Tổng số lượt xem trang
Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011
Mẹ
Cuộc đời của mẹ là câu trả lời
Cho con nỗi nhớ không rời
Cho con ấm cả chân trời nắng lên
Ngày về tóc mẹ bạc thêm
Mong con chân cứng đá mềm phương xa
Đôi khi nhìn ráng chiều tà
Chừng như thấp thoáng quê nhà nhớ thương
Nhớ thương xin được hát thầm
Lời ru của mẹ ngàn năm mãi còn"
Mẹ đi rồi, tôi chẳng thể nào xoay xở với nổi nhớ miên man của mình. Hình ảnh mẹ trong buổi chợ sớm vẫn cứ ám ảnh trong tôi. Tuổi thơ tôi, đầy ắp hình ảnh mẹ tất tảo chợ sớm để kịp giờ làm. Ngày xưa, nghèo lắm, cơm ngày 2 bữa còn độn khoai sắn nên mỗi lần chờ mẹ chợ về là những hôm có một món gì đó ngon.
Ngày bé, tôi lớn lên với những củ khoai nướng, những lát sắn trắng đục. Vậy mà vẫn lớn lên khỏe mạnh. Mẹ tôi thường bảo, "mi ăn khoai sắn mà lớn lên đó, cơm dành cho anh chị hay bị ốm". Còn nhớ, lúc học lớp 10, tôi đi thi chuyên tiếng Nga ở Đồng Hới, mẹ tất tảo dậy sớm làm cơm nắm, vỏn vẹn 2 nắm cơm bằng nắm tay và 4 miếng thịt. Mẹ còn dặn "con để dành mà ăn khi đói nhé".
Không hiểu sao, tôi cứ vẫn vơ nhớ miên man những ngày vất vả, mẹ tần tảo lắm. Tôi là đứa lớn nhanh nên được mẹ cho lon ton theo mẹ đi làm, đi hái lá, đi chặt củi.
Mẹ đi rồi, nỗi nhớ không rời.
Tôi nhớ lời ru của mẹ trong những đêm hè nóng nực. Tôi nhớ tiếng bằm khoai mỗi lúc sáng sớm. Tôi nhớ tiếng lá mía xào xạc bên hè. Tất cả, chỉ là những âm thanh do mẹ tạo nên. Những âm thanh của tần tảo của mẹ, những tiếng vọng của quê nhà, của tuổi thơ tôi.
Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011
Thư gửi cô giáo của con trai
Hôm qua, con trai tôi, học trò của cô, có trò chuyện với tôi bằng phong cách nói chuyện khác thường:
- Bố ơi, bố hãy ngồi xuống đây, chúng ta nói chuyện như hai người đàn ông.
- OK, chuyện chi vậy con?
- Hôm nay ở trường, con đánh một bạn đấy.
- - Tại sao thế?
- Vì bạn ấy dành đồ chơi của con và đánh con trước. Con mách cô giáo nhưng có lại bảo “Con tránh ra kẻo bạn đánh”. Sao cô không bênh con, bố nhỉ?
- Ừm...
- Sau đó, bạn ấy lại đánh con nên con đánh lại bạn ấy, một đấm rất đau, bạn ấy khóc nhè, mách cô giáo, thế rồi cô giáo mắng con.
Tôi sẻ không trách cô giáo hay tìm hiểu lý do tại sao các cháu đánh nhau vì tụi trẻ, hầu như đứa nào cũng có xích mích trong khi chơi và học cùng các bạn. Tôi muốn trò chuyện với cô về một điều khác, về điều mà tôi đã dạy con trai tôi cách xử lý tình huống trên.
Tôi đã dạy cho con trai tôi một vài thế võ để mỗi sáng thức dậy, cháu tập thể dục, rèn luyện sức khỏe. Tôi đã dạy con trai rằng, học võ để rèn luyện nhân cách và để tự vệ đối với những kẻ thô bạo.
