Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Sắp đến 100 ngày mẹ mất

Khung trời từ ly đã xoay vần gần 100 ngày. Mẹ mất. Cảm giác chông chênh giữa đời không lúc nào nguôi. Dẫu biết rằng, không ai sống cả đời nhưng mẹ đi rồi mới hiểu cội nguồn nhớ nhung, thương tiếc.

Ngày mẹ mất, chị cả gọi điện nức nở “Em về nhanh lên, mẹ bị nặng lắm”. Sau cuộc gọi, tôi nghĩ ngay đến mẹ, trước mắt tôi là hình ảnh mẹ phảng phất trong nắng, là hình ảnh mẹ đội chiếc nón trong nắng chiều.

Mới đó mà đã 100 ngày. Thời gian đi qua chẳng chờ ai. Tôi chênh vênh trên lối đi của cuộc đời, miên man nghĩ về mẹ, về phận đời còn lại của mình.

Tôi không thể quên được hình ảnh của bố đứng trong nắng cuối thu trên triền cát mênh mang nơi mẹ an nghỉ. Vành khăn trắng trên đầu bố rung rung theo nhịp tâm sự của bố với mẹ. Mẹ đi rồi, để bố lại một mình. Giờ đây, bố mới bắt đầu cuộc sống với bao lo toan cơm nước.

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Tiếp thị cho đất nước – góc nhìn từ doanh nghiệp (Phần 2)

Ai có thể xây dựng nên thương hiệu quốc gia? Thương hiệu quốc gia không chỉ là biểu tượng của một cái gì đó hay một vật nào đó. Ví dụ, tượng Nữ thần Tự do không phải là thương hiệu của nước Mỹ mà đó chỉ là biểu tượng của Hoa Kỳ. Tương tự, nước Anh chỉ có biểu tượng là tháp đồng Hồ Big Ben/Xe buýt hai tầng màu đỏ...

Thương hiệu một quốc gia phần lớn gắn liền với một sản phẩm hoặc hàng hóa nào đó. Ví dụ, thương hiệu của Mỹ là hùng mạnh về kinh tế tài chính, nước Đức là sản xuất công nghiệp, nước Pháp là mỹ thuật, Tây Ban Nha là đấu bò, Nhật Bản là tính kỷ luật.

Tựu chung, thương hiệu quốc gia được hình thành nên bởi văn hóa của các doanh nghiệp. Các ông chủ doanh nghiệp áp đặt mục tiêu của mình lên hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vươn ra thế giới cho đến ngày nay hầu hết là do ý muốn chủ quan và tham vọng của chủ doanh nghiệp. Lực lượng doanh nhân là khởi nguồn chính cho hàng hóa, dịch vụ của của đất nước đi ra với thế giới.

Nước Nhật sau chiến tranh chẳng ai biết là gì cả nhưng ông chủ Toyota đã làm được việc mang thương hiệu của hãng ra toàn cầu. Singapore được thế giới biết đến như là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương.

Có nhưng thương hiệu quốc gia có thể đi ra để tiếp thị cho thế giới hoặc là cầu nối để giao thoa của thế giới.

Bước đầu, Việt Nam đã khởi động chiến dịch xây dựng thương hiệu quốc gia cho riêng mình nhưng dường như đang bế tắc trong hướng tiếp cận khái niệm thương hiệu quốc gia. Ngay cả chọn biểu tượng cho đất nước cũng khó chứ chưa nói đến thương hiệu. Thương hiệu quốc gia có thể được điều chỉnh, thay đổi theo từng giai đoạn phát triển.

Với doanh nghiệp của Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai và Hàng không quốc gia Việt Nam đã bước đầu tiếp cận thị trường thế giới. Với Hoàng Anh Gia Lai, họ tiếp cận dòng vốn đầu tư của thế giới thông qua niêm yết trên sàn London. Vietnam Airlines tiếp cận thương hiệu của hãng thông qua quảng cái thương hiệu, dịch vụ hàng không qua quảng cáo trên các sân bóng của Ngoại hạng Anh.

Khách hàng thế giới biết đến Việt Nam khi hình ảnh đại diện của doanh nghiệp hiện diện trước ánh mắt họ. Họ biết đến Việt Nam qua các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp. Chính các doanh nghiệp đã và đang bước đầu bước vào công cuộc kinh doanh toàn cầu với những hình ảnh đẹp, mang lại lợi ích cho khách hàng.

Tôi thấy rất vui khi Vietnam Airlines hướng ra thế giới với từ “Charming – Duyên dáng/quyến rũ/Mê hoặc”. Một dịch vụ hàng không thuộc danh mục các dịch có yêu cầu về kỹ thuật, an toàn bay... bậc nhất thế giới lại lựa chọn một hướng đi Duyên dáng là khá lý thú.

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Tiếp thị cho đất nước – góc nhìn từ doanh nghiệp (Phần 1)

Thông thường, thế giới biết đến một quốc gia dựa trên những nguồn thông tin: Lịch sử, ẩm thực, du lịch, sự kiện kinh doanh của doanh nghiệp.

Với Việt Nam, thế giới nhận biết đất nước này thông qua những cụm từ sau: Chiến tranh Việt Nam – Vietnam War, Động Phong Nha - Phong Nha Ke Bang Cave/Vịnh Hạ Long – Halong Bay, Phở – Pho nuzzdle. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đang bước đầu chiếm lĩnh thị trường quốc tế như cá ba sa, cà phê, hạt điều, hạt tiêu.

Một sản phẩm đang chiếm lĩnh vị trí số 1 thế giới về sản lượng xuất khẩu là Hạt tiêu – pepper – đang nổi đình nổi đám trên thị trường. Việt Nam chiếm gần 50% lượng xuất khẩu hạt tiêu trên thế giới. Người ta đã ví rằng, nếu Việt Nam mất mùa hồ tiêu thì ẩm thực của thế giới sẻ kém hấp dẫn bởi hạt tiêu là gia vị hấp dẫn cho rất nhiều món ăn.

Tuy nhiên, cái cách xuất khẩu hạt tiêu ra thế giới của Việt Nam thì chẳng giống ai, các doanh nghiệp nhỏ thi nhau xuất khẩu thô, mạnh ai nấy làm. Theo tôi, nhà nước nên hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoặc chính nhà nước xây dựng nên doanh nghiệp chế biến hạt tiêu tinh để xuất khẩu. Nếu nhà nước không làm thì nên để cho doanh nghiệp tư nhân làm và hỗ trợ họ trong triển khai kinh doanh toàn cầu. Nhà nước cần kích thích nhu cầu của thế giới về hạt tiêu bằng việc truyền thông, quảng bá hình ảnh, chất lượng hạt tiêu Việt Nam. Thông điệp có thể là “Vietnam’s pepper – World’s spice”

Còn tiếp....

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Lender of last resort – Người cho vay cuối cùng

Vòng quay của tiền trên thị trường liên ngân hàng đang rơi vào tình trạng thiếu chế tài để kiểm soát.
Thông thường, thị trường liên ngân hàng được hình thành nên trên quan hệ lợi ích lãi suất. Đây là cốt lõi của hoạt động gửi tiền giữa các ngân hàng với nhau. Về lý thuyết, các ngân hàng đang dư thưa nguồn vốn sẻ đem gửi vào các ngân hàng có mức lãi suất nhận vốn cao.
Thị trường liên ngân hàng ở Việt Nam lại như một hoạt động tín dụng. Ngân hàng cần vốn cho thanh khoản lại đi vay mượn của ngân hàng đang dư thừa. Hoạt động này chưa có chế tài đủ mạnh để quản lý. Sự thật thì các ngân hàng là chủ nợ đang loay hoay tìm giải pháp để đòi nợ từ các ngân hàng là con nợ. Chính các ngân hàng con nợ lại là chủ nợ của các con nợ khác. Điều này mặc nhiên hình thành nên trạng thái nợ đồng lần giữa các ngân hàng với nhau. Một khi có một ngân hàng nào đó rơi vào tình trạng kém thanh khoản sẻ kéo theo các ngân hàng khác rơi vào tình huống như vậy nhưng có thể là tạm thời.
Về cơ bản, ngân hàng trung ương sẻ thực hiện quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của lượng cung tiền trên cơ sở lãi suất. Ngân hàng trung ương đưa ra các mức lãi suất cho vay để cung ứng tiền cho những ngân hàng cần tiền cho thanh khoản. Hạn mức tín dụng được cấp ra buộc phải có tài sảm bảo đảm cho khoản vay. Đây chính là chính sách điều hành theo lãi suất. Đó là giá của tiền.
Thực tế cho thấy, tình hình thanh khoản của các ngân hàng dường như luôn nằm trong tình trạng báo động. Càng xuôi về cuối năm thì báo động đó càng nâng cao. Các ngân hàng cần thanh khoản lại dựa vào nguồn cung tiền từ ngân hàng trung ương để giải quyết các khoản nợ của thị trường 1. Điều này dẫn đến bùng phát lãi suất cao của thị trường 2 – liên ngân hàng. Khi liên ngân hàng phát sinh lãi suất cao, các ngân hàng đang huy động trên thị trường 1 có thể thổi giá để huy động thêm nhằm tăng cung vốn lên thị trường 2. Như thế, vô hình chung đã kích thích lãi suất của thị trường 1 tăng lên. Chính cái vòng luẩn quẩn này đã làm khó cho chính sách điều hành vĩ mô của ngân hàng trung ương.
Nguồn vốn của các ngân hàng được hình thành bởi thị trường 1 và một phần của thị trường 2. Hai thị trường này, về lý thuyết, được vận hành theo cơ chế Bình thông nhau. Khi một bên thiếu thì thị trường tự chuyển dịch đến.
Quan hệ gửi tiền trên liên ngân hàng thông qua lợi ích lãi suất chính là lực hút để nguồn vốn thông nhau giữa các ngân hàng. Trong trường hợp, các nguồn vốn được vận hành theo hình thức tín dụng thì chắc chắn sẻ có điểm tắc – như một đường ống phải dẫn bằng máy bơm.
Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương lại như một ốc đảo tiền, một ông chủ tiền đầy túi. Ông chủ này chỉ có làm một việc là bơm tiền theo hình thức cho vay để thu lợi qua lãi suất. Ai cần cũng cho vay tất. Điều đó dẫn đến hệ quả, các ngân hàng có tiềm lực tài sản lớn lại hút được tiền từ ngân hàng trung ương rồi sau đó ném lên thị trường liên ngân hàng theo hình thức tín dụng. Vô hình chung, một khoản tiền đã phải gánh 2 lần lãi suất (1 của ngân hàng trung ương và 1 của ngân hàng đem vốn lên giao dịch liên ngân hàng)
Mô hình Lender of last resort được cấu trúc bởi cơ chế hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng cần thanh khoản. Anh cần, ngân hàng trung ương cho vay. Chỉ cần vay một lần ở tôi là được. Đằng này, thị trường ngân hàng Việt Nam giai đoạn này lại chơi kiểu vay liên ngân hàng. Kiểu chơi này dẫn đến việc các ngân hàng “bé bé, còi còi” luôn yếu thanh khoản sẻ bị thôi thúc tăng lãi suất huy động trên thị trường 1. Ngân hàng sẻ chẳng bao giờ dừng lại việc dụ khách hàng đến gửi tiền tại mình. Nếu bị cấm bởi trần huy động thì họ có thể lách bằng nhiều cách.
Tóm lại, nếu ngân hàng trung ương không điều khiển thị trường theo mô hình Lender of last resort thì mãi mãi lãi suất huy động sẻ phải được ấn định mức trần. Chơi kiểu khác sẻ được xem là đùa với lửa.

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Chân trời nắng lên

Nắng thu vương vấn sau nhà
Thái dương qua núi bóng chà hoàng hôn
Bâng khuông khói bếp chân mây
Chiều nghiêng nghiêng bóng thân gầy dáng ai
****
Bóng mây đã xuống sau đồi
Mẹ đi xa mãi con ngồi đợi ai
Chờ ai sớm chợ ban mai
Chiều vương khói bếp trên vai mẹ gầy

Mong người hãy trở về đây
Như sao buổi sáng như mây qua trời
Như hình dáng hạt sương rơi
Thoảng bay trong gió vương trôi nắng vàng

Xin người đừng vội đàng xa
Xin người ở lại cùng cha một lần
Hương trầm vương vớt trần gian
Dâng lên mộ mẹ muôn phần xót xa

Cháu con ở chốn đường xa
Về trong nắng sớm, hiên nhà đợi ai
Mẹ đi trong buổi sớm mai
Từ bi để lại tương lai con đầy
****
Yêu thương mẹ gánh vai gầy
Thoảng nghe trong gió vương lời hát ru
Ru con ru mãi ngàn đời
Mẹ về mang cả chân trời nắng lên

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Mẹ

"Con đi đâu, con về đâu?
Cuộc đời của mẹ là câu trả lời
Cho con nỗi nhớ không rời
Cho con ấm cả chân trời nắng lên
Ngày về tóc mẹ bạc thêm
Mong con chân cứng đá mềm phương xa
Đôi khi nhìn ráng chiều tà
Chừng như thấp thoáng quê nhà nhớ thương
Nhớ thương xin được hát thầm
Lời ru của mẹ ngàn năm mãi còn"

Mẹ đi rồi, tôi chẳng thể nào xoay xở với nổi nhớ miên man của mình. Hình ảnh mẹ trong buổi chợ sớm vẫn cứ ám ảnh trong tôi. Tuổi thơ tôi, đầy ắp hình ảnh mẹ tất tảo chợ sớm để kịp giờ làm. Ngày xưa, nghèo lắm, cơm ngày 2 bữa còn độn khoai sắn nên mỗi lần chờ mẹ chợ về là những hôm có một món gì đó ngon.
Ngày bé, tôi lớn lên với những củ khoai nướng, những lát sắn trắng đục. Vậy mà vẫn lớn lên khỏe mạnh. Mẹ tôi thường bảo, "mi ăn khoai sắn mà lớn lên đó, cơm dành cho anh chị hay bị ốm". Còn nhớ, lúc học lớp 10, tôi đi thi chuyên tiếng Nga ở Đồng Hới, mẹ tất tảo dậy sớm làm cơm nắm, vỏn vẹn 2 nắm cơm bằng nắm tay và 4 miếng thịt. Mẹ còn dặn "con để dành mà ăn khi đói nhé".
Không hiểu sao, tôi cứ vẫn vơ nhớ miên man những ngày vất vả, mẹ tần tảo lắm. Tôi là đứa lớn nhanh nên được mẹ cho lon ton theo mẹ đi làm, đi hái lá, đi chặt củi.
Mẹ đi rồi, nỗi nhớ không rời.
Tôi nhớ lời ru của mẹ trong những đêm hè nóng nực. Tôi nhớ tiếng bằm khoai mỗi lúc sáng sớm. Tôi nhớ tiếng lá mía xào xạc bên hè. Tất cả, chỉ là những âm thanh do mẹ tạo nên. Những âm thanh của tần tảo của mẹ, những tiếng vọng của quê nhà, của tuổi thơ tôi.








Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Thư gửi cô giáo của con trai

Hôm qua, con trai tôi, học trò của cô, có trò chuyện với tôi bằng phong cách nói chuyện khác thường:

- Bố ơi, bố hãy ngồi xuống đây, chúng ta nói chuyện như hai người đàn ông.

- OK, chuyện chi vậy con?

- Hôm nay ở trường, con đánh một bạn đấy.

- - Tại sao thế?

- Vì bạn ấy dành đồ chơi của con và đánh con trước. Con mách cô giáo nhưng có lại bảo “Con tránh ra kẻo bạn đánh”. Sao cô không bênh con, bố nhỉ?

- Ừm...

- Sau đó, bạn ấy lại đánh con nên con đánh lại bạn ấy, một đấm rất đau, bạn ấy khóc nhè, mách cô giáo, thế rồi cô giáo mắng con.

Tôi sẻ không trách cô giáo hay tìm hiểu lý do tại sao các cháu đánh nhau vì tụi trẻ, hầu như đứa nào cũng có xích mích trong khi chơi và học cùng các bạn. Tôi muốn trò chuyện với cô về một điều khác, về điều mà tôi đã dạy con trai tôi cách xử lý tình huống trên.

Tôi đã dạy cho con trai tôi một vài thế võ để mỗi sáng thức dậy, cháu tập thể dục, rèn luyện sức khỏe. Tôi đã dạy con trai rằng, học võ để rèn luyện nhân cách và để tự vệ đối với những kẻ thô bạo.

Tôi đã dạy con trai hãy trò chuyện với cô giáo nếu có một ai đó dọa đánh hoặc đánh mình và cháu đã tin rằng, cô sẽ đối xử công bằng và nhân ái bởi cô giáo là người thiết lập một khuôn khổ công bằng trong lớp học, là người mẹ thứ hai hướng dẫn cho cháu nhân cách sống.

Tôi không khuyến khích tụi trẻ đánh nhau nhưng tôi nhắn nhủ con trai tôi rằng, hãy tự vệ khi có kẻ khác đánh mình và đánh người khác. Tôi đã nói với cháu rằng, những kẻ hay đánh người khác lại là những người dễ bị tấn công nhất.

Câu chuyện của bố con tôi vẫn tiếp tục: Nếu lần sau mà bạn ấy vẫn như thế với con, con phải làm thế nào?

Nếu cô giáo đã là người mẹ, cô sẽ thấy câu hỏi này sẽ buộc chúng ta cần phải suy ngẫm: Đánh lại hay mách cô giáo? Tôi đã băn khoăn mãi với câu hỏi của con trai. Và thật tình, tôi đang trông đợi ở cô giáo cách giải quyết công bằng.

Theo tôi, chúng ta có thể áp dụng cách của những nhà ngoại giao: Đàm phán để hai đứa trẻ tìm ra giải pháp.

Bóng mây

Mẹ như bóng mây

Để con nương tựa

Mẹ như ngọn gió

Thổi mát lòng con

Gió đưa mây đi

Mênh mang nổi nhớ

Mây gió đâu còn

Tìm đâu nương tựa

Mẹ đi xa mãi

Con cứ ngóng trông

Chờ mong khói bếp

Trong ánh ráng chiều