Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Những cuốn sách đã đọc


Có những quyển sách mua đã lâu nhưng vẫn chưa thể đọc hết được. Có những cuốn vừa mua xong lại bệt ở một quán café nào đó rồi tẩn bằng hết. Đọc nhanh cho đến trang cuối, khi gấp sách lại chợt thấy mình như hồi còn trẻ con, ước gì sách còn in thêm tập nữa.

Xưa, lúc còn học trò, mỗi lần về quê nhà ông ngoại là một lần ông kêu mất sách vì khi ra về kiểu gì tôi cũng xin được 1 cuốn và thêm một cuốn là bố mẹ tôi “thó trộm” của ông. Tủ sách của ông ngoại để ngay đầu giường, trong cái tủ gỗ mun đen trùi trủi, nhiều sách lắm, mà đủ thứ loại. Loại sách đập ngay vào mắt là bộ Tuyển tập Mác – Lênin (chả trách ông ngoại là đảng viên kỳ cựu), rồi đến mấy cuốn về Một số nghiên cứu về Đổi mới, Vài tham luận về Chủ nghĩa xã hội (đúng chất người làm công chức nhà nước). Hồi nhỏ, tôi luôn xếp mấy cuốn này vào nhóm Chính trị - xã hội. Bé tẹo, đọc xong chả hiểu gì?!

Mấy lần tôi cùng ông dọn lại mấy thứ trong cái sập, trên đó là bàn thờ gia tiên, cái sập có cái cửa be bé, chỉ bọn trẻ con mới chui vào được, ông thì chịu nên luôn nhờ tôi chui vào. Trong ánh đèn leo lét của chiếc đèn pin cũ kỹ, cơ man nào là sách, nào là Người lái đò sông đà, Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Tình chiến dịch. Nấp ở lớp sau cùng là toàn chuyện chưởng, nhiều lắm. Nào là Kim Dung, Cổ Long, Âu Cách Tiên, Ngoạ Long. Có cuốn, khi lôi ra, phủi phủi lớp bụi, ông lại mắng, “đọc cuốn này là công an xã bắt đó”. Hãi vãi chưởng?! Sau này còn có cuốn Ông cố vấn (tác giả Hữu Mai), bản in đầu tiên mà ông bảo là bản thảo nhà in, mấy ông bạn cuỗm được. Bản này được liệt vào nhóm “Cấm lưu hành” vì trong đó mô tả mấy cảnh mà thời nay văn chương, báo mạng mô tả ầm ầm gọi là sex sốc. Sau bố tôi có mua một bộ Ông cố vấn, xuất bản năm 1987, đến mấy đoạn có tí “cảnh nóng” ông lấy mực tàu tô đen thui, ông bảo làm thể kẻo “mày lại hư sớm”, giờ vẫn còn nằm trong tủ của ông. Xưa, đọc mấy sách này, đội dân quân tự về bổng dưng ập vào là … đi tù như chơi.

Nay ông mất rồi, sách cũng thất lạc hết. Nhà ở quê trước, mấy trận lũ, sách tan tác trôi theo dòng nước. Mấy lần mẹ cặm cụi phơi lại mấy cuốn đã bị ngập vào lớp bùn lầy sau lũ, mẹ ngồi lặng lẽ khóc. Tôi học được cái thú đọc sách của ông ngoại, ông đọc nhiều, nhiều cuốn toàn chữ tàu, chữ nôm, có cuốn Truyện kiều in bằng chữ nôm, trông rõ cũ, ông bảo bản này in mộc bản, mấy ông kháng chiến hồi Việt Bắc tặng nhau. Hồi ông mất, cậu cả kiên quyết đốt theo vì ông nhắc trước khi chết thì mang theo cho ông. Con cháu trong nhà nhìn đám lửa bùng bùng phừng phực cháy cùng với vàng mã, đồ dùng cũ, bổng oà khóc rõ to. Tôi không khóc, chỉ tiếc là mình chưa một lần đọc được cuốn sách này. Đến giờ, trình chữ hán của tôi cũng chỉ đạt mức vỡ lòng tổ tôm “vạn vuông, văn chéo, sách loằng ngoằng” như hồi sinh viên mấy thằng bạn chỉ cách chơi chắn. Một cuốn Kiều thất truyền.

Hồi học phổ thông, trường ở quê, sách muốn đọc phải đi mượn hoặc đi thuê. Thuê thì đi đến phố huyện mới có nhưng phần lớn là đến để đọc cọp. Cái thú đọc cọp giờ vẫn ăn sâu vào trí tôi, có lần, qua Tràng Tiền, ghé Nguyễn Xí, đọc cọp được gần hết cuốn Sài Gòn, chuyện đời của phố của Phạm Công Luận. Đọc xong, ngẩn ngơ móc túi trả tiền mua sách.

Giờ, sắp già rồi, thằng con mới nhú lớp 2, bảnh mắt đã ôm Doreamon và Bảy viên ngọc rồng. Chả biết dở hay xấu nữa.

Người ta bảo, trong sách có thần. Có những cuốn sách đọc xong lại thay đổi cả đời người. Có thế chăng, bọn nhóc lại ham đọc sách hơn người lớn?!

Không có nhận xét nào: