Tổng số lượt xem trang
Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011
Cớ sao Vàng nổi sóng
Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011
Thiếu ở Hà Nội
Hôm nay suy nghĩ cứ vẩn vơ chuyện thắp hương nghĩa trang liệt sỹ. Có lẽ, đã thành một thói quen kể từ khi còn bé. Cứ đến 27-7 là ra nghĩa trang thắp hương.
Ở Hà Nội, hỏi và tìm mãi cũng rất khó có thể kiếm được một nơi để có thể thắp vài nén hương cho các liệt sỹ. Có cái đài tưởng niệm đối diện lăng Bác Hồ thì người ta đâu có cho thắp hương.
Thắp một nén hương những người đã khuất vì đất nước để thầm cảm ơn và nhớ tới thế hệ cha anh đi trước. Để trân trọng những người còn lành lặn hoặc thương tật nhưng đã trở về sau thời gian xung trân.
Một Hà Nội thân thương người đã khuất nhưng tìm một nơi để tưởng nhớ lại không dễ. Mong sao, một đài tưởng niệm ở trung tâm thành phố được dựng nên, để ngày ngày, người dân đi qua, thắp một nén hương tỏ lòng biết ơn hoặc cũng là một dấu hiệu để mọi người nhớ đến lịch sử của dân tộc.
27-7
Trong tâm trí tôi, rất ít miền quê trên tổ quốc Việt Nam như dải đất miền trung. Quê tôi, hầu như mỗi làng có một nghĩa trang liệt sỹ, chí ít, mỗi xã cũng có một nghĩa trang. Hồi còn học trò, mỗi lần đến ngày 27-7, tụi học trò bọn tôi lại được thầy cô dẫn lên viếng nghĩa trang liệt sỹ. Những ngày đó, nghĩa trang đầy nước mắt. Lớp 5 của tôi có đến hơn 10 người bạn có bố là liệt sỹ.
Hồi bà nội tôi còn sống, cứ mỗi độ tháng 7 về, bà lại đứng cạnh bàn thờ vuốt lại bao thư đã cũ. Bao thư được đặt trên bàn thờ từ năm 1972, bà tôi, chưa một lần đọc mà chỉ nhìn chăm chăm lên những con chữ với dòng bắt đầu “VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC BÁO TIN”.
Tôi đã từng đến nghĩa trang Trường Sơn ở Quảng Trị. Giữa chang chang nắng với ngút ngàn của dãy Trường Sơn, những nấm mộ trắng của các anh, các chị như hàng quân ra trận. Trên thế giới này, nghĩa trang Trường Sơn trở nên nổi tiếng, nổi tiếng bởi số lượng ngôi mộ cũng như số lượng mộ “LIỆT SỸ CHƯA BIẾT TÊN”.
Nhiều người đã bật khóc khi nhìn mãi, nhìn mãi đến tận chân núi vẫn là hàng mộ trắng. Giữa trưa hè nắng gió chỉ có tiếng dòng sông Bến Hải thì thầm hát, vẫn là tiếng rì rầm của dãy Trường Sơn như tiếng ru ời của sông núi.
Quê tôi, nghĩa trang Trường Sơn Ba Dốc nằm giữa ngọn đồi chang chang nắng. Những ngày này, nhiều người mẹ già chống gậy đến bên mộ con. Vẫn là những giọt nước mắt tiếc thương người con trẻ, tiếc thương với niềm hy vọng đoàn tụ. Nhiều mẹ, đã không còn nước mắt bởi hơn ba mươi năm rồi mẹ đã khóc vì nhớ con. Nước mắt giờ đã cạn khô, chỉ có lòng mẹ vẫn hoài nhớ thương.
Hàng năm, cứ đến ngày 27-7, trời rất nắng. Nắng rất trong như để soi đường cho các anh, các chị trở về. Nắng như trải lòng với tiếc thương của đồng bào.
Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011
Quê và Phố
Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011
Tháng 7 về
Tháng 7 về nhẹ nhàng, không ồn ả như ngày vào hạ của tháng 6. Phía sau những cơn mưa rào còn sót lại của tháng là mùi nắng hạ khô nồng của tháng 7. Vương vấn còn lại một nhành phượng hồng, mấy khóm bằng lăng như lẻ loi giữa cái nắng chói chang tháng 7.
Mẹ tôi hay mắng “lúc mô không về, cứ tháng 7 nắng khô người lại về quê”. Tôi đi xa đã lâu cứ vào tháng 7 lại nhớ nôn nao hương gió Lào thổi hun hút qua cánh đồng khô cháy. Mùa này, vườn chuối sau nhà bắt đầu đơm nải, những trái chuối tròn mũn đang chờ ngày rằm tháng 7.
Tôi hay về quê vào tháng 7, về để thấy triền cát mênh mang, nghe rặng phi lao rì rào theo sóng. Giữa trưa hè oi nồng chợt thoảng mùi hương trầm.
Quê tôi, tháng 7 là bắt đầu mùa tạ ơn. Những ngày đầu tháng 7 dương lịch mẹ đã làm mấy mâm cơm để tạ ơn những người lính, những người đã ngã xuống trong chiến dịch Thành Cổ. Ông bà ngoại tôi có người con đã ngã xuống khi cuộc chiến thành cổ đã qua 80 ngày, còn 1 ngày nữa là rút quân. Cha tôi thường nói, con đường trước nhà, năm 1972 đêm nào cũng có bước quân đi qua, xe bộ đội chạy rầm rập. Ngày thì bị bom cày nát, dân công, thanh niên xung phong tối lại san lấp làm đường.
Những người lính trẻ, từ phía bắc vào mang theo lòng nhiệt huyết và ý chí thống nhất đất nước. Các anh đi nhưng chưa trở về. Các anh ở lại với dòng Thạch Hãn, với đất và người miền Trung – gan góc trong khô cằn.
Hồi bé, cha tôi dạy đọc mấy câu thơ của người lính Lê Bá Dương:
“Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ.
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước.
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”
Tháng 7 về, mùa Vu Lan báo hiếu. Khi nắng hạ còn vấn vương trong giăng mắc làn mưa ngâu, gió mang chút heo may qua ngọn mía sau vườn thì mẹ tôi lại về quê. Dù có bận bịu với ruộng vườn, con nhỏ nhưng mẹ vẫn sắp xếp về quê. Mẹ sửa soạn mân cơm rồi đặt lên bàn thờ để tại ơn đấng sinh thành, cả gian nhà ngát mùi hương trầm.
Quê tôi, tháng 7 về không gọi là mùa Vu Lan mà chỉ gọi là ngày rằm tháng 7. Tháng 7 giữa mảnh đất cát trắng gió lào nên mâm cỗ chỉ là mấy trái cây trong vườn và mâm xôi đầy. Mẹ thường sửa soạn trong đêm hôm trước để sớm mai chọn mấy quả đẹp nhất để dọn mâm. Hồi bé, mẹ hay bảo “rằm ni sắm ít lại để dành tiền mua sách cho các chị”. Xong lễ cúng, tụi trẻ bọn tôi được mẹ phân công mang hoa quả đi biếu nhà hàng xóm.
Cũng lạ, cứ mùa rằm tháng 7, nơi quê tôi lại chuẩn bị tiễn nhiều tân sinh viên lên đường ra bắc, vào nam học tập. Nhà ai có con đi đại học, cả làng như mừng vui. Ngày tôi đi Hà Nội nhập học, cha bảo “cây ổi sau nhà ra quả trái mùa, rằm năm sau về biếu họ nhé”. Có bác hàng xóng mang cho tôi mấy quả xoài cát, thơm lắm.
Gần 20 năm tôi rời quê, cha mẹ già vẫn chung tình với mảnh đất đầy gió. Cứ tháng 7 về, lòng chợt miên man nhớ mùi hương trầm.
Về thôi, về để còn thấy lòng mình vấn vương quê nhà, về để miên man theo gió heo may qua triền cát, để thấy mẹ cha vẫn ươm vườn rau sau mùa khô hạn.