Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2008

Áo len tựu trường

Sáng nay, mẹ gọi điện hỏi thăm sinh nhật lúc đang đi Nội Bài. Mẹ nói, "sắp mùa đông rồi, mẹ đan áo len cho con nhé"?

Hồi còn đi học, cứ đến ngày sinh con mẹ tặng một chiếc áo len do tay mẹ đan. Cái áo len to sụ so với thằng bé như tôi, mẹ bảo "đan trừ hao kẻo con lớn nhanh quá".

Ngày đó, cái thời mới bỏ bao cấp, mẹ được thưởng một cuộn len to lắm, bố mẹ mừng lắm. Cả đời cha mẹ chưa một lần được thưởng khoản nào có giá trị đến vậy. Nhà nghèo, lại 4 chị em đi học nên cứ đến ngày tựu trường là bố mẹ lại lo lắng nhiều, cái thằng tôi được cái hay ăn chóng lớn nên áo quần toàn phải mặc đồ cũ của anh chị. Mà cơ khổ, cũng có mặc được đâu, mẹ tỉ mẫn tháo từng cái áo rồi nhờ người chắp vá lại để may cho tôi được cái áo khác từ những mảnh áo đó. Bố thường đùa, "áo sắc thân cho con". Mỗi khi tôi mặc cái áo tứ sắc ấy đến trường là cả một sự kiện vì hồi đó, việc mặc một chiếc áo có hoa văn "lòe loẹt" là bị thầy cô la mắng ngay. Nhưng tôi thì không, bởi chẳng có đứa bạn nào dám cười tôi vì tôi to con hơn bạn bè cùng lứa và thầy cô cũng biết vậy, có tấm áo vá kín mình là được rồi, miễn sao là nó không bỏ học.

Mẹ cũng biết là tôi không thích mặc áo vá đến trường nên lại đan thêm chiếc áo len mặc ngoài để cho bớt cái áo trong và những ngày không có áo thì còn mặc áo len đi học được. Quê tôi, mùa thu rồi nhưng còn nóng lắm, bọn trẻ chúng tôi hay chơi đùa nên tôi thường cởi trần, mỗi lần nhìn thằng con cởi trần giữa trưa nắng là bố lại bảo "thằng cu thương mẹ gớm, cởi áo ra để khỏi rách đó".

Cái thời đó quan rồi, áo len bây giờ đẹp lắm, vừa ấm nữa nhưng tôi lại ít mặc. Cứ mỗi khi nghe tiếng trống trường lòng lại rộn ràng, lại nhớ chiếc áo len năm nào của mẹ. Nhớ cảm giác được ngửi mùa len mới, sợi len thô ráp và cả đôi đũa đan len to gần chiếc đũa ăn. Mẹ vẫn giữ nó, vẫn cuộn len cũ của thời bao cấp nhưng thỉnh thoảng lại đem ra ngắm nghía, bởi mẹ già rồi, tay cũng mỏi rồi, chỉ còn là tình thương con vô hạn.

Cảm ơn mẹ đã cho con những mùa đông ấm áp, những mùa tựu trường rộn rã tiếng trống. Cảm ơn bố đã một thời vất vả, để cho con được bước đến trường. Sinh nhật con, chưa một lần con làm tiệc sinh nhật và có khi cũng không nhớ đến. Có mẹ đó, nhắc nhở cho lòng con.

Mùa tựu trường, nhìn bọn trẻ đồng phục tung tăng đến lớp lại thấy lòng mình lâng lâng, lại nhớ chiếc áo len ngày nào. Giờ này, có lẽ mẹ đang phơi cuộn len ngoài sân, con cún con lại lon ton theo sợi len như là món đồ chơi ưu thích nhất của nó.


 


 


 


 


 


 


 

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2008

Là gì?

Là rừng già vẫn gọi tiếng ầm vang

Là đại dương muôn đời ngân tiếng sóng

Là núi thẳm e ấp lòng mây trắng

Là dòng sông luôn lắng đọng phù sa

Là lưng mẹ giải dầm bao mưa nắng

Là tay cha ủ yên lặng lòng con

Là mắt con thơm mát cuộc đời cha

Là vợ hiền cho nhà thêm sắc ấm

Là mình tôi, ...

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2008

Bão đêm


Cứ xong lễ Vu Lan – rằm tháng bảy là bắt đầu mùa bão. Quê đấy, đòn gánh nghiêng nghiêng ghé bờ vai bên biển Đông để cõng hai đầu Nam – Bắc. Cái mảnh đất cằn của mô tê răng rứa quanh năm oằn mình với thiên nhiên, mùa hè thì nắng thiêu đốt, gió Lào thổi miệt mài qua những đồi cát mênh mông. Cát nóng, cát bay, cát chuồi – những điều mà bọn trẻ con chúng tôi thường được người lớn kể cho nghe những điều kinh khủng của cát.

Mùa thu, cái mùa lãng mạn và đẹp đẽ là vậy, nhưng, khi sang thu lại là bắt đầu của mùa bão. Bão liên tục, mưa tới tấp, gió rít. Cái khí hậu của tự nhiên ưu ái dành cho sau những ngày khô hạn là những cơn mưa nặng hạt. Chẳng ai buồn vì lại vào mùa bão, mỗi lần nghe tin bão, mẹ tôi thường thở dài khi nhìn về phía đông mây đen vần vũ “Bão như ri thì cả nhà ăn đồ khô cả tuần rồi”.

Mảnh chuối đầu vườn đang hồi lại sau một mùa nắng hạ vậy mà lại oằn mình đón bão. Cơn bão đi qua, vườn chuối trở nên xơ xác. Bố tôi thường hay cắt trụi lá cả vườn cây để tránh gió bão. Cũng chỉ là cách cuối cùng dù biết rằng lòng ông xót xa hơn nỗi đau của cây phải lìa cành.

Bão thường đổ bộ đất liền vào ban đêm, cứ 8 – 9 giờ tối là bắt đầu, trước khi bão vào bờ, biển cứ ầm ào sôi sục, biển động lắm. Trước những cơn bão mạnh, hình như có một khoảng lặng đến ghê người, những người già nhiều kinh nghiệm chống chọi với bão đêm hay nói “Đất sáng, biển yên trời lại xuống”. Đó là khoảng lặng yên nhất mà tụi trẻ con chúng tôi bắt đầu phải tìm chổ nấp nơi những mái nhà tranh thấp lè tè, những chuồng bò được gia cố chắc chắn. Còn căn nhà chính cho cả nhà, chỉ còn cầu trời khấn đất để qua được đêm bão. Mấy con bò cày trong mùa bão được chăm sóc hơn cả lũ trẻ bọn tôi, chúng được chuẩn bị rơm khô, khoai khô, có khi cả cháo cám nữa để chống chọi lại những cơn gió buốt trong đêm. Sau bão, sức người có thể tàn tạ nhưng lũ bò vẫn phải khỏe để còn cùng người vượt qua những khổ cực. Con trâu là đầu cơ nghiệp là vậy, không có chúng, sức người làm sao nổi.

Đêm, gió rít lẫn tiếng ý ới và tiếng hét hoảng hốt của những người giúp nhau chống bão, những mái nhà ụp đổ, tiếng chó sủa giật mình, tiếng người đàn bà khóc thút thít xót cho vách nhà bao ngày chắt chiu nay chỉ còn là đống đổ nát. Lòng quặn lại khi nhìn lũ trẻ nheo nhóc báo chân mẹ tay cầm củ khoai nướng.

Bão qua rồi là cả đồng nước mênh mông, một màu trắng đục. Sau bão, cá ruộng nhiều lắm, làng tôi lại chuẩn bị thuyền thúng ra đồng thả lưới. Biển vẫn đục ngàu, sóng bạc, sôi sùng sục suốt ngày. Bố lại thở dài cho những chuyến đi biển, những con thuyền nhỏ lại xác xơ nằm gối đầu trên doi cát. Cây sào cắm vào cát như bơ vơ nhìn ra biển như mong chờ ngày biển lặng để được ra khơi.

Chẳng ai biết mùa bão có bao nhiêu cơn bão đi qua cái mảnh đất nhỏ nhoi ấy, chỉ biết rằng, sau một cơn bão, làng như mới hơn, con người lại gắng sức hơn. Bọn trẻ chúng tôi lớn lên cùng những cơn bão đêm, gió rít nhưng ngọn đèn dầu luôn được che chắn dủ để soi sáng trang sách cho bọn trẻ ê a. Tôi không nhớ nỗi đã có bao nhiêu cơn bão đi qua từ khi tôi được sinh ra nhưng lại chạnh lòng khi nghe tin báo bão.

Lòng người bao đời vẫn vậy, vẫn chống chọi với nắng cháy, gió bão, với những vất vả của cuộc đời. Ngày qua ngày, mưu sinh và tồn tại người lại sống, lại trồng những rặng phi lao, xới lại những mảnh vườn tơi tác, lợp lại những mái tranh tiều tụy sau mưa. Bọn trẻ con chúng tôi lại đến trường trên những con đường xói lở.

Hồi ông ngoại tôi còn sống, ông hay ngâm thơ cho tôi nghe, “lòng người vững lắm, đất với người cùng chung một niềm tin. Bão về rồi lòng người dậy sóng, bão qua rồi đất vẫn hồi sinh”

Dạo này bố hay bảo “Bão hình như chán vào miền Trung rồi, nó chẳng còn gì để gặm cả, ha ha ha…”. Con cũng mong vậy, mong sao đừng bão, đừng gió để lòng con không phải nén tiếng thở dài, để mong cho Cha  không phải cặm cụi néo lại cái chuồng gà, không phải xót xa chặt trụi lá của mảnh vườn đang xanh tươi. Để mẹ không còn xa xăm lo cho bữa ăn của cả nhà, không phải nghẹn ngào nước mắt nhìn cha con bưng bát mì tôm.

Cứ nghe tin báo bão, tôi lại giật mình, lại gọi điện về hỏi thăm, lại nghe câu nói thường xuyên của bố “Nhà mình vững lắm con à, con yên tâm, bão mãi quen rồi con”

============================

Ước mong sao con được về trong bão

Khơi ngọn đèn cho tóc mẹ xôn xao

Để vườn xanh không còn xơ xác lá

Bóng cha hiền như đá vững lòng con.

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2008

Cho vơi nỗi buồn




Tôi là đứa thích viết, thích diễn tả cảm xúc của mình thành những câu từ. Tôi viết cho lòng mình, cho những điều mình ngẫm nghĩ, cho những cảm xúc suy tư, cho những bươn chải của cuộc sống. Tôi viết cho chính tôi - Cho điều tôi muốn nói.


Cuộc đời này có bao nhiêu nỗi buồn phiền, có bao nhiêu cay đắng, tủi hờn trong khi chỉ có một niềm hạnh phúc, một số niềm vui và cuộc sống vẫn có rất nhiều điều tươi đẹp.


Khi còn là sinh viên, cô giáo của tôi đã nói với tôi rằng "Hạnh phúc là khoảng giữa rất nhỏ của những nỗi vất vã và nỗi đau trong cuộc sống". Tôi biết, vì nó quá nhỏ nên tất cả mọi người đều muốn có nó để cảm nhận được cuộc sống của mình, để thấy mình đáng sống trên cõi đời này.
Có một người nào đó đã nói "Điều quý giá nhất của người đàn ông là có một người vợ hiền và một sức khỏe tốt". Tôi hiểu điều đó. Hạnh phúc của người đàn ông trong hôn nhân phụ thuộc rất nhiều vào tính tình của người vợ.
Tôi là thằng mạnh mẽ hay là kẻ yếu đuối; là đứa cứng cỏi hay là tên dịu dàng; là tên ngang tàng hay là thằng nhát chết? Tôi có hết các điều đó. 
Ngày trước, nhiều lúc tôi thấy bố ngồi một mình, mắt ông ngấn lệ, Bố bảo "cả đời bố không một lần biết mặt cha". Ông khóc vì điều đó nhưng ông cũng tự hào vì điều đó, vì mất cha trong hoàn cảnh loạn lạc chiến tranh nên ông đã dành hết mọi nguồn yêu thương cho gia đình mình.
Còn tôi, tôi không khóc được, nhiều khi chỉ là tiếng nấc nghẹn họng ở cổ như nuốt miếng khoai bùi bị nghẹn. Tôi khóc, vì thấy mình lẻ loi. 
Đã gần 20 năm tôi bước vào cuộc sống một mình. Khi còn là thằng bé bắt đầu lớn, tôi đã đi học một mình, những ngày tháng phổ thông cứ thui thủi một mình với chiếc xe  đạp, với 3 cái nồi nhỏ và 2 cái bát cùng một đôi đũa. Rồi những kỳ thi với chiếc bàn cũ và cái đèn học tự chế. Nhiều lúc, tôi muốn bỏ hết các kỳ thi từ năng khiếu đến học sinh giỏi, từ cấp trường đến cấp tỉnh, vùng, cả nước để về bên mẹ cha. 
Đi làm rồi, cũng bươn chải nay đây mai đó, hết phố xá nọ rồi đến rừng sâu. Từ đại dương mênh mông cho đến miền ngược. Một mình tôi đi hết tuổi trẻ của mình. Gặp nhiều điều tốt đẹp nhưng cũng nhiều trái ngang; những người tốt bụng và những kẻ lừa lọc...
Vậy là tôi cứng cỏi lên.
Rồi tôi lớn, từ ngày có con, tôi thấy lòng mình mềm đi. Nhìn ánh mắt con trẻ trong veo để thấy lòng mình thanh thản. 
Đêm, giữa Hà Nội, lại thấy mình đơn lẻ. Đêm đầu thu lặng yên trong ánh trăng đêm. Đêm lặng nghe trong gió, tiếng lòng mình thở than. 


Thứ Hai, 18 tháng 8, 2008

Thêm một chiếc lá rụng

Tôi không phải là người yêu/thích/làm thơ nhưng bài thơ của anh làm tôi nhớ mãi. Tôi được đọc bài thơ Thêm một trên báo Tiền Phong trong những năm 90 của thế kỷ trước. 

Thơ anh, đơn giản nhưng lãng mạn. Anh ít có thơ trên các văn đàn nhưng Thêm một đã khẳng định vị thế của anh trong tâm trí người đọc.

Thêm một chiếc lá rụng - một người đã ra đi trong mùa chớm thu. Cái mùa của sự lãng mạn và hứng khởi của đời người. 




Thêm một

Thêm một chiếc lá rụng, 
Thế là thành mùa thu. 
Thêm một tiếng chim gù, 
Thành ban mai tinh khiết.

Dĩ nhiên là tôi biết, 
Thêm một - lắm điều hay. 
Nhưng mà tôi cũng biết, 
Thêm một - phiền toái thay!

Thêm một lời dại dột, 
Tức thì em bỏ đi. 
Nhưng thêm chút lầm lì, 
Thế nào em cũng khóc.

Thêm một người thứ ba, 
Chuyện tình đâm dang dở. 
Cứ thêm một lời hứa, 
Lại một lần khả nghi.

Nhận thêm một thiệp cưới, 
Thấy mình lẻ loi hơn. 
Thêm một đêm trăng tròn, 
Lại thấy mình đang khuyết.

Dĩ nhiên là tôi biết, 
Thêm một lắm điều hay.

Trần Hòa Bình

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2008

Lời ru cho con


"Ngồi nghe biển hát rì rào
Như lời ru từ thuở ấu thơ
Nghe lời mẹ hát mơ màng con say...
Dòng đời đã cuốn xa vòng tay mẹ!
Bao nhiêu đắng cay, đắng cay u buồn
Lời ru của mẹ vẫn thắm đượm tình yêu thương.
Lời ru còn đó vang vọng bốn bề
Nơi tim con, lời ru mãi ghi nhớ âm thầm
Thời gian trôi qua thật mau
Bóng dáng mẹ đã phôi pha theo tháng ngày...
Và giờ mỗi đứa một phương
Bao nhiêu giọt yêu thương đã chia hết rồi
Lời ru xa rồi giấc mơ thơ ấu...
Vẫn mong cho con, ấm êm một đời
Hạnh phúc khi con cười
Yên lòng khi thấy con vui
Mẹ đã nâng con dậy, khi con ngã trên đường đời
Dù cho nắng đã phai tàn
Dù cho tóc đã pha màu buồn
Cho dù mắt nhắm tay buông
Dành cho con hết mọi nguồn yêu thương..."
==============================

Ngày Vu Lan, con chỉ kịp đến Chùa Quán Sứ thắp nén nhang để thấy lòng mình yên lặng. May mắn cho con, con còn mẹ, con sẽ không cài bông hồng lên áo bởi trong lòng con mẹ mãi bên con. "Dòng đời đã cuốn xa vòng tay mẹ! Bao nhiêu đắng cay, đắng cay u buồn..".
Con lớn lên từng ngày, cứ mỗi ngày mẹ già đi, mái tóc xanh ngày nào đã điểm bạc. Cuộc đời con bươn chải với cuộc sống ồn ào nơi phố hội, ít có khoảng lặng yên để nhớ về mẹ.
Mẹ đó, vẫn mong cho con ấm êm một đời, hạnh phúc khi con cười, yên lòng khi thấy con vui. Con của mẹ ngày một lớn, bao vấp ngã để rồi tự đứng lên. Con vấp nhiều, mất nhiều nên con học được nhiều. Con thấy mình rắn rỏi hơn sau những lần vấp ngã.
Con không nhớ lời ru của mẹ, nhưng con học lời ru khá nhiều. Hình như, lời ru của mẹ ngấm vào hồn con, con chỉ cần ôn lại thôi. Lời ru còn đó vang vọng bốn bề; Nơi tim con, lời ru mãi ghi nhớ âm thầm.

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2008

Vu Lan này lặng lẽ


Sáng sớm chuẩn bị đi làm vợ nhờ: em mua ít trái cây ngon, bố thắp hương mời tổ tiên nhé.

Sáng nay đi làm muộn, lọ mọ một mình lên quán cà phê hồi sinh viên hay ngồi, quán cà phê trông xập xệ và cũ nhếch như cách đây 10 năm. Vẫn những chiếc ghế cũ kỹ, vẫn một không gian nhìn ra hồ Gươm xanh ngắt trong nắng thu.
Tiếng gõ mõ cầu siêu của ai đó may mắn lọt vào tai trong tiếng ồn ào của phố phường. Chợt nhớ dì da diết. Dẫu biết rằng Sinh - Lão - Bệnh - Tử là vòng quay của đời người, nhưng, dì đi nhanh quá. Căn bệnh quái ác đã dành lấy sức sống, để di về với đất mẹ, với tổ tiên.
Ngày dì mất, con vội vàng trong cơn mưa xối xả của vùng Tây Bắc để lấy thuốc. Mấy thang thuốc của con chỉ còn là nhúm lá khô khi dì không còn nhìn thấy được. Con biết vậy nhưng vẫn thấy buồn. Con không về tiễn dì, lòng con cứ nghĩ dì vẫn còn.
Bao năm làm việc ở Đà Nẵng, năm nào rằm tháng 7 dì cũng gọi điện đến nhà cúng rằm, con không về kịp dì cũng để dành phần cháy cơm nếp. Dì biết con thích miếng cháy vàng ươm của cơm nếp nấu nồi gang.
Mùa Vu Lan này lặng lẽ, lặng yên cho tiếng chuông chùa ngân xa, lặng lẽ cho tiếng gõ mõ cầu siêu được siêu thoát.
Con không về nữa vì mùa Vu Lan này con không còn được ngửi mùi cơm nếp cháy?