để có được vợ con nhà vua quan, lại phải đánh nhau bể đầu toác trán đến vậy sao? Thương quá đàn ông xưa. Nay, ngưỡng mộ tình yêu của Mỵ Nương – Sơn Tinh, dân mình phong ngài là Thánh Tản hay Tản Viên Sơn Thánh – Núi Tản hiển thánh. Quả, có thêm đàn bà con gái, đàn ông bổng hoá thánh cả. Ai không tin thì đừng bàn luận, ai lại đi cãi nhau với truyền thuyết bao giờ.
Quẩn quanh dẫn tích cổ để đến kết luận rằng: Đàn bà là gì? Trả lời câu hỏi này, chỉ có thể dẫn lời thơ của cụ Huy Cận mà rằng:
Một câu hỏi lớn không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau
Tuyệt nhiên là, từ cổ chí kim, từ văn học thơ ca cho đến cổ tích truyền thuyết, khi nói đến đàn bà thì thường dẫn chuyện tình yêu đương trai gái. Hiểm thật, trai gái yêu nhau toàn có đánh nhau, có chết chóc, có chia ly cách biệt, có xác xơ nghèo. Còn cụ Tú Xương thì bảo là “bọn lăng nhăng”.  Cổ kim tích xưa, khó hiểu thật.
Gần đây nhất, bọn hoa hậu thi năm 2014 vừa rồi khi được hỏi về phẩm chất của người phụ nữ Việt thì trả lời là đức “hy sinh” (http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/hy-sinh-la-pham-chat-3121903.html . Cô bé “đoạt” Hoa khôi áo dài 2014 lại nói là “Phụ nữ Việt không chỉ có đức hy sinh” (http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/trong-nuoc/lan-khue-pham-chat-phu-nu-viet-khong-chi-co-duc-hy-sinh-3139079.html). Khiếp quá với tụi này. Trí tuệ không đi kèm với nhan sắc, nghịch đảo luôn luôn đúng.
Theo từ điển Hán – Việt, chữ hy sinh là chữ 犧牲, theo nghĩa đen của nó dịch qua tiếng việt là Con vật tế thần. Bọn này vừa đẹp người vừa tinh tế trong suy nghĩ nên khi có tí danh là lao đầu, tự gieo mình vào thượng vàng hạ cám giới show biz lại trở thành “con – vật – tế - thần” cho mấy lão đại gia háo sắc, ham của lạ, làm mồi cho mấy tay bút chuyên rình chuyện sex – sốc – sến, cướp – giết – hiếp.
Chữ nghĩa quả là đa nghĩa. Ngay cả từ điển Hán – Việt cũng minh chứng cho loằng ngoằng đa nghĩa của từ đàn bà: Đàn bà nghĩa là Phụ nữ, phụ là vợ hoặc đàn bà. Tuyệt nhiên không có bóng dáng mấy bọn nhóc chíp hôi, của bọn ưỡn ẹo mông mẩy người mẫu, của đám diễn viên nhí nhố lăng nhăng. Thế nên, đứa có nick là Tít được xướng danh là hotgirl khi yêu một thằng đại gia lắm tiền, chán yêu, nàng chia tay thằng chả kêu trả quà, hắn lổm nhổm lên báo mạng thanh mình rằng, yêu hotgirl rất tốn tiền. Dân chơi gì mà tào lao dữ vậy?
Lại có cha bác sỹ thẩm mỹ tên Thái tuổi ngoại tứ tuần, đem lòng yêu thương em Angela Trinh kiêm diễn viên, kiêm người mẫu, kiêm ca sỹ, kiêm nhí nhố, kiêm nhiều thứ đang lổm ngổm tìm địa vị trên báo mạng lá cải. Anh này yêu lắm, bỏ công nâng ngực, sửa mũi, dán mi, nối tóc, mua nhà, sắm xe, tặng nước hoa thơm ngào ngạt, tiến mỹ phẩm không bao giờ là hàng Việt Nam chất lượng cao, trao vòng ngọc nhẫn kim cương,…tổng cộng tình phí lên cả chục tỷ đồng. Ngày nọ, em này đâm chán yêu lão già thì huyên thuyên lên báo bảo không phải là người yêu. Thằng chả thấy vậy, kiếm trang báo mạng khẳng định chủ quyền đanh thép “Tôi – XX Thái – đích thị là bạn trai của Angela”, còn nàng thì ỏn ẻn “em không chim lão ý, chỉ có ảnh chim em thôi, em thề, em đảm bảo”. Chả có cái ngu nào bằng cái ngu đem tiền đi bao gái nên dân tình có câu “Bắc thang lên hỏi ông giời, lấy tiền nuôi cưỡng có đòi được không”. Chơi với đàn bà quả là nguy!
Dẫn thêm một em hotgirl khác, nghệ danh em này nuỗn nà trắng, chân dài miên man như đường quốc lộ, có tên là “nữ hoàng đồ lót”, trắng trợn hơn thì gọi là “ma nơ canh coọc xe xi líp”. Một thời, em này phán, “yêu tôi tốn kèm lắm chứ bộ”, “không có tiền thì cạp đất mà ăn à”. Đúng là nhan sắc tuyệt vời, khi phung châu nhả ngọc cũng chới với suýt soát mùi kim tiền.
Chết thật, đàn bà nan dưỡng. Cũng phải trách cụ Khổng, cụ nói về đàn bà là “vơ đũa cả nắm”. Phải sửa lại ý cụ thế này “Hotgirl nan dưỡng”.
 Mênh mông đông tây kim cổ, múa vài ý quăng quýt, tự cho là cũng mua vui được vào nụ cười mỉm của anh em trong ngày 8/3. Khi viết xong bài này, bàng hoàng buông bỏ mọi thứ, nghĩ ngợi lung tung chợt nghe bài hát: Ôi đàn bà.
Người viết bài này, may mắn hồng phúc bao đời mới được làm con của hiền mẫu. May mắn khi tìm vợ lại không bị đánh nhau để tranh cướp tình yêu. Đến giờ, đầu sắp hai thứ tóc, ngẫm mãi không ra lời giải đàn bà là gì? Phúc thay đời người, bọn con gái sau khi lấy chồng, có con bổng đẫm đầy yêu thương đảm đang lo toan tần tảo, vất vả chịu thương chịu khó.
Những thứ này tuyệt nhiên không thể gọi là Hy sinh - Con vật tế thần - được.

Bông hồng cho riêng mình tôi

Cả đời tôi, chưa một lần nói con yêu mẹ. Cả đời mẹ chưa một ngày hết lo cho tôi. Năm tháng dần trôi, tôi ngày càng xa mẹ, niềm xa cách biệt. Tôi 36 tuổi, mẹ vĩnh viễn để lại cho tôi những giấc mơ có mẹ trở về. Lại một mùa của mẹ lại về, phảng phất nhớ mấy vần thơ của một ai đó đã từng viết “Với tay con níu thời gian, Thời gian lặng lẽ bay vào hư vô”. Có những nỗi niềm, tôi chỉ có thể tâm sự cùng mẹ, những nỗi buồn được dấu kín, tôi mãi mãi vẫn là thằng bé con của mẹ. Bao nhiêu năm tôi rời xa vòng tay mẹ, mỗi cuộc trở về là dáng mẹ chờ trước cổng, là vòng tay gầy guộc ôm lấy tôi. Cuộc đời mẹ, chông chênh theo cuộc sống của con. Giá mà níu được thời gian để mẹ trở về, tôi sẽ can đảm để nói thật to “Con yêu mẹ lắm”. Mỗi lần trở về quê, căn nhà im ắng, đối diện với tôi là bàn thờ mẹ, là leo lét ánh đèn dầu, là khói hương u trầm. Nhà thơ Xuân Tâm đã từng viết “Tìm mẹ tôi không thấy, Lúc buồn biết trốn đâu…. Tôi biết tôi mất mẹ, Là mất cả bầu trời”.

Những ngày này, dù không phải mùa Vu Lan báo hiếu nhưng mỗi dịp tháng 3 về, tôi ngơ ngác tìm mẹ. Tôi vẫn chọn cho mình một bông hồng đỏ, thắm sắc như tình yêu mẹ dành cho tôi, lang thang trước cổng chùa nương cậy vào lòng tư bi của Bồ Tát. Tình mẹ, bao dung và thánh thiện như lòng Phật Bà Quan Âm trong tâm hồn của mỗi người con. Dù trái đất có ngừng quay, dù dâu bể cách biệt nhưng tình mẹ vẫn là tình yêu vình cửu. Thời gian trôi đi, tàn nhẫn lấy đi người mẹ của mỗi con người, dẫu biết đó là ly biệt của cuộc đời nhưng, mất mẹ là nỗi buồn thương khôn nguôn, day dứt và trộn lẫn niềm nhớ của hoài niệm tuổi thơ. Nỗi nhớ mẹ luôn hoang hoải và đẫm đầy nước mắt. Có người con trai nào, dù già hay trẻ, mỗi lần nhớ mẹ là một lần lệ tràn mi. Mỗi người con có một Quan Âm lam lũ, tảo tần là mẹ. Mẹ chẳng thể đầy phép nhiệm màu để lời cầu xin của con thành sự thật nhưng là người có thể lặng nghe được niềm đau, ước vọng của mỗi người con. Không có bản nhạc nào hấp dẫn bằng lời ru của mẹ, ngàn năm, triệu năm sau vẫn vang vọng trong tâm hồn con trẻ. Chẳng có gì ấp áp, mềm mại như bầu ngực của mẹ, chắt chiu từ khoai sắn, từ mặn mòi muối mặn để cho con dòng sữa tràn môi. Có ánh mắt nào lung linh rạng ngời như ánh mắt mẹ chờ con về trong đêm cuối năm. Có giọt nước mắt nào mặn chát, ấm nồng như giọt nước mắt của mẹ.

Tôi lang bạt nhiều nơi, chẳng thể có món ăn nào ngon như món mẹ nấu. Mẹ như người nghệ nhân với ánh lửa, với khói lam chiều. Ai chưa từng nhớ mẹ, cứ đi xa về một miền quê nào đó trong ráng chiều hoàng hôn, ngắm khói lam chiều quẩn quanh mái rạ mới biết lòng mình cần có mẹ. Khói lam của bếp nhà và khói hương um trầm là màu lam bạc có thể làm cho mỗi người con tuôn tràn lệ rơi.

Mẹ xa rồi, xa mãi. Tôi vẫn chọn cho mình riêng mình một bông hồng thắm, để dành cho mẹ, để giữ lại cho tôi nỗi nhớ không rời, cho tôi ấm cả một chân trời nắng lên.

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Về lại miền quê xào xạc gió


Lạy mẹ con đã về đây
Giữa chang chang nắng gió mây đoạn trường
Trở về ở cuối con đường
Mênh mông triền cát hàng dương đứng chờ


Mẹ đi đi tự bao giờ
Để tôi tan nát một trời giấc mơ
À ơi hạt nắng ngây thơ
Vẽ nên cổ tích ầu ơ giấc nồng


Mẹ như là bếp lửa hồng
Tro tàn còn ấm thơm nồng khói rơm
Con mắm tay mẹ vừa đơm
Củ khoan nát mặn thay cơm một thời
 

Tóc xanh xanh cả một đời
Hong khô mái tóc bên trời đổ giông
Một đời mẹ đã ngóng trông
Đèn khuya khêu bấc chờ mong con về


Nắng mưa tôi đã dầm dề
Gió sương cũng đã đổ về tóc xanh
Về trong gió chớm đất hanh
Về nơi gió cát biển xanh rì rào

Mai vàng chớm nở

Tám năm ròng rã ươm mầm, sớm mai đã thấy duyên thầm của hoa, tám cánh nở, đài bát kiêu sa. Chỉ duy nhất một bông tám cánh sáng sắc vàng trong một sớm mùa xuân mưa phùn gần tiết kinh trập. Ngắm hoa, chợt nhớ mấy bài của các bậc tiền nhân mà thi thoảng nhớ, đọc thơ các ngài để thấy cuộc đời xuân sắc lại hoà lẫn gió mưa.
Đại thiền sư Mãn Giác, thời nhà Lý, được vua Lý Nhân Tông phong hiệu là Hoài Tín, thiền sư kiết già thị tịch ở tuổi 45 sau lúc giảng xong bài kệ Cáo tật thị chúng.
 
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
          Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Dịch thơ của Đại sư Thích Thanh Từ:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
            Đêm qua sân trước một cành mai
Hoa mai, biểu tượng cho mùa xuân trong dịch lý phương đông. Mùa xuân đã là mùa bắt đầu của một vòng quay mới trong vũ trụ bao la. Lý học phương đông dựa trên triết lý của Kinh dịch, kinh nói về kiếp luân hồi Sinh – Trụ - Hoại – Diệt, nói về quy luật của vũ trụ, nói về muôn loài trong cõi đời, không có thứ gì là không có. Trong kiếp vòng luân hồi của một đời người, giữa bao la vũ trụ, trên đầu tóc đã bạc, tuổi già đã điểm, vẫn lạc quan yêu vẻ đẹp của thiên nhiên. Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết – tuổi già đâu phải là hết của đời người, tuổi đó, vẫn nằm trong kiếp luân hồi mà thôi. Vậy nên, một sớm mai thức dậy, một cảnh mai cũng đủ gọi cả mùa xuân trở lại, tuổi già như thêm sắc hương xuân, để sống trọng kiếp đời. Chỉ trước sân một nhành mai mới nở, triết lý Kinh dịch lại được thể hiện như một sự bắt đầu mới trong vòng luân hồi trọn kiếp nhân sinh để bái phục trước vẻ đẹp của vũ trụ, trước cái thiện.
Lại ngẫm lại bài thơ của có đoạn của cụ Chu Thuần Cao Bá Quát:
Nguyên Nôm
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
Dịch thơ
Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ cúi đầu vái lạy trước hoa mai
Cụ Quát Chu Thuần sinh thời, được phong là thi sĩ kiêu sa vô đối, với câu tự phụ đầy mỉa mai đời người “Thiên hạ có ba bồ chữ thì một mình Quát này chiếm hai bồ”, một người được mệnh danh thẳng thắn, kiêu bạc “uy vũ bất năng khuất” lại nhún mình bái lạy trước hoa mai. Có nhiều luận thuyết cho rằng “mai hoa” có thể là một môn phái võ của Thiếu Lâm Tự mà cụ Chu Thuần đã ngẫm được vì đã mười năm đi “giao cầu thanh kiếm cổ”. Song, với cụ thi sĩ họ Cao, bôn ba khắp chốn mười phương và có lần đã làm quân sư minh quốc cho khởi nghĩa đại nạn “giặc châu chấu” chống lại vua Tự Đức, hoa mai có thể là đại diện cho anh hùng hào kiệt. Cả đời cụ, chỉ có thể bái lạy hào kiệt mà thôi. Quả là kiêu bạc nhất trần đời. Trời đất chả có ai hơn họ Cao để cụ Quát bái lạy. Câu thơ, thể hiện cái khẩu khí của cụ Chu Thuần, đời người có mấy ai.
Lại nhớ câu thơ của cụ Tản Đà – người con của xứ Đoài – nơi núi Tản, sông Đà – đã tự hoạ mình trong bài Tự vịnh:
Sông Đà núi Tản đúc nên ai
Trần thế xưa nay được mấy người?
Trung hiếu vẹn tròn hai khối ngọc
Thanh cao phô trắng một cành mai

Người như cụ, có ai bằng. Một mình thanh cao trắng bạc như cành mai trắng trước cuộc đời cơ cực và nhiều bi.

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Rơm và Nghé: Những cuốn sách đã đọc

Rơm và Nghé: Những cuốn sách đã đọc

Những cuốn sách đã đọc


Có những quyển sách mua đã lâu nhưng vẫn chưa thể đọc hết được. Có những cuốn vừa mua xong lại bệt ở một quán café nào đó rồi tẩn bằng hết. Đọc nhanh cho đến trang cuối, khi gấp sách lại chợt thấy mình như hồi còn trẻ con, ước gì sách còn in thêm tập nữa.

Xưa, lúc còn học trò, mỗi lần về quê nhà ông ngoại là một lần ông kêu mất sách vì khi ra về kiểu gì tôi cũng xin được 1 cuốn và thêm một cuốn là bố mẹ tôi “thó trộm” của ông. Tủ sách của ông ngoại để ngay đầu giường, trong cái tủ gỗ mun đen trùi trủi, nhiều sách lắm, mà đủ thứ loại. Loại sách đập ngay vào mắt là bộ Tuyển tập Mác – Lênin (chả trách ông ngoại là đảng viên kỳ cựu), rồi đến mấy cuốn về Một số nghiên cứu về Đổi mới, Vài tham luận về Chủ nghĩa xã hội (đúng chất người làm công chức nhà nước). Hồi nhỏ, tôi luôn xếp mấy cuốn này vào nhóm Chính trị - xã hội. Bé tẹo, đọc xong chả hiểu gì?!

Mấy lần tôi cùng ông dọn lại mấy thứ trong cái sập, trên đó là bàn thờ gia tiên, cái sập có cái cửa be bé, chỉ bọn trẻ con mới chui vào được, ông thì chịu nên luôn nhờ tôi chui vào. Trong ánh đèn leo lét của chiếc đèn pin cũ kỹ, cơ man nào là sách, nào là Người lái đò sông đà, Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Tình chiến dịch. Nấp ở lớp sau cùng là toàn chuyện chưởng, nhiều lắm. Nào là Kim Dung, Cổ Long, Âu Cách Tiên, Ngoạ Long. Có cuốn, khi lôi ra, phủi phủi lớp bụi, ông lại mắng, “đọc cuốn này là công an xã bắt đó”. Hãi vãi chưởng?! Sau này còn có cuốn Ông cố vấn (tác giả Hữu Mai), bản in đầu tiên mà ông bảo là bản thảo nhà in, mấy ông bạn cuỗm được. Bản này được liệt vào nhóm “Cấm lưu hành” vì trong đó mô tả mấy cảnh mà thời nay văn chương, báo mạng mô tả ầm ầm gọi là sex sốc. Sau bố tôi có mua một bộ Ông cố vấn, xuất bản năm 1987, đến mấy đoạn có tí “cảnh nóng” ông lấy mực tàu tô đen thui, ông bảo làm thể kẻo “mày lại hư sớm”, giờ vẫn còn nằm trong tủ của ông. Xưa, đọc mấy sách này, đội dân quân tự về bổng dưng ập vào là … đi tù như chơi.

Nay ông mất rồi, sách cũng thất lạc hết. Nhà ở quê trước, mấy trận lũ, sách tan tác trôi theo dòng nước. Mấy lần mẹ cặm cụi phơi lại mấy cuốn đã bị ngập vào lớp bùn lầy sau lũ, mẹ ngồi lặng lẽ khóc. Tôi học được cái thú đọc sách của ông ngoại, ông đọc nhiều, nhiều cuốn toàn chữ tàu, chữ nôm, có cuốn Truyện kiều in bằng chữ nôm, trông rõ cũ, ông bảo bản này in mộc bản, mấy ông kháng chiến hồi Việt Bắc tặng nhau. Hồi ông mất, cậu cả kiên quyết đốt theo vì ông nhắc trước khi chết thì mang theo cho ông. Con cháu trong nhà nhìn đám lửa bùng bùng phừng phực cháy cùng với vàng mã, đồ dùng cũ, bổng oà khóc rõ to. Tôi không khóc, chỉ tiếc là mình chưa một lần đọc được cuốn sách này. Đến giờ, trình chữ hán của tôi cũng chỉ đạt mức vỡ lòng tổ tôm “vạn vuông, văn chéo, sách loằng ngoằng” như hồi sinh viên mấy thằng bạn chỉ cách chơi chắn. Một cuốn Kiều thất truyền.

Hồi học phổ thông, trường ở quê, sách muốn đọc phải đi mượn hoặc đi thuê. Thuê thì đi đến phố huyện mới có nhưng phần lớn là đến để đọc cọp. Cái thú đọc cọp giờ vẫn ăn sâu vào trí tôi, có lần, qua Tràng Tiền, ghé Nguyễn Xí, đọc cọp được gần hết cuốn Sài Gòn, chuyện đời của phố của Phạm Công Luận. Đọc xong, ngẩn ngơ móc túi trả tiền mua sách.

Giờ, sắp già rồi, thằng con mới nhú lớp 2, bảnh mắt đã ôm Doreamon và Bảy viên ngọc rồng. Chả biết dở hay xấu nữa.

Người ta bảo, trong sách có thần. Có những cuốn sách đọc xong lại thay đổi cả đời người. Có thế chăng, bọn nhóc lại ham đọc sách hơn người lớn?!

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Nồng nàn hương bưởi


Năm nay, tết muộn vì năm ngọ có tháng nhuận nên đến gần hết tháng hai lịch dương mới vào tết. Đang đầu xuân vậy mà đã hanh hao nắng vàng, thoảng thoảng mùi nắng của mùa hạ. Cứ độ lập xuân, hoa bưởi đã bắt đầu chớm nụ, đến tiết vũ thuỷ thì bung nụ, đến dịp kinh trập thì cho hoa. Hương bưởi, cứ thoang thoảng như vị của tết, chẳng thể định hình vị sắc của hương, có người bảo đó là vị ngọt, có ai đó là vị thơm mát.

Xưa, thời khó khăn, không sặc nồng mùi dầu gội bằng hoá chất như bây giờ, các bà, các mẹ, các chị cứ chờ đến tháng ba là gom hoa bưởi để nấu nước gội đầu. Chẳng có thằng con trai nào mà không nhớ hương tóc mùi hoa bưởi của mẹ, cái mùi của bươn chải sống, chắt chiu lo, đẫm đầy thuỷ chung và hy sinh vất vả. Có phải chăng, xưa, nam nữ yêu nhau, nhiều gã đàn ông đã vội vàng làm bài thất ngôn bát cú thơ về mùi tóc rồi vộng vàng lao vào cơn lốc hôn nhân. Nhiều gã đã yêu nồng nàn đến phút lâm chung vẫn ôm khư khư nhúm tóc thề ngày xưa mà người đàn bà đã trao gửi. Phải thế chăng mà xưa, thời khốn khó bao cấp, tóc các bà các mẹ cứ xanh đẫm mùi chung thuỷ. Nay, tụi teen teen, gái nũng sịch chớm tứ ngũ niên cũng đã nháo nhác tóc cụt ngủn, tuần tuần tháng tháng lại lao vào hàng gội đầu để sục đầy mùi hoá chất lên tóc. Chả trách, mấy gã chồng ngày nay không còn âu yếu hương tóc vợ. Nhiều người bảo mũi đàn bà thính lắm, mùi lạ biết ngay vì mấy lão hay đi những quán hàng có chữ ôm thương bị nhúng sũng người mùi nước hoa rẻ tiền, mùi dầu gội đẫm hoá chất của mấy em cave móng đỏ.

Mái tóc con người, để làm đẹp nó, nhiều hãng sản xuất đã dùng những từ như chăm sóc, nuôi dưỡng tóc, bổ sung chất dinh dưỡng cho tóc,…. Xạo hết biết. Tóc người chỉ là đống sừng chết li ti nhú ra từ da đầu. Bộ phận tóc từ khi sinh ra đến khi rụng đi không còn mang lõi sống. Nếu muốn làm đẹp cho tóc, chỉ còn cách nuôi dưỡng da đầu.

Xưa, nước bồ kết, hoa bưởi, hương nhu, lá sả, … là những loại có tinh dầu. Đã là tinh dầu thì dễ ngấm vào da đầu và kích thích khí huyết lưu thông. Xưa, tóc bà sao đẹp đến lạ, tóc mẹ sao thơm quá thể.

Giờ, nhìn vợ và mấy chị em xài toàn dầu gội đóng chai lọ, nản hết biết. Tụi họ luôn mồn bảo “ước gì được gội đầu bằng nước hoa bưởi bồ kết”. Cái ước của họ, không thanh cao trinh bạch thì cũng mơ màng nhuốm màu thanh sạch tỷ như hoa hậu thi hỏi đáp trả lời sở thích là đọc sách, ước mơ là đi du lịch, thói quen là làm từ thiện . Hỡi ôi, cái ước đó giờ chỉ còn huyễn hoặc trong cổ tích.

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Tai nạn giao thông: 9.000 người chết/năm


Thống kê cho thấy, số người chết vì tai nạn giao thông ở VN còn cao hơn số người chết ở các nước hiện đang có chiến tranh. Có đến 9.000 người ra đi vì vấn nạn này. Luận số đơn giản: 9.000 chia cho 365 ngày/năm = 24 mạng/ngày => 1 mạng/giờ.

Đó là con số kinh khiếp.

Nếu giả dụ, người việt mình không thèm đẻ thêm nữa, với 90 triệu người hiện có, sau 27 năm nữa, dân việt có thể hết vì tai nạn giao thông.

Tờ lịch cuối năm


Mấy năm nay, Bố tôi có thói quen giữ lại những quyển lịch block cũ, ông không xé tờ lịch như bao người khác mà lại dùng một chiếc kẹp tre để kẹp những tờ lịch đã qua. Mỗi năm qua đi, số lốc lịch cứ dày thêm. Tôi cứ đếm mãi số lịch đó, mỗi lốc lịch cao thêm là tuổi già của bố lại nhiều thêm, những vết nhăn trên bàn tay chai sạn đã nên đường rõ nét.

Tờ lịch cũ, với tôi, là những hoài niệm xưa cũ về thủa bé thơ, thủa của những cánh đồng, vạt núi, của những đám cỏ ngoài đê, của tiếng ọ ẹ khi bê con gọi mẹ về nhà. Mỗi ngày qua đi, những tờ lịch lại rơi xuống, nhẹ tênh như tuổi thơ đi qua cuộc đời của mỗi con người. Cứ độ cuối năm dương lịch, mẹ tôi lại nhìn tờ lịch ngày 31 như một định mệnh nào đó đang thôi thúc mẹ, đó là những lo toan ùa về, lại những sách vở mới cho kỳ học mới, lại những áo quần mới cho con để vui vầy ngày tết sắp đến, lại gạo nếp, lá chuối cuộn dong. Mẹ cứ lo nghĩ, lại xoa đầu tôi rồi tự bà lẩm nhẩm một mình “lại thêm tuổi mới rồi, lớn nhanh còn giúp mẹ”

Tôi đã đọc đâu đó, những nhân viên văn phòng ở New York, Mỹ, có thói quen, cứ đến ngày cuối cùng của năm, vào cuối ngày làm việc, họ lại xé tờ lịch cuối cùng, đứng trên những toà nhà cao tầng bên Times Square rồi tung qua cửa sổ. Những tờ lịch bay bay, chao nghiêng trong gió mang theo những ước vọng cuộc đời của họ. Những ngày tôi đi biển, mỗi tờ lịch được xé đi, tôi lên boong và đứng trước gió, hoà lẫn với sóng tờ lịch mỏng manh cùng lời cầu nguyện cho chuyến đi được đến nơi. Nhiều đêm gặp lốc biển, tôi cứ ôm khư khư tờ lịch nhét chặt trong túi nilon để nếu có lỡ mình bị ngập chìm trong đại dương mênh mông, một chiếc tàu hàng nào đó có thể vớt được, người ta sẽ biết mình chết vào ngày nào. Mà lạ, thằng châu á nào như tôi cũng nghĩ thế. Vậy nên, trên khoang của tàu biển, nhiều lốc lịc như là báu vật của từng người. Có những chuyến đi, khi trở về, tôi nhìn thấy một tờ lịch dưới gối của mẹ, hỏi mẹ thì mới biết rằng, đó là ngày con gọi điện về báo tàu đã rời một bến cảng nào đó để bắt đầu chuyến hải hành trở về. Vì những chuyến đi biển là bao rình rập trắc trở nên tôi ít khi báo ngày về đến nhà, chỉ có mẹ, khắc khoải chờ con, đêm cứ phập phồng lắng nghe tiếng biển. Bà không đi biển bao giờ nhưng mỗi lần biển động, bà lại nhẩm nhẩm, biển hôm nay động quá, tàu bè lại khổ. Chỉ có tôi, tuổi trẻ lang thang khắp chốn, vẫn ra đi rồi trở về. Dọc cả những chuyến đi, tôi chẳng nhớ gì, chỉ hoang hoải nhớ mẹ. Một ai đó đã từng nói với tôi rằng, cuộc đời mình, chả có cái gì là của riêng mình, chỉ có cha mẹ là riêng mình tôi.

Xưa, lịch còn in những câu danh ngôn, những khổ thơ đọc xong một lần là tưởng như nhớ mãi. Có những tờ lịch in các khí, tiết hàng năm. Xưa, mẹ xé tờ lịch có tiết Đại hàn lại ngắm mấy con lợn trong chuồng, đó là cả gia tài của mẹ để chuẩn bị đón tết. Có năm, lập xuân sớm trước tết, cây hoa đào đã chớm nở. Mẹ cười, nụ cười rạng mới trước một xuân mới về. Quê, tiết đại hàn lạnh buốt nhưng lại phải xuống đồng làm cỏ cho mấy sào ruộng. Gió rét căm cứ phần phật tấm áo mưa, người làm nông cứ cúi mặt xuống mặt ruộng, sục tay vào lớp bùn. Những lọn lúa non mới tách lá mơn mở xanh như một hy vọng cho vụ đông xuân năm tới có nhiều thóc gạo.

Tờ lịch cuối năm, hay gợi nhớ về những điều xưa cũ. Nay, mấy ai còn đủ thời gian và hao hức để đón chờ ngày xé tờ lịch cuối cùng. Mấy ai còn ngẩn ngơ trước ngày bắt đầu năm mới, để tiếc nuối những điều đã qua trong năm cũ. Ngày cuối cùng của năm, cứ lặng lẽ trôi qua như đời người trước cuồng quay của cuộc sống. Một năm đi qua, mang đi cả những ký ức vụn vặt của đời người, lại một lốc lịch mới được treo lên với bao ước vọng và ngổn ngang những vấn vương. Tôi chẳng thể nhớ nỗi những tờ lịch mà tôi đã xé đi, chỉ nhớ có mỗi một tờ, tờ lịch đó giờ yên lặng trên bàn thờ ở quê, ngày đó, một ngày sau rằm trung thu, ngày của trăng tròn, ngày của một chớm nắng sớm. Ngày mẹ tôi mất, mẹ đi về cuối con đường của cuộc đời. Đi mãi, đi về cõi mà ai cũng phải đến, chỉ còn lại mình tôi, lay lắt nhớ mẹ, nhớ hơi ấm từ khói bên lam chiều của những ngày cơ cực ấu thơ, nhớ hương bưởi trên tóc mẹ, nhớ hương nắng chói chang trên những tấm chăn phơi nắng cuối thu.
Tết về, là thăm thẳm nổi buồn nơi phố thị, là mêng mang nhớ những hương tết quê nhà. Tết quê tôi, triền cát vẫn ánh trắng cồn cào, rặng phi lao cằn cỗi vẫn âm thầm hát theo tiếng sóng biển. Chỉ có tôi, man mác buồn, trống tênh vì vắng mẹ

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Mẹ tôi, mang tên một loài hoa

Mới đó, đã rộn ràng sắc hoa ngày tết. Hà Nội mấy ngày nay, lạnh buốt, mưa phùn thâm u qua những con phố. Năm nay nhuận, tết muộn nên hoa vội thắm hồng trước tết. Mấy hàng hoa bán dạo đã chở đầy xem lang thang khắp các con phố mang hơi tết trở về.
Xưa, mà cũng chẳng phải xưa lắm, có hơn ba năm trước thôi, mẹ vẫn đi chợ sớm để chọn được cành hoa đẹp nhất. Mẹ ngắm, mọi muộn phiền âu lo như vợi đi nhiều. Ngày bé, tôi hay hỏi, tại sao mẹ thích hoa này? Mẹ cười, nụ cười bao dung và nhẫn nại. Mẹ xoa bàn tay chai sạn lên đầu tôi rồi bảo, hoa này mang tên mẹ.
Quê tôi, dân miền trung sống với nắng gió, hoa mai cũng chẳng thể đượm sắc vàng như phương nam, hoa đào cũng chẳng thắm như miền bắc. Chỉ là cánh hoa phớt hồng, điểm trắng. Xưa, nhà ai cũng có một gốc to ngay trước nhà, mỗi năm, cứ đến gần tết, hoa lại bung nở như kiêu hãnh với giá rét cuối đông. Gốc cây và những cành sù sì, thâm nhám đến vậy, nhưng, cứ cuối đông gần qua, xuân ngấp nghé bên thềm, hoa lại mầm nhú, bung nụ khoe sắc trong màn giăng mắc mưa.

Nhiều lần, tôi đã xuyên dãy Trường Sơn, dọc con đường mòn xưa kia, cả bạt ngàn sắc hồng như mở hội, cả vạt núi là cả mùa xuân vời vợi. Có thằng tôi, chợt nhớ nhà, nhớ mẹ. Lũ chúng tôi, những thằng trai dầm dề với núi, với rừng, với mênh mông đại dương, vẫn còn chút vương vấn quê nhà, chợt thấy bé nhỏ trước sắc hoa của mùa xuân. Trong tôi, loài hoa mang tên của mẹ, vẫn cứ mãi là phớt hồng, điểm trắng.