Lịch sử thị trường tiền tệ của Việt Nam đang chứng kiến một nốt trầm của bản giao hưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng trong gần 5 tháng đầu năm 2012 đang ở mức âm. Cú sốc này của nền kinh tế tương tự như một vận động viên điền kinh đang chạy nước rút để về đích bỗng đứng khựng lại. Hậu quả là cơn suy tim xuất hiện, máu dồn ứ lên não và dẫn đến sock.
Nền kinh tế đang bị sock do giáng đòn mạnh trong chính sách tiền tệ. Kịch bản của chính sách tiền tệ khá đúng khi kê đơn để điều trị căn bệnh lạm phát của nền kinh tế nhưng đơn thuốc này đang gây ra một số phản ứng phụ.
Kịch bản điều hành kinh tế thông qua chính sách tiền tệ năm 2012 đã được định hình là: Tổng phương tiện thanh toán tăng 14% - 16%, tăng trưởng tín dụng từ 15% - 17%, lạm phát dưới 10%, tăng trưởng kinh tế đạt 6%.
Như vậy, kịch bản đưa ra và các biện pháp thực thi chính sách tín dụng chưa ăn khớp với nhau. Liệu rằng, trong khoảng thời gian còn lại của năm 2012, tăng trưởng tín dụng có được kích lên?
Để đạt được chỉ tiêu như kịch bản đưa ra, có khả năng trong giai đoạn ngắn hạn sắp tới, lượng cung tiền sẽ được bơm ồ ạt nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.
Tuy vậy, với tình hình làm ăn bi đát của lực lượng doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, liệu khi van tín dụng được mở ra, doanh nghiệp có đủ sức tiếp nhận vốn. Nền kinh tế đang đi vào giao đoạn ổn định và phục hồi sau cơn bệnh nặng, nếu bơm thêm liều thuốc bổ ồ ạt thì có khả năng cơn bệnh sẽ lại tái phát.
Một nhận định có thể đưa ra là hình như nền kinh tế đang không quá phụ thuộc vào lượng cung tiền của chính sách tiền tệ hay nhu cầu tín dụng của nền kinh tế không quá phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại.
Để minh chứng điều này, nhiều doanh nghiệp đã cho rằng, giờ vay được cũng chẳng biết để làm gì, đầu tư vào đâu cũng thấy cầu giảm mạnh. Tại sao vậy?
Xem lại chính sách tài khóa vừa qua, chi tiêu công đã giảm đột ngột kéo theo cầu giảm. Nợ của lĩnh vực tư nhân (khoản vay từ ngân hàng thương mại) hầu hết phục vụ cho cầu của chi tiêu công. Khi cầu giảm, tư nhân hết cửa làm ăn. Nợ ngân hàng tăng cao. Đầu tư tư nhân đang co cụm và phòng thủ.
Khi nền kinh tế không còn quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, doanh nghiệp đã chủ động huy động vốn bằng các hình thức khác. Đặc biệt, hoạt động cổ phần hóa và chuyển thành công ty đại chúng đang diễn ra khá mạnh, tạo ra kênh dẫn vốn về cho nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp.
Để kích thích tăng trưởng trong các tháng còn lại, cần khôi phục lại tổng cầu của nền kinh tế: Nới dẫn chi tiêu công, nới cung tín dụng, kiềm chế/kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Cần lựa chọn doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu và hàng hóa tiêu dùng cuối cùng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp hạ chi phí sản xuất, giảm giá bán, tăng khối lượng bán nhằm tạo nên mặt bằng giá cạnh tranh thấp hơn.
Quan trọng là: Điện, xăng, khí đốt không nhảy múa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét