Tổng số lượt xem trang

14,982

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Qua những giấc mơ


Đêm qua, trong giấc mơ tôi mơ thấy mình chân trần, bé tí lon ton trên cánh đồng khô đầy gốc rạ sau mùa gặt. Đằng đẳng, cũng đã gần 20 năm xa nơi tuổi thơ và lớn lên. Đi xa, lang bạt kỳ hồ khắp chốn từ núi rừng thăm thẳm Trường Sơn cho đến những vùng biển xa xôi bên Đại Tây Dương nhưng tôi vẫn lặp lại những giấc mơ xưa cũ, bé thơ. Đi xa, chẳng nơi nào níu kéo tôi lại với những giấc mơ, chỉ là những ký ức mênh mang của tuổi trẻ, còn lại, vẫn là da diết nỗi nhớ quê nhà.
Bạn tôi ở Hà Nội, hắn hỏi, ở quê có chi mà mi hay về rứa? Tôi không trả lời được.
Tôi thích cảm giác sớm mai tinh mơ hít đầy lồng ngực hương vị mặn mòi của gió biển, tôi thích nghe tiếng gà gáy giục canh sớm, tôi ao ước được hít căng cánh mũi mùi lúa đến kỳ trổ đòng. Quê nhà, có ai không nhớ mùi sữa thơm nồng bên má chú bê con, có ai không nhớ tiếng ăng ẳng, rung rúc, rù rù của bọn cún con nhảy cẩng lên khi lâu ngày gặp lại người nhà. Tôi thích được ngắm chiếc bánh mặt trời nhô cao từ dưới mặt biển, rực hồng và đầy sức sống. Quê nhà, nhớ bà hàng xóm có món dưa môn mới muối đã mang sang cho hàng xóm một bát làm vui, nhớ vạt khói bếp chiều vương vấn quanh mái hiên nhà. Miền quê xa ngái, thăm thẳm là những nỗi nhớ chầm chậm len vào cuộc đời.
Quê nhà tôi đấy, nhớ dáng mẹ với vạt áo đẫm mồ hôi giữa mùi đông, nhớ tiếng cha thở nặng sau khi gánh khoai sắn về chiều muộn. Mấy năm rồi, mẹ rời xa dương gian tôi vẫn mơ thấy dáng mẹ bên hiên nhà từ thủa tôi còn bé. .
Sống giữa đô thì thành phố mà cứ nôn nao nhớ quê nhà. Quê, không khói bụi mịt mù, không ồn ào còi xe, không tiếng mắng chửi rộn ràng của mấy bà bán hàng chợ cóc. Quê, chẳng ai dè sẻn câu hỏi thăm hay nụ cười thân thiện. Bao lần, giữa vạn người lầm lũi mưu sinh nơi đô thị tôi tìm kiếm một ánh mắt sẽ chia hoặc một nụ cười tươi mới nhưng khó quá.

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Giao thông ở Mỹ: Cảnh sát về nhì

Bạn tôi, hắn "bị" định cư ở Mỹ khoảng 15 năm nay rồi, hắn bảo, ở tạm bên ni, khi mô lớn tuổi thì về nước "cho nó lành". Hắn làm phóng viên cho một tờ báo nhỏ, kiếm cũng kha khá, thi thoáng đánh hàng về Việt Nam kiếm tí tiền lời tỷ như áo quần, ví, kính mát, đồng hồ....Hắn nói, hàng xách tay xin, nhưng hầu hết, sản xuất tại Trung Quốc.
Hôm qua hắn online than: "Vừa bị cảnh sát giao thông níu, phạt mấy chục đô, nhưng, thằng bảo hiểm nó vừa thông báo charge thêm phí 15%. Ức không thể cãi được. Việt Nam mà làm thế này thì giao thông ngon hẳn lên cho mà coi". Tôi hiểu hắn, bởi tôi đã 2 lần đến Mỹ. Dù đến và loanh quanh trong khu cảng Los Angeles và Long Beach vài ngày.
Người Mỹ cũng như người nước khác trên thế giới, đôi khi họ nhờn luật. Cảnh sát ở Mỹ được cái là làm việc công minh, cấm có nề quen biết mà xin xỏ. Vi phạm, phạt. Cãi, phạt. Không chịu nộp phạt, phạt nặng hơn. Bạn tôi, có lần hắn đâm đơn kiện lên toà của thành phố LA để đòi 40 đô tiền phạt đậu xe không đúng vạch, hắn lý luận rằng, cái vạch quá nhỏ đối với cái xe của hắn. Hắn lên toà, hắn cãi lấy được, không luật sư, không trợ lý. Hắn bảo, nếu thế thì kẻ cái vạch rộng ra tí. Thế mà toà chấp thuận lý lẽ của hắn. Trả hắn 40 đô, bắt cảnh sát giao thông phải xin lỗi hắn.
Nước Mỹ, ra đường bị cảnh sát giao thông hụ còi và kiểm tra thì phải làm theo, cấm có từ chối mà bị phạt nặng hơn hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Bạn có thể chạy xe vượt đèn hoặc quá tốc độ, bạn bị phạt khoảng hơn 200 đô. Bạn OK, coi như rút kinh nghiệm.
Vậy nhưng, sau khi bạn đã bị trừ tiền trên tài khoản, các nhà bảo hiểm mới "trò chuyện" với bạn. Vụ này liên quan đến tiền túi của bạn. Mức phí bảo hiểm của bạn có thể bị tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 bởi hồ sơ của bạn đã "bị điểm danh". Nhà bảo hiểm đánh giá vào đạo đức và ý thức tuân thủ luật pháp của bạn.
Ở Mỹ, không có bảo hiểm là không có chi sất. Nhà bảo hiểm có đủ quyền để xử lý túi tiền của bạn. Cảnh sát họ chỉ phạt, không nhắc nhở, không đôi co. Còn lại, nhà bảo hiểm sẽ "chơi" với bạn cho đến ngày bạn chán ngán việc sở hữu chiếc xe hơi.
Mà ở Mỹ, bán cái xe hơi cũ cũng là một câu chuyện hay. Xin hầu chuyện trong thời gian tới về chủ đề này.
Ước chi, nhà bảo hiểm ở Việt Nam mình áp dụng được theo mô hình phạt của Mỹ, giao thông ở Việt Nam chắc đỡ khổ hơn nhiều.


Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Siêu bão và Lòng tham

Mấy ngày hôm rồi, con dân nước Việt bỗng dáo dác,  ngơ ngác hết cả. Đầu tiên, khi cơn bão số 14 (Haiyan) đang ở tít ngoài Thái Bình Dương thì đã có tin đổ bộ vào khu vực nam bộ. Một cuộc di dân đã rục rịch bắt đầu. Ngày 8/11/2013, dự báo vào Trung Trung bộ và Nam trung bộ, dân làng đang lay lắt với hậu quả của cơn bão trước nay đón thêm tin dữ bỗng nhói lòng, hui hắt giọt nước mắt rơi.
Một ngày sau, dự báo vào Bắc Trung Bộ, đồng bào lại nhốn nháo bởi hậu quả của 2 trận lũ liên tiếp đã đe doạ tính mạng của bà con. Họ lặng lẽ thu dọn tài sản, chằng chéo nhà cửa - mà còn gì nữa đâu mà giữ lại.
Đến 10/11/2013, chính thức bão số 14 đi vào vùng Đông Bắc Bộ, càn quyét Hải Phòng, Quảng Ninh. Bà con thấp thỏm và sẵn sàng đối phó với bão. Ai cũng lo, nhưng lòng người vẫn vững, bao đời nay, đồng bào đã đối mặt với hàng trăm, hàng nghìn cơn bão, bà con trở nên can trường, vững dạ.
Vậy nhưng, khi đối mặt với sự thật cuộc sống, với lòng tham vô đáy của một số người, đồng bào mình lại trở nên uất nghẹn, giọt nước mắt mặn chát như chính cơn sóng biển đục ngầu đang dội xuống cuộc đời.
1. Bố ở quê, sau cơn bão là hoang tàn nhà cửa, vườn tược. Mái tôn che nắng mưa bao đời nay bị cơn bão thổi tung bốc đi hàng chục mét.
Sau bão, bố cặm cụi gom góp để làm lại. Ra cửa hàng bán vật liệu xây dựng, sau khi nghe phát giá bán mấy tấm tôn, xi măng, gạch ngói, bố gọi cho tôi "Thôi con ạ, ra Giêng rồi làm, chừ đắt lắm, giá gấp 5 gấp 6 so với bình thường. Họ chém ác quá..."
2. Cơn bão 12, bạn tôi đi qua Nghệ An, vì ngập lụt nên không thể di chuyển, bạn phải mua gói mì tôm với giá 50.000 đồng/gói. Bạn buồn, bạn nghẹn ngào với giọt nước mắt đắng chát. May thay, đồng bào địa phương trong cơn khốn khó đã không bỏ nhau, họ đùm bọc và yêu thương. Tối đó, bạn gọi "Ở với bà con một đêm mà sướng hơn tiên mi ơi"
3. Sáng chủ nhật, ngày 10/11/2013, vợ tôi đi chợ, khi đi về, mang theo vẻ mặt hậm hực và bực tức. Vợ nói, đúng là dân buôn bán, ngày mưa bão là chém giá lấy được. Người đi mua cũng tranh nhau mua. Bình thường chê ỏng eo chừ lại lao vào dành nhau mua. Rõ khổ.
Lòng tham của con người sẽ được bộc phát trong cơn hoạn nạn.