Công nghệ ghi âm thanh trên đĩa than có từ gần 100 năm trước. Hơn 30 năm trước tôi đã có cơ hội nghe tiếng nhạc ghi trên đĩa than phát ra từ chiếc loa kèn cũ nát của ông lão già hàng xóm. Tôi nhớ mãi thứ âm thanh kỳ bí đó cho đến ngày nay. Có lần, được dịp vào Nhà hát lớn tại Hà Nội, tôi cảm nhận lại được thứ âm thanh quyến rũ này.
Phải công nhận, vướng vào thứ âm thanh này đòi hỏi nhiều "kỳ công" và "kiên nhẫn". Mỗi một việc lau chùi, hút bụi thôi cũng đã là một công đoạn "cực kỳ quan trọng" để có được âm thanh mộc, nguyên bản ghi. Cha tôi, hôm rồi rời miền Trung nắng rát ra Hà Nội, chỉ mới nhìn qua ông đã bảo "Chết chết, nghe cái ni một hồi là nghiện không rứt ra được". Bố vợ thì chắc đang âm thầm sung sướng bởi đã tìm được "truyền nhân" để cùng ông thoả lòng đam mê âm nhạc Nga.
Âm thanh - mớ nhạc cụ "hỗn độn" này - tôi chẳng hiểu tí mô tê gì cả, chỉ biết rằng, giai điệu và âm thanh phát ra từ cái đĩa than cũ kỹ kia có sức hút kỳ lạ. Nghe CD, dường như ban nhạc hay nhạc công chơi nhạc theo nhịp hát của ca sỹ, còn đĩa than, dường như ca sỹ thể hiện bài hát theo tiết tấu của nhạc công. Tiếng hát của ca sỹ có khả năng trùm lên tiếng nhạc - nghe rất thật giọng. Tiếng nhạc trên CD như một người phụ nữ đã được tỉa tót, dao kéo, phấn son cho nhan sắc của mình - họ xinh đẹp khi bạn ngắm thoáng qua, khi bạn xem đó là thứ bổ sung cho cuộc sống vốn ham muốn của bạn. Còn đĩa than, như người phụ nữ, người mẹ, người vợ chung tình, mộc mạc và nồng nàn - họ đẹp trong con tim của bạn, nhan sắc của họ có thể già đi theo năm tháng nhưng tình yêu của họ dành cho bạn (và cả bạn dành cho họ) thì càng tăng lên theo năm tháng của cuộc đời.
Âm nhạc - cơ bản là sự hoà trộn của những nhạc cụ với nhau để có được một giai điệu của một bản nhạc. Những bản nhạc cổ điển mang tính kinh điển bác học hay những bản nhạc tự chế khi ôm đàn của người nghệ sỹ cũng chỉ nằm gọn trong mấy nốt nhạc Đồ - Rê - Mi - Fa - La - Sol - Si, tương đương với 7 cung thể âm nhạc.
Hiện có nhiều người chơi âm thanh và có rất ít người biết nghe nhạc. Chơi âm thanh là một thú chơi sành sỏi và tốn rất nhiều công - sức - tiền, đó là một thú chơi cầu kỳ (không hoặc chưa đến mức xa xỉ). Để theo được thú chơi âm thanh, nhiều tiền, tỷ mẩn chưa chắc đã chơi được vì còn phụ thuộc vào "mức - độ - nhạy - của tai". Bên cạnh đó, còn phải sắm cho mình "mớ" xúc cảm đặc biệt đối với những bản nhạc cụ thể. Thế mới khó.
Người chơi âm thanh nghiệp dư - nói chung - có đam mê - nhưng đam mê thường ngắn. Nhiều người chơi theo phong trào, theo mốt hoặc thấy người khác có mình cũng sắm một bộ cho nó hoành. Những tay chơi có tiếng thường có đam mê, có am hiểu về âm thanh và một chút âm nhạc. Bằng không, được vài tháng lại chán ngấy, rồi lại than thở.
Audiophile, hi-end, hi-fi, stereo hay cái từ thuật ngữ gì đó cũng chỉ là cách gọi tên cho mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn của công nghệ âm thanh. Một bộ thiết bị âm thanh tốt sẽ cho ra thứ âm thanh thực chất đúng như khi đang trình diễn trước mặt. Bộ âm thanh tốt (tuỳ vào từng người) chưa chắc là một bộ đắt tiền (mà thường thì đắt tiền lại rất hay) và một bộ đắt tiền chưa chắc đã tốt với vài bản nhạc nào đó.
Khi sắm một bộ âm thanh để thưởng thức âm nhạc, nhiều người lại rơi vào tình trạng "săm soi đặc tính kỹ thuật của thiết bị". Hừm, đó chỉ là các thuật từ do người bán hàng dựng lên bên tai người mua. Một vài người bán hàng rất am hiểu về âm thanh, âm nhạc và công nghệ âm thanh sẽ tư vấn tốt nhất cho người mua với một bộ âm thanh hợp lý. Rất nhiều người bán hàng đã nói với tôi những từ như "con này gấu lắm, tiếng bass cực gấu", "tiếng trung trong vắt", "tép thanh mảnh", "chân jack loa mạ vàng", "củ loa hoành lắm". Thực chất, người mua sẽ không phân biệt được các thuật ngữ đó như thế nào cả, đặc biệt, khi họ vào phòng nghe hoặc phòng trưng bày của người bán để nghe những bản nhạc đã thửa riêng. Tôi đã nhiều lần hỏi lại người bán hàng "gấu là thế nào? tép thanh là sao?" họ chịu - những người bán hàng thiếu am hiểu về sản phẩm.
Để sắm cho mình một bộ âm thanh phù hợp, những bản nhạc yêu thích thì người mua bên sắm cho mình trước một vài thông tin cơ bản về như âm vực, trường độ, cao độ, nhịp độ, và cao hơn có thể là tẩu pháp.
Hãy lắng nghe con tim và cảm xúc của mình, bạn có thể chỉ yêu thích một thể loại nhạc nào đó mà thôi (như tôi - khó có thể nghe được rock hoặc sắc - xô - phôn vì cái tai tôi nó không hợp với thể loại đó).
Nghe nhạc, cần lắng nghe giai điệu của bản nhạc để nhận ra cảm xúc của người nghệ sỹ, của tác giả bản nhạc đó. Sau cùng, hãy thưởng thức bộ thiết bị âm thanh của bạn khi nó tái tạo lại tiếng của những nhạc cụ và giọng của người ca sỹ.
Nếu bạn chưa một lần đến rạp hát để nghe và xem trình tấu nhạc giao hưởng hoặc thể loại nhạc cổ điển thì bạn khó có thể nghe được nhạc cổ điển. Không tin ư, thiệt đó. Vì bạn không nhận thấy được sự phân bổ âm thanh của dàn nhạc trong một rạp hát, bạn không cảm nhận được cảm xúc của nghệ sỹ hát opera khi bạn chưa bao giờ nhìn thấy cảm xúc của họ trên sân khấu.
Có một thứ âm thanh, âm nhạc trung thực, analog 100%, chả khác gì nhà hát cả: Tiếng nhạc của ban hầu đồng. Tiếng chũm choẹ, tiếng trống, tiếng nhị, sáo, mõ...mỗi thứ lại rộn ràng, réo rắt, nỉ non ĩ ôi theo nhịp hầu giá đồng.