1. Chị gái thứ hai ở quê gọi điện "...Con là con của chị nhưng là cháu của cậu, cậu xem có nơi mô kiếm cho nó cái việc làm, chừ kiếm việc ở quê khó lắm cậu ơi...". Đứa cháu lớn nhất trong các đứa cháu của tôi đã tốt nghiệp tốt nghiệp đại học. Nó đang đối mặt với thất nghiệp.
Chị cả, gọi điện giọng lo lắng "... Cậu coi tư vấn cho cháu nó thi trường mô thì hợp thời, anh chị nỏ biết trường mô cả, với lại, đại nào cũng là đại học cả, miễn chi là chính quy. Sau ni còn kiếm cái việc câu cơm chứ ở quê, không học là không ổn cậu ơi...". Mấy hôm rồi, mẹ con đi thi vở Vinh, cháu nó làm bài tạm ổn, ước được 6,5 điểm/môn. Cháu đi thi, cả họ nội ngoại đều nơm nớp, lo lắng. Cha mẹ thì ... còn hết hồn.
Chị dâu gọi, bảo "Chị mong cho mấy đứa lớn tê thi đậu hết để thằng cu Bin noi gương, cứ theo chú là .. ổn hết, chú hè".... Một nỗi lo tiềm ẩn.
Đêm qua, gọi cho bố, bố nói mấy hôm nay không ngủ được, cứ lo lo đứa cháu thi cử. Chẳng hiểu sao cứ bồn chồn cả ngày.
Đứa cháu thi ở Vinh, thi xong môn đầu tiên, ra khỏi phòng thi nó gọi ngay cho tôi để thông báo "khoảng được hơn 6 điểm cậu à, trừ hao đi là chắc 6 điểm, giọng nó buồn buồn". Tôi cười, động viên nó và "dụ dỗ" nó thực hiện theo chiến thuật làm bài đã trao đổi với nó. Toán 6 điểm, Lý 6 điểm, Anh 8 điểm: Kiểu chi cũng đỗ đại học. Cháu cười, nụ cười lo lắng, tự dưng tôi thấy mình đang gây áp lực lên nó. Cháu bảo “Ước chi khỏi phải thi, cứ như bên Tây họ mần lại hay”. Quái lạ, đứa teen teen lại biết chuyện thi cử bên tây?!
Sáng nay đi làm, trên đường Trương Định, thấy mấy cô cậu sinh viên tình nguyện cứ chạy xe từ đầu phố đến cuối phố rồi vòng trở lại, tôi hỏi một cậu, cậu trả lời "tụi cháu đứng đây từ 5h sáng chú ạ, đi tuần để xem có trường hợp nào đi thi đại học cần hỗ trợ không thì giúp người ta ngay". Cậu cười, nụ cười tươi mới, tự tin và hãnh diện.
Mấy hôm trước, xem tivi, thấy Bộ đội tăng thiết giáp còn lấy cả thiết giáp lội nước ra để phục vụ thí sinh đi thi đại học ở Thái Nguyên. Đọc báo, thấy Cảnh sát giao thông Hà Nội còn tình nguyện làm xe ôm chở thí sinh đến điểm thi trong khi đang làm nhiệm vụ, ngay cả phòng ở của chiến sỹ cũng thu xếp cho thí sinh ở nhờ không mất phí. Ở Sài Gòn, năm nào cũng vậy, mấy quán cơm thiện nguyện lại nô nức mở hàng để đón thí sinh ăn cơm, nếu có lấy tiền thì cũng chỉ 2-5 ngàn một suất. Còn bữa ăn đô thị nào rẻ hơn chăng? Còn nhiều hành động thiện nguyện trên cả nước để phục vụ cho thời vụ thi cử hàng năm.
Hàng năm, cứ đến tháng 7, nắng cồn cào, gần hai triệu thí sinh đổ về các đô thị tại các khu vực để dự thi. Một kỳ thì đã tồn tại mấy chục năm nay, ít thay đổi về hình thức. Hình như, càng ngày càng áp lực lên thí sinh học trò và cả người thân. Mà phải, thi cử đại học chứ chơi đâu nên một bộ máy khổng lồ phải được vận hành theo thi cử. Cha mẹ, có khoảng gần hai triệu người cha - mẹ đang lo lắng với tương lai của con mình. Nỗi lo thấp thỏm theo nét mặt của con khi ra khỏi phòng thi. Tôi bổng dưng thẩn người nhẩm tính, cứ một người đi thi tiêu tốn hết 500.000 đồng thì 2 triệu thí sinh đi thi sẽ chuyển vào chi tiêu đúng 1.000 tỷ đồng. Ôi chao, có khoản tiêu dùng nào trải rộng cả nước lớn như vậy không? Các nhà lập chính sách kích cầu âm thầm cảm ơn thi đại học.
Thẩn nghĩ, sao đời người cứ cơ cực với các cuộc thi thế nhỉ? Tại sao không thay đổi cách tuyển sinh theo một cách khác?
2. Cái việc thi cử âu cũng là bắt nguồn từ lịch sử của dân tộc Việt Nam. Hơn 2000 năm trước, các cụ gọi là Khoa bảng. Cái thời mà Nho học được đẩy lên làm chân trí tuệ, nhân cách cho con người. Gần một nghìn năm thi cử Nho bảng, triều đình của các triều đại thường tổ chức để chọn người làm quan. Ai đỗ đạt thì cho vào Khoa cử, được làm quan to, hầu hạ vương triều, kiến tạo đất nước. Ngày xưa, thi hương, thi hội, thi đình là những kỳ thi danh giá. Ai đỗ đạt thì rạng danh gia tộc, làng xã.
Lịch sử ghi chép rằng, thời nhà Lý, triều Lý Nhân Thông (ất mão, 1075) đã tổ chức thi Tam trường đầu tiên để chọn người tài. Thủ khoa Lê Văn Thịnh là người đỗ cao nhất, sau này được bổ vào chức Thái sư ở triều đình. Tuy nhiên, vị Thái sư này có một cuộc đời cay nhục mà đến nay, sử sách cũng chưa rõ tường vụ án Lê Văn Thịnh phản nghịch triều đình?!
Về sau, các triều vua Lý cho lập Quốc Tử Giám là nơi đào tạo người làm quan, thờ Khổng Tử và Chu Văn An. Văn Miếu Quốc Tử Giám ghi danh sử sách các vị tiến sỹ qua các thời kỳ trên bia đá.
Học cách làm của người xưa, một thời có mấy vị tiến sỹ hò nhau lập nơi ghi danh các tiến sỹ thời hiện đại. Nỡm ạ, cứ học theo các cụ ngày xưa, khó vạn lần. Các cụ xưa uyên thâm lắm, đừng nhìn thấy cái hiển hiện trước mắt mà bắt chước. Nhầm đấy.
Đến triều vua Khải Đinh (1919) chấm dứt thi khoa bảng. Triều phong kiến dần lụi tàn.
Xưa kia, cụ Ngô Tất Tố đã viết trong tác phẩm Lều Chõng "Ngày nay nghe đến hai từ "lều chõng", có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ vì những từ ấy từ biệt chúng ta mà đi tới chỗ mất tích đã gần ba chục năm nay. Nhưng mà trước hơn hai chục năm đi ngược trở lên, cho đến hơn một nghìn năm, "lều", "chõng" đã làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta tán khoe là "bốn nghìn năm văn hiến". Những ông ngồi trong miếu đường làm rường cột cho nhà nước, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám "lều chõng" mà ra. Lều chõng với nước Việt Nam chẳng khác một đôi tạo vật đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hay vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa. Rồi lại chúng nó đã đưa nước Việt Nam đến chỗ diệt vong. Với chúng, nước Việt Nam trong một thời kỳ rất dài kinh qua nhiều cảnh tượng kỳ quái, khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rụng rời hồn vía. (Ngô Tất Tố, Thời vụ số 109 ra ngày 10-3-1939)"
3. Cái thời, tài năng của một con người được tính bằng khoa bảng, đỗ đạt qua các kỳ thi đã từng làm nên nét văn nước Việt. Văn học, văn hoá, đời sống tinh thần người Việt dường như có cái gì đó xưa cũ. Kinh thành, đô thị Việt xưa được phát triển lên từ làng, hoặc kẻ chợ. Người đến, người đi cũng từ làng xã mà ra. Đau đáu trong tâm hồn Việt là hình ảnh làng quê với luỹ tre, dòng sông, tiếng gà gáy và khói bếp lam chiều. Khoa bảng rồi vào làm quan nhưng tư tưởng làng, văn hoá làng vẫn giữ lại. Người xưa, trầm tư trước phát triển của đô thị, chợt thấy mất nhiều thứ, buồn man mác buồn vì cái cũ kỹ nay còn đâu.
Người xưa thi, đỗ đạt, ắt hẵn được cắt cử làm quan, người xưa trọng dụng hiền tài lắm. Người nay, cả triệu người đi thi để thoả ước mong của các đấng sinh thành, mấy nhóc đi thi chắc gì đã ước mơ cháy bỏng với một tương lai tươi sáng.
Thi thời nay, để lựa chọn người tài hay để lọc bỏ người học kém? Thi thời nay, là một mớ kiến thức sách vở tích tụ suốt 12 năm miệt mài, cuộc thì nào hướng đến trí tuệ cảm xúc của con người? Cái nhạy cảm, cái tư duy hay cái tươi mới của con người có được đem vào bài thi ư? Sau một cuộc thi đại học, sẽ có khoảng 1,4 triệu người tham gia lao động trực tiếp, còn lại, 600.000 người tiếp tục miệt mài bài vở tại các trường đại học, cao đẳng. Cái sức trẻ của đất nước được nén vào mấy năm học. Mong chăng, với sức vóc của các bạn, những người trẻ đang dần bước vào cuộc đời sẽ đầy hy vọng, tràn trề, mỗi người một nghề và tiếp bước dấn thân để trải nghiệm.
Thi cử, cứ đến tháng 7 hàng năm, nỗi lo xưa cũ lại ùa về. Những vỡ oà hạnh phúc, những giọt nước mắt tiếc nuối, những “nếu mà …” lại xảy ra. Những bước chân nặng nề của bậc sinh thành cùng thì sinh lên đường về lại miền quê xa ngái trong chiều hạ muộn, giông gió sắp về.
Ngày xưa tôi đi thi, bố bảo đúng 1 câu “Thi đậu thì tiếp tục học làm người, không thì đi làm, con tự kiếm sống được.”. Còn mẹ, ngày tiễn tôi lên đường nhập học, mẹ dặn “Chí thú học con nhé, đừng quậy quá làm mẹ mệt”. Tôi nhớ mãi giọt nước mắt lăn dài trên gò má rạm nắng của mẹ, ánh mắt long lanh, tự hào.