Tôi đã dạy con trai hãy trò chuyện với cô giáo nếu có một ai đó dọa đánh hoặc đánh mình và cháu đã tin rằng, cô sẽ đối xử công bằng và nhân ái bởi cô giáo là người thiết lập một khuôn khổ công bằng trong lớp học, là người mẹ thứ hai hướng dẫn cho cháu nhân cách sống.
Tôi không khuyến khích tụi trẻ đánh nhau nhưng tôi nhắn nhủ con trai tôi rằng, hãy tự vệ khi có kẻ khác đánh mình và đánh người khác. Tôi đã nói với cháu rằng, những kẻ hay đánh người khác lại là những người dễ bị tấn công nhất.
Câu chuyện của bố con tôi vẫn tiếp tục: Nếu lần sau mà bạn ấy vẫn như thế với con, con phải làm thế nào?
Nếu cô giáo đã là người mẹ, cô sẽ thấy câu hỏi này sẽ buộc chúng ta cần phải suy ngẫm: Đánh lại hay mách cô giáo? Tôi đã băn khoăn mãi với câu hỏi của con trai. Và thật tình, tôi đang trông đợi ở cô giáo cách giải quyết công bằng.
Theo tôi, chúng ta có thể áp dụng cách của những nhà ngoại giao: Đàm phán để hai đứa trẻ tìm ra giải pháp.
Bóng mây
Mẹ như bóng mây
Để con nương tựa
Mẹ như ngọn gió
Thổi mát lòng con
Gió đưa mây đi
Mênh mang nổi nhớ
Mây gió đâu còn
Tìm đâu nương tựa
Mẹ đi xa mãi
Con cứ ngóng trông
Chờ mong khói bếp
Trong ánh ráng chiều
Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011
Bến đời
Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011
Thị trường và trò chơi chính sách
Nobel Kinh tế năm 2011 đã được trao cho 2 nhà khoa học về kinh tế người Mỹ - Thomas Sargent và Christopher Sims. Lý thuyết của 2 nhà khoa học tập trung vào việc nghiên cứu “biến đổi của nền kinh tế đối với các chính sách điều hành vĩ mô của nhà nước” và được gọi tên là lý thuyết kỳ vọng hợp lý mới.
Kỳ vọng hợp lý (Rational expectations) là một giả thuyết (hypothesis) trong kinh tế học nói rằng các dự đoán của bên liên quan về giá trị của các biến kinh tế (ví dụ: tỷ lệ lãi) không sai một cách có hệ thống và độ lệch so với giá trị thực là ngẫu nhiên. Một phương thức công thức hóa là các kỳ vọng hợp lý là các kỳ vọng nhất quán với mô hình, theo đó các bên tham gia trong mô hình giả sử rằng dự đoán của mô hình là đúng. Giả sử về kỳ vọng hợp lý được sử dụng trong nhiều mô hình kinh tế vĩ mô đương đại (contemporary macroeconomic models), lý thuyết trò chơi (game theory) và các ứng dụng khác trong lý thuyết lựa chọn hợp lý (rational choice theory).
Lý thuyết kỳ vọng hợp lý định nghĩa kỳ vọng hợp lý (rational expectations) là các kỳ vọng giống hệt các phán đoán tốt nhất về tương lại sau khi đã sử dụng tất cả các thông tin có sẵn. Như vậy, nó giả sử rằng kết quả đầu ra được dự báo không khác biệt cơ bản với kết quả của cân bằng thị trường (market equilibrium). Theo đó, kỳ vọng hợp lý không khác căn bản hoặc khác mà có thể đoán được với kết quả cân bằng. Theo đó, nó giả sử rằng người ta không mắc lỗi hệ thống (systematic errors) khi dự báo tương lai, và các sai lệch của dự báo mang tính ngẫu nhiên (random). Trong một mô hình kinh tế, lý thuyết này giả sử rằng giá trị kỳ vọng của một biến số sẽ bằng với giá trị được mô hình dự đoán. (Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/K%E1%BB%B3_v%E1%BB%8Dng_h%E1%BB%A3p_l%C3%BD)
Các phân tích, chứng minh của 2 chủ nhân của giải Nobel được dựa trên các số liệu lịch sử, họ chưa có điều kiện để chứng minh thực nghiệm đối với nền kinh tế hiện nay trên thế giới. Lý thuyết này được đối chiếu với lý thuyết cân bằng thị trường.
Tuy vậy, đứng trên góc độ hành xử của B. Obama và Ben Bernanke tại Mỹ chúng ta có thể thấy điều này.
Mỗi chính sách điều hành vĩ mô về tiền tệ là một kỳ vọng trong tương lai. Một khi kinh tế Mỹ đã lún sâu vào khủng hoảng nợ công, lạm phát và đình đốn, chính phủ đã nhanh chóng áp dụng các chính sách vực lại nền kinh tế. Các gói kích cầu QE1, QE2 đã được tung ra nhưng chỉ được vài tháng. Gói này được ví như, con bệnh kinh tế đang bạo bệnh, tiêm cho tí móc phin để giảm đau. Sau đó, gói Operation Twist với 400 tỷ $ đã được bơm tiền vào nền kinh tế. Việc này, đồng nghĩa với việc sẽ in thêm tiền hoặc đi vay mượn đâu đó trên thị trường. Các nhà điều hành chính sách kỳ vọng rặng, với các gói cứu trợ trên sẽ giúp nước Mỹ nhanh chóng lấy lại cân bằng, phục hồi sản xuất, tăng trưởng.
Khi được hỏi, nền kinh tế Mỹ sản xuất cái gì? Các nhà khoa học Mỹ đã hài hước rằng: Súng, tên lửa, máy bay - Boing, phần mềm máy tính + mạng xã hội và Tiền - $.
Mùa cốm về
Hồi mẹ tôi còn, bà hay kể cho bọn tôi nghe câu chuyện về cốm làng Vòng của bà. Đó là thời bà còn sinh viên, bạn học của bà ở làng Vòng, có mời cả nhóm đến nhà ăn cốm xanh. Hôm sau, khi đến nhà người bạn, cả bọn mới té ngửa ra rằng, có mỗi một bát ăn cơm cốm, trong khi có đến gần chục đứa sinh viên. Mỗi người nhón một nhúm nhỏ, ăn thỏ thẻ từng hạt. Không ai dám ăn nhanh vì có mẹ của người bạn ở đó, bà đang kể chuyện làm cốm. Để có được một bát cốm nhỏ đó, bà phải thức cả đêm để tuốt lúa, sấy, giã, rang... cả một công đoạn làm cốm đòi hỏi người làm phải tỉ mẫn, công phu và thực hiện với cả tình cảm của mình.
Mỗi mùa thu về, tôi hay lọ mọ lên làng Vòng để mua cốm xanh rồi gửi về quê cho mẹ. Bà cứ cất đó, năm này qua năm khác, có lúc để còn mốc lên. Có lần tôi hỏi “Răng mẹ không ăn đi mà để đó?” Bà bảo “Lúc mô con cái về đông đủ, ăn mới thấy ngon”. Cứ mỗi độ thu về, mẹ lại mang cốm ra rang. Mùi cốm mới thơm nồng cả nhà, mấy đứa cháu ở xa, sau khi ăn xong rồi lại được túi lớn túi bé mang về, đứa nào đứa nấy chỉ lo dành nhau túi nào lớn hơn. Lúc đó, chỉ thấy mẹ cười rạng niềm vui.
Đời mẹ như hạt cốm thơm, góp nhặt từng hạt nhỏ để ấm lòng con cháu. Đời mẹ, góp nhặt những hạnh phúc bé nhỏ để rồi tặng lại cho con cháu niềm yêu thương, sự bao dung và che chở.