Tổng số lượt xem trang
Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012
Quê hương
Quê hương, hồi còn là sinh viên, mấy đứa bạn hỏi: quê mày có gì đẹp. Tôi đáp, chả có chi, đẹp hết. Lớn lên rồi, chẳng thấy quê mình đẹp chi cả, thiệt. Nhưng chợt thấy lòng mình yên lành khi nhớ về quê.
Quê hương, cát nhiều chi lạ. Cát triền miên từ bờ biển cho đến bờ sông, từ con đường làng cho đến sân nhà. Mỗi lần về quê, áo quần vận thêm cát. Mà lạ, cát cứ trắng mênh mang, mỗi khi có mưa giông, cát chảy thành dòng. Cát in dấu trong tâm trí tôi ngay cả khi chào đời vì mẹ tôi sinh tôi ra trên triền cát.
Quê hương, gió Lào hun hút, khô nồng và đượm mùi mặn mòi của biển mỗi khi gió nồm. Biển vẫn cồn cào quanh năm, vẫn ru rặng phi lao đầu bãi những bài tình ca. Tuổi thơ tôi đượm những giấc mơ trưa dưới rặng phi lao rì rào gió.
Quê hương, là Mẹ. Mẹ cho tôi tất cả tình yêu thương của mẹ. Mẹ mất rồi, gia tài để lại cho tôi là tình yêu thương và nỗi nhớ nhung vô hạn. Trong tôi, mẹ là hình ảnh tất tảo, là dáng mẹ ngồi xắt rau heo bên giếng, là dáng mẹ đánh luống khoai bên vườn. Quê hương là Mẹ, nơi mỗi khi mẹ đi về là tiếng heo kêu, tiếng gà tục tác, là tiếng ăng ẳng của lũ chó.
Quê hương, là Bố. Là tiếng búa gõ vào chiếc đe khi bố đang tán lại chiếc nồi gang bị thủng. Quê hương, là tiếng bửa củi mỗi sáng sớm mùa hạ. Bố, những ngày đi biền biệt để lại mẹ con với làng quê, để rồi, khi bố trở về, bố mang về cả cảnh thâm u của núi rừng Trường Sơn, tiếng đì đúng súng nổ của chiến trường Nam Lào, là những câu chuyện rùng rợn về cảnh tang thương của chiến tranh.
Quê hương, nơi mỗi lần trở về, mấy người hàng xóm lại hỏi “Cu về lúc mô rứa, ăn chi chưa?”. Quê hương, mỗi khi về rồi đi, chị cả lại hỏi “Khi mô về lại” với ngân ngấn nước mắt.
Quê hương, là mỗi khi gặp bạn cũ, bạn lại nhắc “Mi ở ngoài nớ nhậu mần chi cho buồn, về đây nhậu tít mù luôn đi”.
Mỗi lần về quê hay mỗi lần đi xa, tôi cảm thấy lòng mình thuộc về nơi ấy, nơi quê nhà đang có những niềm yêu thương vô tận dành cho tôi.
Tết đầu vắng mẹ
Năm nay, tết vẫn vậy, cây hoa đào trước nhà đơm bông nhưng có vẻ nhạt màu, gốc mai vàng bên nhà không trổ hoa, nồi bánh chưng thiếu đi vị mặn mòi.
Tết về quê, nhìn di ảnh của mẹ chợt miên man buồn, nổi nhớ mẹ khôn nguôi. Mẹ đi rồi, căn nhà thêm trống vắng, căn bếp dường như thiếu hơi ấm của mẹ. Con cún ngồi co ro ư ử chứ không chạy lăng quăng quanh chân như bao năm.
Tết về, bố lặng lẽ. Ông căm cụi lau dọn bát hương bàn thờ tổ tiên ông bà, mẹ. Nén hương chắp tay vái quá đầu như đè nặng lên vai bố. Bố trở nên lặng lẽ, đôi mắt u buồn và dáng vẻ mệt mỏi.
Con về, bố vui lên một chút nhưng rồi niềm vui chẳng kéo dài, những giọt nước mắt xót thương lại lăn dài trên khóe mắt. Tết này, bố một mình. Bố vẫn kể cho con nghe câu chuyện về những giấc mơ có mẹ trò chuyện cùng bố.
Mẹ ơi, vắng mẹ rồi đâu còn mùa xuân giăng mắc mưa phùn.
Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012
Nước mắt mệ ngoại
Tôi vội vã trở về miền quê yêu dấu nơi có dòng tộc, họ hàng thân thích nội ngoại. Chuyến đi về quê nội cùng bố vợ mang lại cảm giác miên man khi chợt nhận ra, trong khoảng khắc chờ đón tết, ai cũng tất bật, lo toan nhưng việc quan trọng nhất vẫn là lễ tảo mộ. Quê tôi, cứ đến ngày tiễn ông táo lên trời là con cháu lại tụ tập đông đủ để xủi mả. Mồ mả, nhà thờ họ được quét dọn sạch sẽ để tưởng nhớ công ơn sinh thành của các bậc tiền nhân.
Trở về quê ngoại sau gần 4 năm chưa về, mệ ngoại đã 90 tuổi, vẫn nhớ đứa cháu ở xa thích món cá kho niêu đất, mệ bảo “Mi về răng không nói trước để mệ nấu”. Tuổi thơ tôi gắn liền với niêu cá kho của mệ. Cái thời nghèo khó vẫn đeo đẳng trong những giấc mơ của tôi. Hình ảnh vẫn còn trong tâm trí của tôi là bóng dáng mệ xách chiếc làn đi chợ về, tất tảo và vội vàng. Mệ lúc nào cũng vậy, lo cho chồng, cho cháu trước khi lo cho mình.
Tôi về, mệ khóc, những giọt nước mắt cạn khô từ khóe mắt, lăn dài trên gò má nhăn nheo, cằn khô của thời gian. Mệ bảo “Mẹ bây mất rồi, bố con bây xoay xở răng được, mệ mần mấy món đây rồi, bây đem vô mà ăn tết”.
Ngày mẹ còn sống, năm nào mẹ cũng về quê dịp gần tết. Bà là con gái cả nên lo toan cho ông, mệ luôn có một cái tết đầy đủ. Mỗi lần về, mẹ lại dắt chúng tôi đi thăm họ hàng, thắp hương cho mộ tổ, nhà thờ họ. Mẹ như thuộc lòng các con ngõ, đường ruộng.
Mệ ngoại bây giờ không phải là mẹ đẻ của mẹ tôi nhưng mệ đã nuôi mẹ tôi lớn khôn từ những đám ruộng, những luống khoai, vườn rau, từ làn khói bếp ban chiều, từ tiếng ì oạp nước lên của sông Gianh. Ngày dì tôi mất, mệ đớn đau nhìn số phận của con gái. Ngày mẹ tôi mất, mệ gục đầu bên bàn thờ tổ tiên khấn lạy vong linh bề trên xin được đi thay con gái. Có nổi đau nào tột cùng hơn nổi đau của người tóc bạc đưa tiễn người tóc xanh.
Gặp lại mệ ngoại, tôi chợt thoáng thấy bóng dáng mẹ tất tảo chợ về, khói bếp lại nhẹ nhàng luồn qua mái tranh vấn vương trên mái nhà.
Quê ngoại đó, mệ đây nhưng khói bếp đã nhạt nhòa. Mệ còn là còn cả miền quê ngoại trong tôi, còn cả tình yêu thương và man mác buồn tiếng bìm bịp kêu ngoài bờ sông đầy gió.
Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012
Gia tài của mẹ
Mẹ cho con niềm yêu thương và nhớ mong mỗi khi nhớ đến mẹ.